Ngày 15.10, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp với chuyên gia từ các viện, trường và doanh nghiệp công nghệ tổ chức hội thảo “Xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử” theo hình thức trực tuyến.

Hội thảo trực tuyến về xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử

P.V | 14/10/2021, 12:47

Ngày 15.10, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp với chuyên gia từ các viện, trường và doanh nghiệp công nghệ tổ chức hội thảo “Xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử” theo hình thức trực tuyến.

Hội thảo sẽ cung cấp thông tin về các xu hướng công nghệ xử lý, tái chế rác thải điện tử trên thế giới trên cơ sở phân tích số liệu sáng chế và giới thiệu các công nghệ hiện có tại Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chuyển giao để phục vụ quá trình xử lý, tái chế các loại rác thải này. Các chuyên gia sẽ giải đáp, tư vấn trực tiếp với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp về các phương thức ứng dụng, triển khai công nghệ nội sinh vào thực tiễn.

Một số giải pháp, công nghệ được giới thiệu tại hội thảo, bao gồm:

Quản lý chất thải điện tử tại Việt Nam theo định hướng kinh tế tuần hoàn do PGS Nguyễn Đức Quảng – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày.

Đa phần chất thải điện tử được thu gom và tháo dỡ không theo quy cách và chỉ tập trung thu hồi các vật liệu dễ thu hồi và tái chế (như một số kim loại), phần còn lại bị tiêu hủy hoặc đi vào các bãi chôn lấp chất thải rắn. Do đó, cần gia tăng năng lực tái chế và thu gom từ cộng đồng. Giải pháp là quản lý chất thải điện tử theo định hướng kinh tế tuần hoàn. Giải pháp được giới thiệu cụ thể là quy trình công nghệ tách và thu hồi kim loại từ bảng mạch điện tử (PCB).

Lò đốt bản mạch và tái chế kim loại trong xử lý rác thải điện tử - PGS.TS. Lê Văn Lữ – Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Giải pháp công nghệ này là thành quả từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ (thực hiện tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), cho phép tái chế rác thải điện tử bằnng phương pháp đốt có hiệu quả cao, cho phép tận thu nhanh và nhiều kim loại quý. Kim loại thu hồi được nấu luyện trong lò tái chế kim loại thích hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hiệu suất tận thu. Lò đốt thiết kế đáp ứng quy chuẩn quốc gia QCVN 30:2012/BTNMT về bảo vệ môi trường.

racthaidientu.png
Rác thải điện tử gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Một số giải pháp tái chế vàng và ứng dụng vật liệu hấp phụ trong công nghệ tái chế rác thải điện tử - TS.Triệu Quốc An – Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Đại học Nguyễn Tất Thành.

Các giải pháp sử dụng hỗn hợp persulfate/hydroxyl peroxide để bóc tách vàng từ bảng mạch và sử dụng vật liệu hấp phụ ZrO2 được biến tính bề mặt với acid thioctic để phân tách ion Au (III) trong dung dịch, có thể là các lựa chọn thay thế cho quy trình thu hồi kim loại úy từ bảng mạch điện tử.

Giải pháp được triển khai thành công ở quy mô phòng thí nghiệm, giàu tiềm năng thương mại hóa, sẵn sàng hợp tác với các đơn vị có nhu cầu để hoàn thiện công nghệ và ứng dụng vào khai thác nguồn rác thải điện tử.

Công nghệ thu hồi Yttri và Europi từ đèn huỳnh quang sau sử dụng - TS.Hà Vĩnh Hưng – Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại Phòng thí nghiệm tái chế chất thải (Đại học Bách khoa Hà Nội). Công nghệ có tính ổn định, cho phép thu hồi Yttri có độ tinh khiết trên 95%, Europi có độ tinh khiết trên 90%, hiệu suất thu hồi trên 90%, dễ vận hành. Khả năng ứng dụng công nghệ khá rộng, không chỉ cho phép thu hồi Yttri và Europi từ đèn huỳnh quang, mà còn có khả năng ứng dụng cho đèn LED, màn hình LCD. Nhóm tác giả công nghệ mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư để khai thác, thương mại hóa công nghệ; chuyển giao công nghệ.

Giải pháp xử lý và tái chế linh kiện điện tử - Th.S Hoàng Xuân Dương - Công ty CP Phát triển công nghệ HiTechViệt Nam.

Giới thiệu dây chuyền xử lý rác thải điện tử, đặc biệt là các giải pháp băm, nghiền đảm bảo làm biến dạng hoàn toàn các thiết bị phần cứng (ổ cứng, bo mạch, màn hình, điện thoại, máy fax, máy in, bo mạch ATM…), ngăn ngừa khả năng làm lộ dữ liệu, tăng cường tính bảo mật cho các công tác tạo mẫu, an ninh; hỗ trợ tốt cho các công đoạn phân loại, tách vật liệu nhựa khỏi kim loại,…trong quy trình xử lý.

Chương trình Việt Nam tái chế - bà Mai Thị Thu Hằng - Công ty TNHH Reverse Logistics Việt Nam.

Chương trình hỗ trợ thu hồi (miễn phí) các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng (hoặc bị lỗi) ngay từ nguồn thải (hộ gia đình hay doanh nghiệp), giúp giảm thiểu lượng rác thải không xử lý vào môi trường, tăng cường khả năng tái chế, thu hồi vật liệu, mang lại giá trị kinh tế cho các doanh nghiệp xử lý và góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quyết định 16.2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội thảo trực tuyến về xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử