Các đại biểu đã làm sáng tỏ vị trí pháp lý, bản chất, vai trò, thủ tục giải quyết tranh chấp qua Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 UNCLOS.
Ngày 12.7 vừa qua, Tòatrọng tài thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc đối với những yêu sách phi lý của nước này trên Biển Đông.
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực luật quốc tế trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều bằng chứng và lý lẽ khẳng định phán quyết này mang tính lịch sử và có giá trị pháp lý quốc tế. Đặc biệt, trong tình hình tranh chấp trên Biển Đông giữa các nước trong khu vực ngày càng trở nên phức tạp như hiện nay. Hội thảo quốc tế ngày 23.7.2016 “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”đã làm sáng tỏ vấn đề này.
Tính lịch sử của phán quyết này thể hiện ở chỗ đã đặt ra những nguyên tắc quan trọng, làm thay đổi cục diện tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian tới. Năm nội dung chính mà Toà trọng tài đã ra phán quyết ủng hộ Philippines thiết lập nền tảng định hướng cho các quốc gia khác có thể là bên khởi kiện chính, hoặc bên bị ảnh hưởng, nên tương tác với nhau trong khi chờ phán quyết cuối cùng để giải quyết tranh chấp. Hiện nay, có 10 vụ tranh chấp đã và đang được giải quyết theo thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS 1982.
Giáo sư Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu, Đại học Vriji Brussel Bỉ cho rằng, với những phán quyết lập luận vững chắc của Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS, phía Trung Quốc tỏ ra giận dữ. Tuy nhiên, ông tin rằng, trong tương lai, dưới sức ép của dư luận quốc tế, Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các phán quyết này.
Giáo sư Erik Franckx nói: "Vụ kiện của Philippines và Trung Quốc vừa rồi có rất nhiều kinh nghiệm cho Việt Nam ở chỗ với phán quyết này thì đường 9 đoạn đã bị bác bỏ. Điểm thứ hai là các thực thể nhân tạo mà phía Trung Quốc cải tạo thì không được coi là đảo, không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế".
Thời gian qua quan điểm, lập trường và yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực còn nhiều khác biệt đã dẫn đến nhiều tranh chấp trên khu vực Biển Đông. Phương thức giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp chính trị - ngoại giao không mang lại kết quả như mong đợi.
Đây có lẽ là một trong những lý do quan trọng để các quốc gia trong khu vực lựa chọn biện pháp tài phán để giải quyết tranh chấp mà điển hình là vụ tranh chấp giữa Malaysia - Singapore, và gần đây nhất là vụ Philippines - Trung Quốc mà Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS 1982 đã công bố phán quyết cuối cùng vào ngày 12.7.2016 vừa qua.
Giáo sư, Tiến sỹ Donald Rothwell, Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Australia cho rằng: "Việc Trung Quốc từ chối thẩm quyền của hội đồng trọng tài này, tôi cho rằng là không có cơ sở và thiếu tính pháp lý. Bởi vì, Trung Quốc đã tham gia vào Công ước này năm 1982. Như vậy, với tư cách là một quốc gia đã cam kết thì họ phải tuân thủ các quy định của UNCLOS chứ không thể là từ chối thẩm quyền của cơ quan tài phán được thành lập quy định của Công ước này".
Theo Tiến sỹ Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thì UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia trên biển, cũng như quản trị, sử dụng biển và đại dương vì mục đích hòabình. Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS là hợp pháp.
Tiến sỹ Ngô Hữu Phước cho biết, việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các thủ tục tài phán theo quy định của UNCLOS là biện pháp văn minh, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Khi các bên tranh chấp không thể giải quyết bằng biện pháp hoà bình thì lựa chọn thủ tục tài phán để giải quyết là cần thiết, công bằng và khách quan.
Thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 là một trong những biện pháp tài phán theo quy định của UNCLOS 1982 đang được nhiều quốc gia lựa chọn bởi tính linh hoạt và mềm dẻo của nó. Chính vì vậy, nghiên cứu các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp này là hết sức cần thiết đối với Việt Nam và các quốc gia khác trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia Việt Nam nói: "Trên cơ sở của việc phân tích những khía cạnh pháp lý, có so sánh các phương thức giải quyết khác nhau, từ một vụ việc có liên quan đến Philippines và Trung Quốc, chúng ta cũng có thể rút ra những cái gì đó cho Việt Nam khi chúng ta cần sử dụng những phương thức đó".
Sau phán quyết của Toà trọng tài, Việt Nam đã thể hiện quan điểm hoan nghênh và ủng hộ phán quyết này. Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của mình là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòabình. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp hòabình phù hợp và cần thiết để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng khác của mình ở Biển Đông.
Xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng là mong muốn của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trong đó, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Châu Á, nơi có Biển Đông, tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm cho hoà bình, an ninh, tự do hàng hải, của khu vực và thế giới.
Qua hội thảo này, các đại biểu đã làm sáng tỏ vị trí pháp lý, bản chất, vai trò, thủ tục giải quyết tranh chấp; giá trị pháp lý và tác động về chính trị, của phán quyết trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 UNCLOS 1982. Các đại biểu tham gia hội thảo cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóahiện nay, sẽ không có một quốc gia nào tự ý đặt ra những luật lệ riêng cho mình. Việc xác lập chủ quyền và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế./.
TheoHuy Sơn- Thành Trung/VOV