Giá dầu lập tức đã sụt 7% ngay sau khi hội nghị Doha kết thúc, và được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong những ngày sắp tới, thậm chí có thể sẽ quay trở lại mức kỷ lục là dưới 30 USD/thùng trước đó.

Hội nghị Doha thất bại, giá dầu sẽ tụt giảm trong những ngày tới

20/04/2016, 10:10

Giá dầu lập tức đã sụt 7% ngay sau khi hội nghị Doha kết thúc, và được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong những ngày sắp tới, thậm chí có thể sẽ quay trở lại mức kỷ lục là dưới 30 USD/thùng trước đó.

Một tin xấu đối với các nước xuất khẩu dầu lửa trên toàn cầu đã chính thức xảy ra, khi hội nghị bàn về đóng băng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu giữa gần 20 quốc gia thuộc OPEC và ngoài OPEC tại Doha, Qatar đã kết thúc mà không có một thỏa thuận chung nào được ký kết. Thậm chí một thỏa thuận khung mang tính hình thức để chờ đến khi cuộc họp kế tiếp vào tháng 6 tới cũng không được thông qua. Giá dầu ngay lập tức đã sụt 7% ngay sau khi hội nghị Doha kết thúc, và được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong những ngày sắp tới, thậm chí có thể sẽ quay trở lại mức kỷ lục là dưới 30 USD/thùng trước đó. Việc hội nghị Doha kết thúc thất bại đang là một tin tức rất xấu đối với hàng loạt các cường quốc xuất khẩu dầu như Nga, Ả Rập Saudi hay Venezuela. Vậy thì, đâu là lý do khiến hội nghị có quy mô lớn nhất bàn về cắt giảm sản lượng từ năm 2000 đến nay kết thúc trong thất bại.

Câu trả lời có lẽ nằm ở một lý do duy nhất: Ả Rập Saudi.

Điểm lại những sự kiện chính kể từ khi ý tưởng về một sự hợp tác cắt giảm sản lượng dầu được hình thành, cho đến khi nó được hiện thực hóa và thất bại ở Doha vào Chủ nhật 17.4 vừa qua, thì Ả Rập Saudi có lẽ là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự đổ vỡ của thỏa thuận quan trọng này. Trước hết, dù là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đồng thời là quốc gia lãnh đạo OPEC, nhưng Ả Rập Saudi lại không phải là người đứng ra kêu gọi thành lập một thỏa thuận đóng băng sản lượng mà lẽ ra nước này với vị thế đứng đầu của mình nên làm. Thay vào đó, Venezuela và sau đó là Nga mới là những nước đứng ra đề xuất một thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC. Điều này trái ngược hẳn với thời điểm 1999, khi Ả Rập Saudi đã đứng ra chủ trì một hội nghị cắt giảm sản lượng toàn cầu để vực dậy giá dầu giữa OPEC và một số nước xuất khẩu dầu khác như Mexico. Việc Saudi thờ ơ với kế hoạch đóng băng sản lượng lần này ngay từ đầu, có lẽ là một dấu hiệu cho thấy nước này ngay từ đầu đã không quan tâm đến khả năng thành bại của thỏa thuận.

Những dấu hiệu sau đó cũng ủng hộ cho giả thiết ấy. Dù chấp nhận thảo luận với Nga, Venezuela và Qatar về một thỏa thuận đóng băng sản lượng, nhưng Saudi vẫn mè nheo bằng cách kiên quyết đòi Iran cũng phải tham gia, nếu không thì hủy bỏ tất cả. Sự mè nheo của Saudi đã buộc Nga phải đứng ra dàn xếp bằng cách để Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak phải bay đến Tehran thuyết phục các nhà lãnh đạo Iran tham gia thỏa thuận. Sở dĩ như thế là vì sự căng thẳng đang gia tăng mạnh giữa Saudi và Iran, khi một xung đột về tôn giáo đã khiến hai nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao cách đây ít tháng.

Cho đến thời điểm chỉ trước khi hội nghị bàn về đóng băng sản lượng ở Doha diễn ra chỉ vài ngày, thì Ả Rập Saudi mới thực sự để lộ ra những dấu hiệu rõ rệt cho thấy nước này không thực sự muốn đại diện của Iran đến Doha – một điều đồng nghĩa với việc thỏa thuận Doha gần như chắc chắn sẽ thất bại. Trước khi hội nghị ở Doha diễn ra chỉ 2 ngày, vào ngày thứ sáu 15.4, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hai nhà lãnh đạo cao nhất của Saudi và Iran cũng có mặt. Lẽ ra đây là một cơ hội để hai bên có những động thái hòa giải làm nền tảng cho hội nghị quan trọng sẽ diễn ra sau đó hai ngày, thì cả thế giới được chứng kiến một sự lạnh nhạt chưa từng thấy giữa Quốc vương Saudi Salman bin Abdulaziz và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Không những không có động thái hòa giải, mà căng thẳng còn được đẩy lên đến đỉnh điểm khi khá nhiều quốc gia tham gia hội nghị (trong đó có Saudi) lên tiếng chỉ trích Iran là đã hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Hội nghị Doha đổ bể đã gần như là điều chắc chắn sau sự kiện này.

