Nghệ sĩ Hoài Nam - người họa sĩ tiên phong của ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu cải lương miền Nam và đã cống hiến trọn vẹn - suốt đời cho đam mê nghệ thuật này đã qua đời ở tuổi 90 ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM.

Họa sĩ Hoài Nam qua đời: Con ngựa già đã tìm về đồng cỏ

CTV Hà Đình Nguyên | 07/01/2020, 18:21

Nghệ sĩ Hoài Nam - người họa sĩ tiên phong của ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu cải lương miền Nam và đã cống hiến trọn vẹn - suốt đời cho đam mê nghệ thuật này đã qua đời ở tuổi 90 ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM.

Sáng nay (7.1.2020) lướt Facebook, mới hay tin họa sĩ Hoài Nam đã từ trần lúc 4 giờ sáng nay tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ (đường Âu Dương Lân, Q.8, TP.HCM), thấy hồn xốn xang, và chắc chắn rằng nhiều "cựu cư dân" của "Tám Mốt-Trần Quốc Thảo": Thiên Hà, Trương Đạm Thủy, Lê Hồng Thái, Bùi Công Doanh, Tăng Bình, Trần Lượng... cũng sẽ bồi hồi với cái tin ông mất...

Nhớ khoảng 20 năm về trước, khi tôi là "đại sứ thường trực" ở Quán Nghệ sĩ (81, Trần Quốc Thảo, Q.3), thỉnh thoảng vẫn thấy ông xuất hiện ở đây: Dáng người mảnh khảnh, tóc dài, cặp mắt sâu sau đôi kính lão, đôi má hóp sâu... Ông ngồi uống bia với bạn bè nhưng rất kiệm lời, chỉ thỉnh thoảng nở nụ cười thật hiền. Anh em giới thiệu với tôi: "Họa sĩ Hoài Nam - chuyên thiết kế cho các sân khấu cải lương".

Từ đó, tôi thường được ngồi "hầu bia" với ông cùng với nhà văn Dương Hà (tác giả tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm), nhà thơ-soạn giả Kiên Giang-Hà Huy Hà và nhóm anh em đã kể ở trên. Tôi đã chụp ông khá nhiều bức ảnh vẫn còn lưu file ở đâu đó mà nhất thời chưa tìm lại được. Lúc đó, ông đã "giã từ vũ khí" và đã về nương thân ở Khu dưỡng lão nghệ sĩ bởi ông thuộc dạng "tứ cố vô thân", chưa từng có vợ nên cũng chẳng có con cái để làm chỗ dựa lúc tuổi xế chiều...

Họa sĩ Hoài Nam và tác phẩm- Ảnh: Tư liệu

Họa sĩ Hoài Nam tên thật là Bùi Hoài Nam, ông sinh năm 1930 trong một gia đình điền chủ tại Thủ Thừa (Long An), 15 tuổi "công tử Thủ Thừa" bỏ nhà đi theo kháng chiến, một năm sau trở về thì... nhà cửa ruộng đất mất sạch. 17 tuổi, Hoài Nam lên Sài Gòn học Trường vẽ Gia Định, đồng thời ghi danh học Trường Âm nhạc Sài Gòn. Tuy nhiên, vốn tính lãng tử, cả 2 môn học này ông đều bỏ ngang khi sắp tốt nghiệp. Lúc đó, Hoài Nam chơi thân với con trai của nghệ sĩ cải lương kiêm bầu gánh Năm Châu. Vậy là lân la với nghề trang trí sân khấu.

Thoạt đầu là phụ việc cho các họa sĩ đàn anh, dần dần trở thành họa sĩ chính, nổi tiếng đến nỗi gánh hát nào cũng muốn nhờ ông trang trí. Nghe kể rằng chính ông là người đã làm một cuộc cách mạng: Đưa việc thiết kế phông màn sân khấu từ đình chợ đơn giản ra rạp hát hoành tráng. Sau này (từ năm 1958) ông còn là họa sĩ thiết kế hình ảnh cho các bộ phim: Xa lộ không đèn, Bàn thờ tổ của cô đào, Nghêu Sò Ốc Hến, Hồi chuông Thiên Mụ...

Trước 1975, ông thuê một căn nhà ở cuối đường số 2 Làng báo chí Thủ Đức. "Trong nhà không một cái ghế ,cái bếp hay những vật dụng sinh hoạt tối thiểu của một gia đình, nói chung như một cái nhà hoang vậy… Nhưng trong nhà có rất nhiều những hũ rượu thuốc mà ông đi đây đi đó mang về và sách thì chất đầy nhà với những sách tiếng Hán, hay những bộ truyện Kim Dung mới xuất bản ở Sài Gòn thời đó, cùng với báo chí hay những giá vẽ, tranh vẽ dở dang v.v... (chi tiết này của Bùi Công Doanh, người ở cùng Làng Báo chí Thủ Đức với ông). Mỗi lần có đoàn hát đặt hàng là ông đóng cửa đi vẽ suốt tháng.

