Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử đứng sau nền tảng Tmall và Taobao, báo cáo thu nhập kém hơn mong đợi ở quý 3/2022 trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhưng đã có doanh thu trở lại trên đà tăng trưởng.
Alibaba, công ty sở hữu tờ South China Morning Post, đã báo cáo khoản lỗ ròng bất ngờ 20,6 tỉ nhân dân tệ (2,88 tỉ USD) theo tiêu chuẩn kế toán toàn cầu.
Doanh thu Alibaba (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc) trong quý 3/2022 tăng 3% lên 207,2 tỉ nhân dân tệ, thấp hơn so với dự kiến 209,2 tỉ nhân dân tệ.
Theo các tiêu chuẩn kế toán của Trung Quốc, Alibaba đã công bố thu nhập ròng đã điều chỉnh là 33,8 tỉ nhân dân tệ, tăng 19% so với một năm trước đó.
Daniel Zhang Yong, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Alibaba, cho biết: “Chúng tôi đã mang lại một quý vững chắc trong môi trường vĩ mô đầy bất ổn. Sự bùng phát dịch liên tục, căng thẳng địa chính trị, lạm phát và mất giá tiền tệ - sự hội tụ của tất cả lực lượng này tạo ra những khó khăn đáng kể cho hoạt động kinh doanh”.
Alibaba gây bất ngờ khi nguồn thu nhập từ “vườn có tường bao quanh” giữa các đơn vị khác nhau đã bị triệt tiêu bởi hơn một năm đàn áp chống độc quyền của chính phủ Trung Quốc.
Ngay cả Ant Group, chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba và là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến thống trị ở Trung Quốc, cũng báo cáo lợi nhuận giảm 63,2% so với năm ngoái xuống còn 7,72 tỉ nhân dân tệ. Đóng góp từ Ant Group vào thu nhập hàng quý của Alibaba đã giảm xuống 2,4 tỉ nhân dân tệ từ 6,5 tỉ nhân dân tệ năm ngoái.
Alibaba cho biết: “Việc giảm tỷ trọng lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước của Ant Group là do giá trị hợp lý từ các khoản đầu tư do Ant Group nắm giữ và lợi nhuận hoạt động của Ant Group giảm”.
Kết quả trên được báo cáo khi Trung Quốc vật lộn với những thách thức kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm. Theo chính sách Zero COVID nghiêm ngặt liên quan đến phong tỏa nhanh và kiểm soát biên giới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 3% trong 9 tháng đầu năm 2022, thấp xa so với mục tiêu hàng năm là khoảng 5,5%.
Hôm 17.11, Alibaba cho biết đã cắt giảm gần 1.800 nhân viên khỏi biên chế trong quý 3/2022, so với mức giảm gần 10.000 nhân viên trong quý trước. Công ty giữ lại khoảng 243.900 nhân sự tính đến cuối tháng 9.
“Hoạt động kinh doanh của Alibaba đang ở mức thấp lịch sử. Kết quả tuy kém nhưng được coi là bình thường vì sự tăng trưởng của toàn bộ ngành thương mại điện tử Trung Quốc đã đi vào lãnh thổ một con số, bị đè nặng bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng video ngắn Douyin và Kuaishou”, theo Li Chengdong, người sáng lập tổ chức nghiên cứu ngành công nghiệp internet Dolphin có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc).
Doanh thu từ thương mại Trung Quốc của Alibaba giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 135,4 tỉ nhân dân tệ trong quý 3. Trong khi doanh thu từ thương mại quốc tế tăng 4% lên 15,7 tỉ nhân dân tệ.
Các dịch vụ tiêu dùng địa phương, gồm cả dịch vụ bản đồ trực tuyến Amap và dịch vụ giao đồ ăn Ele.me, đã chứng kiến doanh thu tăng 21% lên 13,1 tỉ nhân dân tệ.
Alibaba cho biết đã chứng kiến sự sụt giảm ở mức một con số trong tổng giá trị hàng hóa (GMV) của đồ được bán trên cả Taobao và Tmall.
Ngoài ra, Alibaba phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Pinduoduo và Douyin của ByteDance (phiên bản Tiktok của Trung Quốc) vốn đã mở rộng các dịch vụ thương mại điện tử và chiếm nhiều thị phần hơn.
Daniel Zhang Yong tiết lộ trong một cuộc gọi hội nghị hôm 17.11 rằng sự thèm muốn mua sắm của người tiêu dùng đã yếu đi và họ ít mua hàng hơn so với trước đây.
Ông nói dịch bùng phát ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến các dịch vụ hậu cần.
Năm nay, lần đầu tiên Alibaba và đối thủ JD.com không tiết lộ doanh số bán hàng của họ từ lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11.11).
Tuần trước, Alibaba đã không tiết lộ doanh số bán hàng trong lễ hội mua sắm Ngày độc thân mà chỉ nói rằng kết quả phù hợp với năm ngoái, mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay.
Theo Daniel Zhang Yong, dù có ít người mua hơn trong sự kiện năm nay, nhưng GMV trung bình trên mỗi người tiêu dùng đã tăng lên.
Doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đã giảm 0,5% vào tháng 10, thấp hơn mức tăng dự kiến là 1,8% và giảm so với mức tăng 2,5% trong tháng 9.
Mảng kinh doanh dịch vụ đám mây của Alibaba cũng bị ảnh hưởng, với doanh số tăng 4%, giảm so với mức tăng trưởng lần lượt 12% và 10% trong quý 1 và quý 2/2022.
Daniel Zhang Yong cho hay: “Chúng tôi chủ động kiểm soát sự phát triển của hoạt động kinh doanh đám mây của mình”.
Song có những dấu hiệu cho thấy những khó khăn bên ngoài với công ty đã bắt đầu giảm bớt.
Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp kiểm soát đại dịch, với các nhà lãnh đạo nước này thúc giục một cách tiếp cận "có mục tiêu và chính xác" hơn. Trung Quốc cũng giảm bớt hoạt động đàn áp theo quy định với các Big Tech (hãng công nghệ lớn).
Daniel Zhang Yong nói những điều chỉnh mới nhất trong các chính sách liên quan đến đại dịch của Trung Quốc sẽ có một số tác động tích cực, dù một số nơi vẫn đang gặp gián đoạn hậu cần.
“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng mọi thứ sẽ tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực”, ông chia sẻ.
Cổ phiếu Alibaba tại Hồng Kông giảm ít hơn 1% xuống còn 78,25 đô la Hồng Kông vào ngày 17.11, tăng hơn 20% so với mức thấp lịch sử vào tháng trước, khi xu hướng giảm giá trên thị trường rộng lớn cũng ảnh hưởng đến các cổ phiếu công ty internet khác của Trung Quốc, bao gồm cả Tencent Holdings và Meituan.
Alibaba cho biết đã thông qua quyết định mua lại 15 triệu USD cổ phiếu từ các nhà đầu tư và gia hạn chương trình đến cuối năm tài chính 2025.
Tính đến ngày 16.11, Alibaba mua lại khoảng 18 tỉ USD cổ phiếu theo chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 25 tỉ USD hiện có.