Hơn một ngàn người Nga đã xuống đường biểu tình hôm 15.7 để phản đối những sửa đổi về hiến pháp được đề xuất, mà qua đó mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin có thể duy trì quyền lực thêm 16 năm nữa.

Hơn 1.000 người Nga biểu tình phản đối sửa đổi hiến pháp

16/07/2020, 13:33

Hơn một ngàn người Nga đã xuống đường biểu tình hôm 15.7 để phản đối những sửa đổi về hiến pháp được đề xuất, mà qua đó mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin có thể duy trì quyền lực thêm 16 năm nữa.

Những người biểu tình tại thủ đô Moscow của Nga để phản đối sửa đối Hiến pháp hôm 15.7 - Ảnh: Reuters

Giữa vòng vây cảnh sát, khoảng 500 người biểu tình tại trung tâm thủ đô Moscow, họ mang khẩu trang in chữ “Không”, hô to khẩu hiệu kêu gọi ông Putin từ chức như “Nga không có Putin" và "Nga sẽ được tự do", đồng thời giơ cao các biểu ngữ chống sửa đổi hiến pháp.

Cảnh sát Nga bắt giữ khoảng 142 người, trong đó có ủy viên Hội đồng thủ đô Moscow, bà Yulia Galyamina, tham gia biểu tình phản đối sửa đổi hiến pháp. Tổ chức quan sát độc lập OVD-Info cho hay những người này bị lực lượng an ninh bắt khi tham gia biểu tình ở Moscow. Một phóng viên của AFP cũng bị đưa vào xe cảnh sát và tạm giữ trong thời gian ngắn.

Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình - Ảnh: Reuters

Bà Yulia Galyamina, người dẫn đầu các chiến dịch phản đối sửa đổi hiến pháp, cùng với con gái bà, nằm trong số những người bị bắt.

Đầu ngày 15.7, bất chấp mưa gió, bà Galyamina cùng các cộng sự tập trung tại quảng trường Pushkin ở Moscow, để thu thập chữ ký của hàng trăm người phản đối sửa đổi hiến pháp. Bà Galyamina sau đó thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng bà và nhóm biểu tình đã thu thập được khoảng 5.000 chữ ký.

"Chúng tôi đang tiến hành một vụ kiện. Chúng tôi đang thu thập chữ ký từ khắp đất nước", nhà hoạt động Andrei Pivovarov nói, trong lúc thu thập chữ ký gần tượng đài thi hào Nga Alexander Pushkin.

Theo AFP, có tới 1.000 người đã tập trung cho một sự kiện biểu tình tương tự ở thành phố Saint Petersburg.

“Chính quyền làm bất cứ điều gì họ muốn, ý kiến của người dân không được quan tâm. Chúng tôi cần thể hiện theo một cách nào đó rằng chúng tôi chống lại điều này”, người biểu tình Andrei Stepanov, 50 tuổi, than thở.

Những cuộc biểu tình đông người tại Nga hiện đang bị cấm vì những hạn chế do COVID-19. Ngay cả trong những lúc bình thường, biểu tình hơn một người phải có sự đồng ý trước của nhà cầm quyền.

Được biết, Nga hồi đầu tháng đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp, với tỷ lệ 78% người dân tán thành, một kết quả mà Điện Kremlin mô tả là một chiến thắng. Hiến pháp sửa đổi vẫn quy định tổng thống chỉ được làm 2 nhiệm kỳ, nhưng xóa các nhiệm kỳ trước đây, cho phép Tổng thống Vladimir Putin có thể tiếp tục nắm quyền đến năm 2036. Một số sửa đổi khác về các vấn đề xã hội bao gồm cả bảo lãnh của nhà nước về lương cơ bản trên cơ sở mức sinh hoạt phí hay định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp của một nam và một nữ.

Các nhà hoạt động đối lập nói cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và cho rằng đã đến lúc ông Putin, người cai trị Nga trong hơn hai thập niên trong tư cách là Tổng thống hay Thủ tướng, phải rời bỏ chức vụ. Chính trị gia đối lập Alexei Navalny cho rằng cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi không phản ánh ý kiến thật sự của công chúng.

Hoàng Vũ (theo AFP, Reuters)

Bài liên quan
Nga đánh chặn tên lửa triệu đô Mỹ viện trợ cho Ukraine
Hãng tin TASS ngày 17.4 dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga thông báo các hệ thống phòng không nước này vừa thành công đẩy lùi một đợt không kích quy mô lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 1.000 người Nga biểu tình phản đối sửa đổi hiến pháp