Dạo ấy, thu nhập của ông phải nói là "xu hào rủng rỉnh" nên ông rất hào phóng với bạn bè thân hữu. Cũng dễ hiểu vì ông không vướng bận vợ con. Thực ra hồi ấy ông là một họa sĩ tài hoa, làm ra tiền, lại đẹp trai với dáng người dong dỏng cao nên thiếu gì cô đào hát xinh đẹp hoặc những cô gái hâm mộ sẵn sàng tình nguyện "nâng khăn sửa túi", Trước năm 1954, ông cũng đã từng yêu một cô gái, tính chuyện cưới xin nhưng rồi cô ấy trở mặt, bỏ ông để lấy một anh lính Tây, từ đó ông "tắt lửa lòng". Một điều nữa khiến ông không tha thiết gì chuyện vợ con là bởi ông từng chứng kiến cha mẹ chết sớm, rồi lần lượt 7 người anh em ruột của ông qua đời mà không ai qua khỏi tuổi 40. Ông tự nhủ: "chắc mình cũng không qua khỏi cái ngưỡng ấy. Thôi, vợ con làm gì, thêm khổ cho người ta !" (vậy mà ông sống ngót...90 tuổi mới lạ!).

Sau hơn 60 năm làm việc cho các đoàn sân khấu, ông về nương thân ở Khu dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8), viết bộ sách Giải mã Hán - Việt - Nôm theo phương pháp họa tự và sáng tác thơ. Việc nghiên cứu chữ Hán cũng là một đam mê song song với hội họa. Ông kể rằng, dạo còn phiêu bạt ở tuổi thanh niên, ông được học chữ Hán với một ông chủ tiệm thuốc bắc người Hoa ở Vũng Tàu. Bộ sách Giải mã Hán - Việt - Nôm theo phương pháp họa tựđã được NXB Trẻ in tập 1 (tập 2 đang dang dở thì ông mất).

Còn về thơ, thú thực chơi với ông cũng khá lâu, cũng từng nhiều lần ngồinghe ông nói chuyện nhưng tuyệt nhiên tôi cũng như bạn bè quanh ông chưa bao giờ nghe ông "đụng chạm" gì tới thơ văn cả. Vậy mà mới đây nhà thơ Trương Đạm Thủy tiết lộ (trích: "Mới đây gặp lại anh với nụ cười móm xọm của tuổi U.80, anh trao tôi món quà là kết quả của những đêm già khó ngủ. Đó là tác phẩm tập photo bản thảo thơ 7 cuốn gồm: 1/Ngũ Âm, 2/Thơ Đường Phố, 3/Túy thi,, 4/Tình thi, 5/Lãng Thi, 6/ Thủy mặc thi, 7/Điền dã thi..; Chưa bao giờ tôi nghĩ Hoài Nam lại có một tâm hồn thơ nồng nàn đến vậy. Anh lại còn tỏ ra có tay nghề với một dòng thơ vừa hiện đại lại vừa u hoài cổ phong như trong Đêm:

Sao đêm trùm chăn lạnh

Lã đời nhẹ ý xanh

Tơ thơ mơ bỡ ngỡ

Vương vương lệ đầu cành...

Trong tập ''Thơ Đường phố''Hoài Nam tự nhận mình như con ngựa hoang dù đã đi gần hết cả đời người mà vẫn hoài lang thang đơn độc. Anh viết :

Anh là con ngựa hoang

Nên không có đồng cỏ

Em là con yến nhỏ

Chỉ hát trong lồng son

Ngựa hoang không biết hát

Chỉ thống hí lê thê

Một dòng đời ê chề

Nên ngôn ngữ xa anh... (hết trích).

Vậy đó, con ngựa già giờ đã khuỵu vó. Xin cuộc đời là đồng cỏ thanh bình để ông tìm về an nghỉ. Cuộc sống riêng của ông dẫu có cô đơn nhưng ông vẫn hiện diện một cách thật nồng ấm trong trái tim bạn bè và người mộ điệu...

Xin vĩnh biệt ông: Người họa sĩ tiên phong của ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu cải lương miền Nam và đã cống hiến trọn vẹn - suốt đời cho đam mê nghệ thuật này.

Hà Đình Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họa sĩ Hoài Nam qua đời: Con ngựa già đã tìm về đồng cỏ