Sở dĩ câu chuyện gần đây của Ả Rập Saudi đáng chú ý, không chỉ vì đây là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và có nền kinh tế có mức độ phụ thuộc nặng nề vào dầu lửa, mà còn vì những điều kiện khá khó khăn trong vấn đề phát triển một nền kinh tế đa dạng.

Ả Rập Saudi làm gì để tự cứu mình trước khi dầu mỏ cạn đáy?

15/04/2016, 19:48

Sở dĩ câu chuyện gần đây của Ả Rập Saudi đáng chú ý, không chỉ vì đây là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và có nền kinh tế có mức độ phụ thuộc nặng nề vào dầu lửa, mà còn vì những điều kiện khá khó khăn trong vấn đề phát triển một nền kinh tế đa dạng.

Thế giới đang nói nhiều đến hội nghị về vấn đề đóng băng sản lượng khai thác dầu giữa 17 quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới tại Doha (Qatar) khi mà những tác động của nó đối với thị trường dầu thế giới là rất lớn, vì tổng sản lượng của 17 quốc gia tham dự hội nghị chiếm tới 75% tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, một câu chuyện khác có thể sẽ được nhắc đến rất nhiều trong tương lai cũng đang bắt đầu được khởi động: kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh tế của Ả Rập Saudi – quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới. Khi mà một ông trùm quyền lực nhất nắm giữ thế giới dầu lửa trong vòng cả nửa thế kỷ qua bỗng dưng tuyên bố không muốn dựa dẫm vào loại nhiên liệu này nữa thì thực sự là một câu chuyện đáng quan tâm hơn bao giờ hết. Cả thế giới đã phải kinh ngạc trước kỳ tích mang tên Dubai; nhưng nếu Ả Rập Saudi thành công, thì kỳ tích ấy sẽ còn lớn hơn Dubai rất nhiều lần.

Câu chuyện chuyển đổi mô hình kinh tế của Ả Rập Saudi ở thời điểm hiện tại là một đề tài nhận được rất nhiều sự chú ý. Về quy mô, có lẽ nó chỉ đứng sau cuộc cải cách và mở cửa thị trường 1 tỉ dân của Trung Quốc cách đây ba thập niên. Sở dĩ câu chuyện của Saudi đáng chú ý, không chỉ vì nó là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và có nền kinh tế có mức độ phụ thuộc nặng nề vào dầu lửa, mà còn vì những điều kiện khá khó khăn trong vấn đề phát triển một nền kinh tế đa dạng.

Nếu như Dubai, câu chuyện thành công điển hình về phát triển kinh tế tại các nước khối Ả Rập, có những thuận lợi đáng kể như vị trí thuận lợi cho giao thương và thương mại, cũng như các nguồn lợi về ngọc trai và dầu lửa trước khi chuyển mình thành một trung tâm tài chính, mua sắm và du lịch, thì các lợi thế đó gần như không có ở Saudi. Mặc dù có diện tích lãnh thổ lớn vào bậc nhất khu vực Trung Đông, nhưng đa phần lãnh thổ Saudi là sa mạc, chỉ tiếp giáp với Hồng Hải một đoạn khá nhỏ hẹp. Chính vì thế, khi Riyadh tuyên bố kế hoạch cải cách nền kinh tế quốc gia theo hướng đa dạng hóa, cả thế giới đã phải thắc mắc: liệu Saudi có thể làm được gì ở đất nước toàn sa mạc như thế?

Tính đến thời điểm hiện tại, mọi chi tiết của kế hoạch cơ cấu quốc gia – The National Transformation Plan (NTP) của Ả Rập Saudi vẫn được giữ kín trước khi sẽ được công bố theo dự kiến là trong vài tuần tới. Nhưng các chi tiết bên lề của kế hoạch khiến cả thế giới tò mò này cũng đã lọt ra được bên ngoài. Theo đó, kiến trúc sư trưởng của bản dự án đồ sộ này là Phó vương Mohammed Bin Salman, vị hoàng tử sắp tròn 30 tuổi của Saudi. Một số quan chức cấp cao của Saudi tiết lộ, NTP ra đời vào thời điểm cuối năm 2015 sau những cuộc thảo luận giữa Bin Salman và vài quan chức cấp cao khác.

Tại thời điểm đó, giá dầu đã tụt xuống dưới 30 USD/thùng, và tổng mức thâm hụt ngân sách của Saudi tính đến thời điểm đó đã vượt qua mức 100 tỉ USD. Tình cảnh nguy ngập này đã buộc vị Phó vương của Saudi cùng với Bộ trường Kế hoạch Adel Al Fakieh bắt đầu bắt tay vào việc thiết lập một dự án tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế của đất nước vốn nửa thế kỷ nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc khai thác và xuất khẩu dầu lửa.