Nhưng, dường như mọi điều tồi tệ còn chưa dừng lại ở đó. Có vẻ như vẫn chưa hài lòng với màn công kích Iran tại hội nghị bao gồm 57 quốc gia Hồi giáo tại Istanbul, Saudi còn tiếp tục có những động thái khiến hội nghị ở Doha chết yểu từ trước khi diễn ra. Theo đó, chỉ trước khi hội nghị Doha diễn ra vài ngày, Saudi đã khiến nước chủ nhà Qatar ngạc nhiên khi nằng nặc đòi hủy bỏ lời mời Iran đến tham dự hội nghị, một điều gần như chắc chắn có thể khiến Iran dứt khoát không chấp nhận tham gia vào thỏa thuận đóng băng sản lượng. Lý do được Saudi đưa ra là, hội nghị sẽ dễ dàng đạt được thỏa thuận hơn nếu như không có sự tham gia của Iran, vì nếu như Iran có mặt và không đồng ý thì chắc chắn hội nghị sẽ không thể hoàn tất một thỏa thuận nào.

Áp lực của Saudi đã buộc nước chủ nhà Qatar phải chuyển thông điệp đến Iran vào ngày thứ sáu 15.4, trong đó nước này tuyên bố rút lại lời mời tham dự hội nghị với Iran. Và Iran nhanh chóng đáp trả, khi tuyên bố Tehran hoàn toàn không có ý định tham dự hội nghị này. Dù trước đó Iran cho biết sẽ không để Bộ trưởng dầu lửa của mình đến Doha mà sẽ chỉ cử một đại diện, nhưng việc rút lại lời mời của Saudi và Qatar đã thực sự khép chặt cánh cửa vốn vẫn còn một khoảng hở cho sự tham gia của Iran. Điều kỳ quặc là chỉ sau đó một ngày, Phó vương Saudi là hoàng tử Mohammed bin Salman tuyên bố công khai trước truyền thông, rằng Saudi chỉ chấp thuận đóng băng sản lượng nếu như tất cả các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới, trong đó có Iran, tham gia thỏa thuận. Có lẽ vì Phó vương Saudi đã không biết hoặc quên mất rằng chỉ trước đó một ngày chính đại diện của Saudi đã gây sức ép với Qatar để không mời Iran đến dự hội nghị - một điều đồng nghĩa với việc chắc chắn Iran sẽ không tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng.

Và thực tế đã chứng minh, dù Saudi hứa hẹn rằng sự vắng mặt của Iran có thể khiến hội nghị ở Doha có khả năng thành công cao hơn, và dù cuộc thảo luận giữa gần 20 quốc gia đã kéo dài hơn dự kiến đến 10 tiếng đồng hồ, thì kết quả là hội nghị Doha đã kết thúc với một kết quả thất bại hoàn toàn. Không những không có một thỏa thuận chung về đóng băng sản lượng, mà một thỏa thuận khung làm nền tảng cho cuộc họp lần sau vào tháng 6 tới cũng không đạt được. Có thể nói, Ả Rập Saudi là nguyên nhân hàng đầu khiến cho hội nghị ở Doha thất bại. Và có vẻ như Riyadh vẫn chưa dừng lại kể cả khi tất cả đã đổ bể, khi phó vương nước này là Mohammed bin Salman đã đe dọa rằng Saudi sẽ nâng sản lượng khai thác dầu của mình thêm 2 triệu thùng/ngày như một động thái trừng phạt các nước xuất khẩu dầu khác vì đã không thể thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Nếu Saudi tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày, chắc chắn giá dầu sẽ còn sụt giảm mạnh hơn nữa và gây sức ép về kinh tế với tất cả các nước xuất khẩu dầu.

Những dự tính và ý đồ thực sự của Saudi phía sau những động thái này là điều khó có thể hiểu được ở thời điểm hiện tại, nhưng có vẻ như nước này đang tự tạo nên một hình ảnh đan xen giữa một kẻ phá hoại và một tên côn đồ bạo ngược trên thị trường dầu thế giới cho chính mình. Những động thái này đang gây tổn tại cho chính Saudi cả về kinh tế lẫn thể diện, khi nền kinh tế nước này cũng đang gặp sức ép lớn từ việc giá dầu sụt giảm; và việc hành xử như một bạo chúa ngang ngược với những lời đe dọa cũng đang khiến thể diện và uy tín của nước này trở nên xấu đi nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị Doha thất bại, giá dầu sẽ tụt giảm trong những ngày tới