Số lượng học sinh đông tại Hà Nội và TP.HCM gây áp lực lớn không chỉ cho giao thông mà còn cho cả các trường lớp.

Học sinh tiểu học Hà Nội và TP.HCM đi học: Tắc từ ngoài đường đến trong lớp

Tú Viên | 02/03/2021, 13:08

Số lượng học sinh đông tại Hà Nội và TP.HCM gây áp lực lớn không chỉ cho giao thông mà còn cho cả các trường lớp.

hoc-sinh-tieu-hoc.jpg
Sĩ số học sinh một lớp ở Hà Nội hiện giờ khá cao - Ảnh: Internet

Sáng nay 2.3, học sinh tại Hà Nội đã đi học trở lại sau thời gian kéo dài kỳ nghỉ Tết phòng chống dịch COVID-19. Kết quả là các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng...  theo hướng vào trung tâm ùn tắc kéo dài. Nhiều xe máy phi lên vỉa hè hoặc đi ngược chiều để học sinh kịp giờ học, bố mẹ kịp giờ làm.

Tình trạng tương tự tại TP.HCM vào hôm qua 1.3 trong ngày học sinh trở lại trường sau 1 tháng. Nhiều tuyến đường ở TP.HCM từ sớm đã đông đúc hơn khi những phụ huynh trở lại với công việc quen thuộc của mình mỗi ngày đó là đưa đón con đến trường rồi mới tiếp tục đi làm. 1,7 triệu em nhỏ đi học trở lại, từ cấp mầm non tới THPT, số người tham gia giao thông trên đường phố lớn hơn, dẫn đến ùn tắc giao thông.

Thế nhưng không chỉ đường sá chịu quá tải mà đáng lo hơn là các lớp học đang chịu quá tải. 

Điều lệ trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định cấp tiểu học có sĩ số không quá 35 học sinh/lớp. Hiện tại, cấp tiểu học trên cả nước có sĩ số bình quân 31 học sinh/lớp. Thế nhưng, Hà Nội và TP.HCM không có được sĩ số đẹp như vậy. 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 786 trường tiểu học với gần 20.000 lớp. Tính trung bình, cấp tiểu học của Hà Nội có sĩ số bình quân là 40 học sinh/lớp.

Trước tình hình này, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp; đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng trường học ở những nơi tập trung đông dân cư, nơi có khu công nghiệp...

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học này, thành phố ước tính tăng hơn 54.600 học sinh các cấp, tập trung ở các quận Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Củ Chi và quận 9, 12. Học sinh tăng hằng năm mà tốc độ xây trường lớp không theo kịp.

Để đối phó tình trạng này, TP.HCM cũng đành phải cho các trường "vượt chuẩn" tăng sĩ số lớp. Chẳng hạn như Quận 12, bình quân một năm dân số của quận tăng khoảng hơn 20.000 dân, kéo theo số lượng học sinh tăng cao. Vậy nhưng, năm qua quận lại không có thêm trường tiểu học nào mới được xây dựng.

Giật gấu vá vai, quận sắp xếp sĩ lớp 1 là 45 học sinh/lớp nhưng vẫn có trên 1.700 học sinh không đủ điều kiện tuyển sinh (KT3 dưới 1 năm). Quận điều chỉnh tăng sĩ số lên 50 học sinh/lớp thì vẫn có đến cả ngàn học sinh chưa có lớp học. 

Khi không thể tăng sĩ số thì các trường đành tính đến việc giảm tỷ lệ 2 buổi/ngày để có chỗ cho học sinh học, cho dù điều này ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy cũng như khiến nhiều gia đình gặp khó trong việc đưa đón.

Ở bậc tiểu học hiện nay ở TP.HCM, tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày hiện chỉ có 73%. Cá biệt  ở Tân Phú, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận chỉ đạt khoảng 30%.

Nhìn ra đường thấy bài toán tắc đường giao thông khó tìm đáp án như thế nào thì bài toán sĩ số trong lớp ở Hà Nội, TP.HCM cũng tắc như vậy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
37 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh tiểu học Hà Nội và TP.HCM đi học: Tắc từ ngoài đường đến trong lớp