Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn có mức độ bảo hộ cao nhất thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mức thuế suất trung bình mà Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu đạt khoảng 9,6%, cao hơn nhiều so với mức 5,3% tại Liên minh châu Âu (EU) và mức 3,5% tại Mỹ.
Trung Quốc sẽ chẳng là gì nếu như không có một hệ thống dày đặc các biện pháp bảo hộ cho các ngành công nghiệp nội địa của mình. Mặc dù đã bắt đầu dần tiến hành tự do hóa nền kinh tế trong những năm gần đây nhưng Trung Quốc cũng đã tạo ra một hàng rào phức tạp để bảo vệ các tập đoàn và doanh nghiệp mà chính phủ nước này xem là những biểu tượng cho nền kinh tế quốc gia. Và hàng rào bảo hộ này lại đang có xu hướng ngày càng dày thêm, và đó có thể là một cách thức tiếp cận phản tác dụng của Bắc Kinh.
Một trong những phương pháp thường dùng nhất để xác định và đánh giá về việc một nền kinh tế có đang ở trong tình trạng bảo hộ cao hay thấp là xem xét các số liệu về thuế suất. Theo cách này, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn có mức độ bảo hộ cao nhất thế giới.Theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mức thuế suất trung bình mà Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu đạt khoảng 9,6%, cao hơn nhiều so với mức 5,3% tại Liên minh châu Âu (EU) và mức 3,5% tại Mỹ.
Tuy nhiên, thuế quan mới chỉ là một phần của câu chuyện bảo hộ ở Trung Quốc. Ngoài thuế quan, Trung Quốc cũng đang tỏ ra rất thành thạo trong việc sử dụng hàng rào phi thuế quan để bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Phòng Thương mại Liên minh châu Âu trụ sở ở Bắc Kinh trong bản báo cáo vào tháng 3.2017 đã xác nhận một loạt các biện pháp bảo hộ đang được chính phủ Trung Quốc sử dụng để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa, bao gồm trợ cấp tài chính và giá cả cho các doanh nghiệp nội và buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc.
Một trường hợp điển hình gần nhất là việc Bắc Kinh thông báo cho phép tập đoàn quản lý tài sản của Mỹ là BlackRock Inc được mở rộng hạn ngạch đầu tư cho một công ty con của mình tại thị trường Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc công khai tuyên bố đây là một sự nhượng bộ lớn vì đây vẫn là một lĩnh vực hoàn toàn cấm các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc, vẫn còn rất nhiều các lĩnh vực trong nền kinh tế Trung Quốcđược chính phủ nước này khóa chặt và dành riêng cho các công ty nội địa. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốcđang duy trì quy định giới hạn số chi nhánh mà các công ty tài chính nước ngoài có thể mở tại thị trường nước này, cũng như hạn chế số cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ tại các ngân hàng quốc doanh.
Những biện pháp ngăn cấm vô lý này đang mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác. Một động thái mới nhất là việc Bắc Kinh cấm một số bộ sách dành cho trẻ em được nhập khẩu từ nước ngoài, dù Trung Quốc giải thích với những lý do về văn hóa và giáo dục nhưng đây được xem là một hàng rào phi thuế quan mà nước này dựng lên đối với các sản phẩm thương mại sở hữu trí tuệ mà không vấp phải sự phản đối và kiện tụng. Các công ty nước ngoài thậm chí đã bị cấm bán những sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc cho người tiêu dùng nước này, do những lo ngại về việc chiếm mất thị phần của các doanh nghiệp nội địa.
Buộc Trung Quốc phải gỡ bỏ những rào cản dày đặc này là một thách thức thực sự, bản báo cáo mới nhất của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết. Các quy định của WTO yêu cầu các quốc gia thành viên phải công khai các lĩnh vực và biện pháp bảo hộ của mình. Tuy nhiên, theo thống kê Trung Quốc đang có khoảng 400 biện pháp bảo hộ bị Mỹ và các nước châu Âu phản đối do sự bất hợp lý cũng như thiếu minh bạch. Quan trọng hơn là Trung Quốc đã từ chối tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật song phương để giải quyết vấn đề này như quy định của WTO đã yêu cầu. Nói cách khác, Trung Quốc không chỉ che giấu các biện pháp và hàng rào bảo hộ vốn bị xem là vi phạm các quy định của WTO, mà còn từ chối thảo luận để giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, về một khía cạnh nhất định thì những rào cản mang tính bảo hộ này không phải là hoàn toàn hiệu quả. Gia tăng các biện pháp bảo hộ cũng đồng nghĩa với việc làm ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng trong nước, đồng thời trì hoãn sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa. Việc người dân Trung Quốc đổ xô sang Nhật để mua các thiết bị vệ sinh cao cấp cũng như sang châu Âu để mua các sản phẩm xa xỉ một phần là vì giá rẻ hơn so với mua ở trong nước do các biện pháp bảo hộ đã khiến thuế suất quá cao. Giá sữa bột ở Hồng Kông thì hiện chỉ bằng một nửa so với mua tại các siêu thị ở Thẩm Quyến. Không chỉ người tiêu dùng phải chịu thiệt hại nhiều hơn do các biện pháp bảo hộ, mà các doanh nghiệp nội địa cũng trở nên thiếu năng động hơn do được ưu đãi và mất đi tính cạnh tranh.
Nếu Trung Quốc gỡ bỏ dần hàng rào bảo hộ dày đặc của mình, về lý thuyết sẽ đem lại những lợi ích nhất định cho nền kinh tế thứ hai thế giới. Gỡ bỏ các biện pháp bảo hộ đồng nghĩa với việc đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, điều này dường như là khá xa vời khi mà đến thời điểm hiện tại chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ một cam kết nào về việc gỡ bỏ các biện pháp bảo hộ thuế quan lẫn phi thuế quan của mình. Kể cả các hiệp định thương mại đa phương quy mô lớn mà Trung Quốc theo đuổi (như RCEP) cũng chỉ dừng lại ở việc giảm thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà thôi. Hơi mỉa mai một chút khi cũng chính Trung Quốc lại là nước hô hào thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu nhất ở thời điểm hiện tại.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)