Trong ký ức nhiều người thuộc thế hệ 8X trở về trước, nghề ép plastic thủ công cũng là một nét văn hóa gắn liền với phố thị Sài Gòn và hình ảnh đó ngày nay không dễ dàng tìm.
Văn hóa

Hoài niệm về nghề ép nhựa thủ công giữa Sài Gòn

Tam Anh 31/12/2023 15:48

Trong ký ức nhiều người thuộc thế hệ 8X trở về trước, nghề ép plastic thủ công cũng là một nét văn hóa gắn liền với phố thị Sài Gòn và hình ảnh đó ngày nay không dễ dàng tìm.

Ngày nay, khi muốn ép nhựa (plastic) hay ép chân không, người ta có thể đến tiệm với máy móc hiện đại và nhanh gọn. Hình ảnh người thợ đang cân chỉnh cây thước thật ngay thẳng thớm trên tấm nhựa trong veo, bên cạnh là chiếc bàn ủi con gà đặt trên một bếp than hồng trên vỉa hè những con đường ở Sài Gòn đã mất hút từ lâu. Với nhiều người thuộc thế hệ 8X, hay 7X trở về trước... nó trở thành những hoài niệm của tuổi thơ.

Vào những năm 1970 - 1980, hình ảnh người thợ ép plastic dẻo với chiếc bàn ủi than con gà rất quen thuộc và phổ biến trong xã hội. Học sinh muốn ép bìa tập vở, giấy khen, hay người lớn muốn ép chứng minh thư, hộ khẩu, khai sinh đều tìm đến với những người thợ cần mẫn bên vỉa hè các con đường. Những người thợ khéo tay này chỉ ngồi một chỗ làm công việc của mình, nhưng thu nhập đủ lo cho gia đình.

Cùng thời đại ấy, nghề vá dép nhựa cũng phổ biến. Quãng thời gian này, người ta đi dép nhựa rất nhiều, với đủ loại dép. Chỉ một số ít gia đình có điều kiện, khá giả, nghệ sĩ hoặc công chức mới đi dép da, hoặc giày.

Dép nhựa thường hay bị đứt quai hoặc phần thân dép, và đa số người ta ít có tiền để mua mới, tiết kiệm nên phải đi vá. Người thợ vá dép chỉ cần công cụ đơn giản là một cái bàn ủi để trên bếp than, một thanh sắt cán tre với một phần đầu đập dẹp, mấy miếng nhựa cắt nhỏ, kim tây loại lớn và chỉ. Đầu dẹp của thanh sắt được người thợ nung trong bếp than đến đỏ, sau đó, họ sẽ ịn vào chỗ đứt của đôi dép, làm mềm và dán nó lại bằng miếng nhựa nhỏ. Thông thường cách vá dép là vậy. Trường hợp đôi dép nào đứt nặng quá hoặc theo yêu cầu của khách hàng, khi dán xong, người thợ còn may lại bằng chỉ cho chắc. Và như vậy, giá tiền công sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, ở thời hiện tại, nghề vá dép nhựa này đã biến mất vĩnh viễn vì một đôi dép nhựa quá rẻ và hầu như người chỉ dùng đi trong nhà.

Và kỳ thay, dù cùng thời với nhau, một nghề đã vĩnh viễn biến mất nhưng giữa Sài Gòn, nghề ép dẻo vẫn còn tồn tại đâu đó, dù rất hiếm hoi.

410718306_214010578423438_6239994749341201295_n.jpg
Hình ảnh hiếm hoi về nghề ép nhựa trên đường phố Sài Gòn thời hiện đại - Ảnh: N.H

Trong một buổi chiều, người viết ghé viếng Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) và tình cờ bắt gặp hình ảnh người thợ ép dẻo quen thuộc ngày xưa. Đó là một người phụ nữ cùng một chiếc xe đẩy 4 bánh đang làm việc cần mẫn gần khu vực cổng lăng. Nhìn từ xa, người viết tưởng rằng chị đang nướng bánh. Thế nhưng, khi lại gần mới biết chị đang ép nhựa cho bằng khen của một học sinh. Hình ảnh chiếc bàn ủi con gà, cái bếp than hồng cũ kỹ đã tạo nên một xúc cảm kỳ lạ cho người viết. Đó chính là một trời ký ức tuổi thơ.

Người phụ nữ làm việc rất cẩn thận trong im lặng. Vị khách hàng trẻ tuổi đứng chờ cũng rất kiên nhẫn. Ép xong cho người này chị lại tiếp tục cho người khách hàng khác. Giá cho mỗi lần ép nhựa là 3.000 - 4.000 đồng. Người viết đứng quan sát rất lâu và thấy khách hàng của chị đa số là học sinh và nhân viên văn phòng. Họ đến ép rất nhiều thứ khác nhau.

Video người phụ nữ ép plastic thủ công hiếm hoi giữa đường phố Sài Gòn

Người thợ ép plastic thủ công không muốn nêu tên. Chị cho biết, nghề này là truyền thống gia đình bắt đầu từ cha chị. Chị là thế hệ thứ hai. Công việc ép nhựa mỗi ngày cũng giúp chị "kiếm đủ cơm" qua ngày. Chị cũng không muốn tìm công việc khác vì thấy nhu cầu xã hội vẫn còn. Khách hàng của chị đa phần là người già và học sinh, giới văn phòng.

Với người già, họ là những người ưa thích cái gì đó xưa cũ và hoài niệm. Họ có thể đi thêm một đoạn cách đó không xa để ép bằng máy, nhanh hơn nhưng họ vẫn chọn cách ép thủ công. Với họ, cách ép này vừa rẻ, vừa đẹp, vừa chắc dù hơi mất thời gian chờ đợi đôi chút. Quan trọng là họ thích nhìn người thợ làm việc, nó có gì đó thật thú vị. Và có lẽ vì vậy mà cái nghề ép nhựa thủ công tưởng đã lỗi thời vẫn còn tồn tại… dù rất mong manh và nhiều thách thức.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoài niệm về nghề ép nhựa thủ công giữa Sài Gòn