Một số nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới, gồm cả Apple và Xiaomi, đang tiến hành cuộc chiến về giá ở Trung Quốc vào Ngày độc thân - đợt mua sắm hoành tráng hàng năm.
Các công ty hy vọng hồi sinh thị trường giảm hai con số về lượng hàng xuất xưởng trong ba quý qua.
Theo Will Wong, nhà phân tích ở Singapore của hãng nghiên cứu công nghệ IDC, các chương trình khuyến mãi năm nay đang giảm giá mạnh hơn trước. Ông cho biết các chiến dịch trong Ngày độc thân (11.11) và đợt mua sắm 618 giữa năm giúp các nhà cung cấp smartphone kích thích nhu cầu địa phương và giải phóng hàng tồn kho trên toàn quốc.
Như một phần của chương trình khuyến mãi trong lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới, giá một số mẫu smartphone được chào bán trực tuyến và ngoại tuyến ở mức "thấp nhất trong lịch sử", theo một nhân viên bán hàng tại cửa hàng bán các smartphone hàng đầu của Huawei Technologies Co ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.
Ví dụ, smartphone hàng đầu P50 của Huawei hiện có giá thấp hơn 730 nhân dân tệ (100,73 USD) so với giá ban đầu là 4.488 nhân dân tệ khi được phát hành vào tháng 7.2021 với tư cách mẫu đầu tiên chạy hệ điều hành di động riêng của công ty là HarmonyOS 2.
Honor, trước đây là thương hiệu smartphone giá rẻ của Huawei, đang cung cấp mức giảm giá tương tự tại các cửa hàng trực tuyến và ngoại tuyến của mình. Honor là nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai của Trung Quốc trong quý 3/2022, theo IDC.
Xiaomi, nhà cung cấp smartphone đứng thứ 5 Trung Quốc trong quý 3, đã giảm giá tới 1.000 nhân dân tệ với một số mẫu máy nhất định trong chiến dịch Ngày độc thân của mình.
Được IDC xếp hạng là nhà cung cấp smartphone đứng thứ 4 Trung Quốc trong quý 3, Apple đã cung cấp các chương trình giảm giá hiếm hoi từ cuối tháng 10. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã cung cấp phiếu giảm giá trị giá lên tới 550 nhân dân tệ cho một số mẫu mới như iPhone 14 tại cửa hàng trực tuyến của họ trên Tmall và giảm giá tới 800 nhân dân tệ với iPhone 13 tại cửa hàng trên JD.com.
Tmall được điều hành bởi Alibaba Group Holding, chủ sở hữu tờ South China Morning Post.
Honor, Xiaomi, Apple và Huawei đều đã vượt qua 100 triệu nhân dân tệ trong giao dịch không lâu sau khi JD.com bắt đầu chiến dịch pre-sales Ngày độc thân vào 31.10, theo dữ liệu được công bố bởi JD.com - gã khổng lồ thương mại điện tử có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh.
Ngoài chiết khấu từ nhà sản xuất smartphone, các khoản trợ cấp của chính quyền địa phương cũng đang giúp cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng trong Ngày độc thân.
Ví dụ, Thâm Quyến - trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc đang cung cấp các khoản trợ cấp để giúp thúc đẩy tiêu thụ hàng loạt thiết bị điện tử và các sản phẩm khác, bao gồm smartphone, máy tính xách tay và máy bay không người lái.
Người tiêu dùng có thể nhận được khoản trợ cấp lên tới 15%, với mức hoàn trả tối đa là 2.000 nhân dân tệ cho mỗi người, khi mua các sản phẩm cụ thể.
Các chương trình khuyến mãi Ngày độc thân tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới phản ánh nỗ lực nhằm thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại.
Hơn một nửa số người tiêu dùng được hỏi trong một cuộc khảo sát gần đây cho biết đã thắt chặt ngân sách mua sắm cho Ngày độc thân, giáng một đòn mạnh vào sự đảm bảo của Bắc Kinh rằng tiêu dùng sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phục hồi.
“Các chương trình khuyến mãi dự kiến sẽ đặc biệt hấp dẫn với những người tiêu dùng đã và đang chờ đợi những ưu đãi tốt”, Will Wong cho biết.
Ông chỉ ra rằng triển vọng kinh tế u ám và chính sách Zero COVID của Trung Quốc có khả năng khiến người dân phải suy nghĩ kỹ trước khi mua sắm trong Ngày độc thân, vì họ có thể quyết định chuyển chi tiêu sang hàng tạp hóa và các mặt hàng khác.
Dữ liệu của IDC cho thấy 71,1 triệu smartphone được xuất xưởng tại Trung Quốc trong quý 3/2022, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. IDC cho biết mức giảm này đã hẹp hơn so với hai quý trước đó.
Theo số liệu công bố vào tháng 10 của công ty nghiên cứu Canalys, các lô smartphone trong quý 3 tại Trung Quốc đạt 70 triệu chiếc, giảm 11% so với một năm trước.
Theo báo cáo do hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research công bố cùng tháng, doanh số bán smartphone ở Trung Quốc đã giảm 12,4% trong quý 3, do tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng của quốc gia này vẫn chậm.
Báo cáo của Counterpoint Research cho hay: “Các thương hiệu smartphone đang chuẩn bị cho quý 4/2022 bận rộn hơn với nhiều dịch vụ mới hơn. Điều này sẽ nâng thị trường lên và giúp nó ghi nhận mức giảm ít hơn so với cùng kỳ năm trước trong quý 4”.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch gần đây tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn (Đài Loan) ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, đã dẫn đến việc cơ sở này bị phong tỏa, làm gián đoạn việc sản xuất các mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max phổ biến của Apple.
Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực trong việc đẩy mạnh thị trường nước ngoài, khi các lô hàng xuất khẩu của nước này vào tháng 10 giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm do nhu cầu yếu.
Dòng iPhone 14 đang gặp khó khăn trên thị trường smartphone lớn nhất thế giới, nơi doanh số hàng tuần gần đây nhất của họ đã giảm 1/3 so với năm ngoái, theo công ty nghiên cứu Jefferies.
Doanh số bán ra của 4 mẫu iPhone 14 tại Trung Quốc trong 38 ngày đầu tiên có mặt trên thị trường đã giảm 28% so với iPhone 13, với dữ liệu gần đây nhất cho thấy mức giảm đến 33%, theo một lưu ý hôm 4.11 từ các nhà phân tích Jefferies. Từng được chứng minh là bền bỉ hơn trong năm nay, iPhone 14 Pro và Pro Max đắt tiền hơn cũng đang hạ nhiệt.
Thị trường smartphone toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong năm nay.
Samsung Electronics, nhà sản xuất điện thoại, màn hình và bộ nhớ lớn nhất thế giới, cho rằng doanh số bán thiết bị cầm tay đang giảm ở Trung Quốc là một lực cản với hoạt động kinh doanh linh kiện của họ.