Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc hơn 18 triệu người. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với gần 160.000 ca tử vong trong khi dịch bệnh ở một số điểm nóng trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Hơn 18 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu

03/08/2020, 10:56

Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc hơn 18 triệu người. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với gần 160.000 ca tử vong trong khi dịch bệnh ở một số điểm nóng trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Một bệnh nhân mắc COVID-19 tại New York, Mỹ đang được các nhân viên y tế đưa tới bệnh viện - Ảnh: AFP

Theo thống kê của Worldometers, tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã ghi nhận tổng cộng 18.231.535 ca nhiễm COVID-19 và 692.694 ca tử vong. Số ca bình phục là 11.443.844. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 4.813.647 ca bệnh và 158.365 ca tử vong.

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên của nhóm xử lý COVID-19 của Nhà Trắng hôm 2.8 cho biết Mỹ đang trong giai đoạn dịch bệnh mới mà dịch bệnh đã lan ở cả nông thôn lẫn thành thị. "Những gì chúng ta đang nhìn thấy hiện nay rất khác so với hồi tháng 3, tháng 4. COVID-19 đã lan rộng khủng khiếp từ vùng nông thôn cho đến thành thị", bà Birx nói và nhấn mạnh người dân Mỹ cần tuân thủ các khuyến cáo về y tế, trong đó có việc đeo khẩu trang và giãn cách cộng đồng.

Chuyên gia Nhà Trắng cho biết giới chức liên bang đang phân tích báo cáo tình hình của từng bang để đánh giá xu hướng bùng phát trong các cộng đồng và từ đó cho rằng mỗi địa phương cần có những điều chỉnh để có biện pháp ứng phó phù hợp. Bà Birx không đưa ra con số dự đoán về số ca tử vong do COVID-19 tới cuối năm nay nhưng bà lưu ý rằng số người chết chủ yếu phụ thuộc vào việc các bang phía nam và phía tây thực hiện chiến lược kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh ra sao.

Theo dự đoán của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số người chết do COVID-19 tại nước này có thể lên hơn 173.000 người trong 3 tuần tới. Trong khi đó, tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu quan chức Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) cho biết số người chết vì COVID-19 tại Mỹ có thể sẽ lên tới 300.000 vào cuối năm nay nếu tình hình không có biến chuyển tích cực.

Hiện, chính quyền địa phương và giới chức y tế trên khắp nước Mỹ hối thúc người dân tiếp tục tuân thủ các quy tắc về giãn cách xã hội, đặc biệt ở giới trẻ khi số ca mắc ở bộ phận này đang có chiều hướng tăng mạnh.

Brazil vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, đã ghi nhận tổng cộng 2.733.677 ca nhiễm COVID-19 và 94.130 ca tử vong. Chính quyền Rio de Janeiro thông báo hủy lễ đón giao thừa, thường thu hút hàng triệu người tới bãi biển Copacabana. Bên cạnh đó, lễ hội Carnival nổi tiếng vào tháng 2 cũng có thể bị hủy. Trong khi đó, Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, đã hoãn vô thời hạn lễ hội Carnival.

Tiếp sau Brazil là Ấn Độ với 1.804.702 ca nhiễm và 38.161 ca tử vong. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah xác nhận ông phải nhập viện điều trị hôm 2.8 sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19. Ông Amit Shah là cố vấn thân cận của Thủ tướng Narendra Modi và là một trong những chính trị gia quyền lực nhất Ấn Độ. Ông đứng đầu một bộ chủ chốt luôn đi đầu trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ.

Phần lớn ca nhiễm tập trung tại Mumbai và New Delhi nhưng đang có dấu hiệu suy giảm. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở một số điểm nóng mới tại Ấn Độ trong khi lũ lụt đang hoành hành tại phía đông và đông bắc Ấn Độ, trong đó có Assam và Bihar, hai bang nghèo nhất, khiến hàng chục nghìn người phải di dời, làm cản nỗ lực đối phó với dịch bệnh.

Sau Ấn Độ là Nga với 850.870 ca nhiễm và 14.128 ca tử vong, Nam Phi với 511.485 ca nhiễm và 8.366 ca tử vong, Mexico với 439.046 ca nhiễm và 47.746 ca tử vong. Trong cuộc phỏng vấn trên trên kênh truyền hình Rossiya-1, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vi rút học và công nghệ sinh học Vector Rinat Maksyutov cho biết Nga đang có kế hoạch sản xuất vắc xin ngừa COVID vào tháng 11 tới.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia đang theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh. Số ca nhiễm COVID-19 tại Tây Ban Nha đang tăng vọt khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Quốc gia này hiện ghi nhận 335.602 ca nhiễm và 28.445 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở Pháp là 187.919 và số người tử vong là 30.265. Anh báo cáo thêm 743 ca nhiễm và 8 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 304.695 và 46.201. Thủ tướng Anh Boris Johnson đa yêu cầu các vùng phía bắc đất nước tái áp đặt phong tỏa một phần trong bối cảnh lo ngại về làn sóng COVID-19 thứ 2.

Từng bị coi là "điểm nóng" dịch COVID-19 tồi tệ nhất thế giới hồi tháng 3, Ý hiện được cho đã kiềm chế khá tốt đại dịch. Ý hiện ghi nhận 248.070 ca nhiễm với 35.154 ca tử vong. Số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã giảm khá mạnh, hiện còn vài chục ca/ngày, so với con số hàng trăm ca mấy tháng trước.

Vùng dịch lớn nhất Trung Đông là Iran đã ghi nhận 309.437 ca nhiễm với 17.190 ca tử vong. Tehran đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín và các chính quyền địa phương được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn, phong tỏa.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 111.455 ca nhiễm, trong đó 5.236 người chết. Philippines, vùng dịch lớn thứ 2 trong khu vực, ghi nhận 103.185 người nhiễm và 2.059 người chết. Theo quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte, các khu vực Metro Manila, Cavite, Laguna, Rizal và Bulacan sẽ áp dụng cách ly cộng đồng trong 15 ngày, đến 18.8.

WHO hoàn tất điều tra sơ bộ nguồn gốc COVID-19

"Một nhóm chuyên gia gồm hai thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hoàn tất nhiệm vụ kéo dài 3 tuần ở Trung Quốc để đặt nền tảng cho các nỗ lực chung nhằm xác định nguồn gốc của COVID-19", WHO cho biết trong một thông cáo hôm 2.8.

Thông cáo cũng cho biết, nhóm chuyên gia của WHO đã "thảo luận sâu rộng với các đối tác Trung Quốc và nhận được cập nhật về các nghiên cứu dịch tễ học, phân tích sinh học và di truyền cùng nghiên cứu về sức khỏe động vật". Các chuyên gia cũng tiến hành thảo luận trực tuyến với các chuyên gia vi rút học, các nhà khoa học ở Vũ Hán, Trung Quốc cũng như giới chức Bắc Kinh.

Hoàng Vũ (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 18 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu