Vấn đề nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, can thiệp vào nền chính trị Úc đã gây chia rẽ giới học giả nước này, với hai nhóm có hai lập trường hoàn toàn đối lập nhau, trang ABC News cho biết.

Học giả Úc tranh cãi về nghi vấn Trung Quốc can thiệp nội bộ

Cẩm Bình | 28/03/2018, 19:32

Vấn đề nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, can thiệp vào nền chính trị Úc đã gây chia rẽ giới học giả nước này, với hai nhóm có hai lập trường hoàn toàn đối lập nhau, trang ABC News cho biết.

          

Sau khi Thủ tướng Malcolm Turnbull bày tỏ quan ngại về việc “một số thế lực bên ngoài đang có những nỗ lực ngày càng tinh vi nhằm can thiệp vào tiến trình chính trị của nước Úc” vào cuối năm 2017, chính quyền Canberra đã muốn đưa ra luật Cấm nước ngoài can thiệp nhằm hình sự hóa những hành vi can thiệp, đồng thời siết chặt kiểm soát các nguồn tài trợ chính trị.

Trong tuần trước, một nhóm học giả chuyên nghiên cứu về Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền xem xét lại ý định đặt ra luật Cấm nước ngoài can thiệp. Các học giả này cho rằng Bắc Kinh không hề có nỗ lực can thiệp, mà chính quyền Úc đang thúc đẩy “thông tin về một âm mưu lớn của Trung Quốc” vốn không hề tồn tại.

Cũng theo các học giả này, cuộc tranh luận về nghi vấn Trung Quốc can thiệp có nguy cơ kích động tâm lý bài ngoại nhắm vào những người Úc gốc Hoa.

Đến ngày 28.3, một nhóm gồm 35 học giả khác gửi một lá thư lên chính quyền, tỏ ý ủng hộ chính phủ Canberra. Một số học giả như James Leibold của Đại học La Trobe, Feng Chongyi của Đại học kỹ thuật Sydney, Kevin Carrico của Đại học Macquarie và Rory Medcalf của Học viện An ninh quốc gia thuộc Đại học quốc gia Úc đã ký tên vào thư này.

Trong thư, nhóm học giả cáo buộc đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã có “hoạt động can thiệp không thể chấp nhận được”, và hoạt động này có nguy cơ gây hại đến lợi ích cũng như chủ quyền của Úc.

Ngoài ra, nhóm này cũng khẳng định cuộc tranh luận không bị dẫn dắt bởi tư tưởng phân biệt chủng tộc, việc tiếp tục tranh luận là cần thiết. Hơn nữa, người Úc gốc Hoa là một trong những thành phần khởi xướng và kiểm soát cuộc tranh luận này.

Trong thành phần hai nhóm học giả đối lập nêu trên, có những người là đồng nghiệp tại cùng một trường đại học, Reuters cho biết.

Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại đại học quốc gia Úc, là một trong những người ký tên vào lá thư ngày 28.3. Ba người khác của trường này thuộc nhóm kêu gọi bỏ ý định áp luật cấm can thiệp.

Theo ông Ni: “Trong cùng một đơn vị vẫn có thể có nhiều người có ý kiến khác nhau về một chủ đề nào đó”.

Chính trị gia Úc Sam Dastyari mất chức vì bị phát hiện có mối liên hệ với một tỷ phú Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Sau khi ông Sam Dastyari, một chính khách thuộc Công đảng Úc đối lập, bị loại khỏi chính phủ do lộ chuyện gọi điện thoại (bị tình báo Úc nghe lén) để cảnh báo một doanh nhân Trung Quốc là đảng viên CCP, giới truyền thông nước này đã bắt đầu đặt nghi vấn Bắc Kinh tìm mọi cách ảnh hưởng chính trường Úc, từ đó làm nổ ra cuộc tranh luận về vấn đề này.

Phía Trung Quốc vẫn một mực phủ nhận mọi cáo buộc, và chỉ trích những gì giới truyền thông Úc đưa tin là phân biệt chủng tộc và vô căn cứ.

Cẩm Bình (theo Reuters, ABC News, Financial Times)

   
Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 phút trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học giả Úc tranh cãi về nghi vấn Trung Quốc can thiệp nội bộ