Để thực hiện được kế hoạch đồ sộ này, Riyadh đang đổ tiền vào các tổ chức tư vấn nước ngoài nổi tiếng để hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện dự án. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu có trụ sở ở London, thì số tiền mà Saudi đã chi cho các tổ chức nghiên cứu và tư vấn để thực hiện NTP trong thời gian qua đã lên tới hàng chục triệu USD. Điều này đưa tổng số chi phí mà Saudi dành cho các tổ chức nghiên cứu từ năm 2014 đến nay lên tới 1,06 tỉ USD. Theo như tuyên bố của Phó vương Mohammed thì tổng giá trị của quỹ được sử dụng cho dự án NTP sẽ lên tới khoảng 2.000 tỉ USD, gần gấp 4 lần mức dự trữ ngoại hối của Saudi ở thời điểm hiện tại là khoảng 584 tỉ USD. Để có được con số lớn hơn tổng giá trị của Apple và Microsoft hợp lại này thì Saudi đang phải tìm cách tối đa hóa nguồn lực có thể huy động, mà một trong số đó là cổ phần hóa các tài sản quốc gia, điển hình là tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco. Theo dự kiến Riyadh sẽ bán khoảng 5% cổ phần của tập đoàn dầu khí có quy mô thuộc diện lớn nhất thế giới này.

Điều này cũng có nghĩa là Saudi đang sẵn sàng mở rộng cửa hơn bao giờ hết cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong việc tái cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế quốc gia. Đây được xem là điều chưa từng có tiền lệ ở Saudi, nơi các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước luôn chiếm vị thế tuyệt đối trong nền kinh tế, cũng như mức phúc lợi quá lớn dành cho người dân đến nỗi họ không thiết tha với việc đi làm thuê cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đang bị đảo ngược 180 độ, khi khu vực tư nhân đang được các nhà lãnh đạo của NTP xác định là thành phần quan trọng nhất để tái cơ cấu nền kinh tế. Trong số 7 mục tiêu quan trọng nhất của NTP, thì vấn đề tư nhân hóa nền kinh tế được đặt lên vị trí số 1. Theo đó, sẽ có 18 lĩnh vực được tạo điều kiện tư nhân hóa ở mức độ tối đa, kể cả các ngành được xem là thuộc phạm vi độc quyền của nhà nước như khai thác dầu lửa mà việc cổ phần hóa tập đoàn Aramco là một điển hình. Các lĩnh vực được tư nhân hóa có thể kể đến như y tế, vận tải, hệ thống bưu điện, các cảng biển hay thậm chí là cả những CLB bóng đá.

Các mục tiêu về thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường đầu tư cũng như xây dựng một chính phủ minh bạch và hiệu quả là những vấn đề nằm ở các vị trí tiếp theo trong bản kế hoạch NTP. Gần nửa thế kỷ gần như đóng cửa với hoạt động đầu tư nước ngoài khiến cho Saudi đang có một thứ hạng khá thấp về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, chỉ đứng thứ 82 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Ngoài ra các vấn đề về cải cách tài chính và cải cách lao động cũng là những vấn đề không dễ giải quyết. Tình trạng người dân không lao động tại Saudi đang khá cao do chính sách phúc lợi cao cùng với việc hạn chế phụ nữ tham gia thị trường lao động do các yếu tố liên quan đến văn hóa. Nhưng giờ đây khi cải cách tài chính sẽ khiến cho phúc lợi người dân bị giảm thiểu đáng kể, buộc phần lớn người dân Saudi sẽ phải đi tìm việc làm, thì có thể sẽ phát sinh một số bất ổn xã hội.

Nói cách khác, quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế của Saudi đang phức tạp hơn bất cứ trường hợp của các quốc gia đang phát triển nào, vì nó diễn ra theo một kịch bản đặc biệt. Nếu như cải cách và mở cửa nền kinh tế ở Trung Quốc hay các nước đang phát triển khác ở châu Á khiến cho đời sống người dân trở nên tốt hơn sau một thời gian quá dài đóng cửa, và điều này khiến cho chính sách mở cửa nhận được sự ủng hộ và đồng tình lớn từ phía người dân, thì việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Saudi đang diễn ra ngược lại. Người dân ở Saudi có điều kiện sống tốt hơn trước khi cơ cấu nền kinh tế do chính sách phúc lợi cao đến từ nguồn thu xuất khẩu dầu dồi dào, thậm chí nhiều người không cần làm việc. Nhưng giờ đây, khi Saudi cơ cấu nền kinh tế và cắt giảm các chính sách phúc lợi, thì có thể sẽ phải hứng chịu sự phản ứng và bất mãn từ phía người dân nước này.

Đó là những lý do vì sao kế hoạch cơ cấu nền kinh tế của Riyadh đang nhận được sự tò mò lớn từ thế giới, vì hiện có không nhiều các điều kiện thuận lợi cho kế hoạch đồ sộ này. Một đất nước đa phần là sa mạc, không thuận lợi cho phát triển kinh tế, dân số không lớn và nhất là người dân lại không sẵn sàng ủng hộ kế hoạch này. Đối mặt với tất cả những thách thức đó, nếu Saudi thành công, thì đó hẳn phải còn hơn là một kỳ tích.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ả Rập Saudi làm gì để tự cứu mình trước khi dầu mỏ cạn đáy?