Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT-TT, số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma trong tháng 9.2019 là 2.015.644 địa chỉ.
Theo thống kê của Cục ATTT, tính đến hết tháng 9.2019 đã ghi nhận 3.943 cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó, 1.134 cuộc Deface (tấn công thay đổi nội dung), 279 cuộc Malware (phần mềm độc hại), 2.521 cuộc Phishing (lừa đảo). Số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma trong tháng 9.2019 là 2.015.644 địa chỉ.
Cục ATTT nhận định các số liệu trên cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong nước so với năm 2018; thể hiện sự hiệu quả của các hoạt động nâng cấp hệ thống, hướng dẫn đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng cứu sự cố trong lĩnh vực ATTT trên cả nước. Tuy vậy, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với những tình huống tấn công mạng luôn là điều cần thiết bởi sự phát triển nhanh chóng, thay đổi liên tục của các hình thức tấn công mạng.
Bộ TT-TT đẩy mạnh triển khai, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 99/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (Đề án 99) ngày 14.1.2014; Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020” (Đề án 893) ngày 19.6.2015; Quyết định số 898/QĐ-TTg phê duyệt “Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020” ngày 27.5.2016. Đây là 3 Đề án quan trọng mang tính tổng thể của Thủ tướng Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTT trong tình hình mới.
Trong năm 2019, Bộ TT-TT đã thực hiện triển khai 2 Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT theo Đề án 893 cho các đơn vị miền Trung - Tây Nguyên tại Đà Lạt, Lâm Đồng và các đơn vị phía Nam tại Vũng Tàu.
Tính đến hết tháng 6.2019, Bộ TT-TT đã xuất bản 5.000 cuốn “Báo cáo An toàn thông tin Việt Nam”, phát hành bản tin An toàn thông qua cổng thông tin điện tử; xuất bản 1.250 sổ tay An toàn thông tin; 5.000 cuốn cẩm nang an toàn thông tin; 10.000 tờ rơi, tờ gấp về kỹ năng ATTT; xây dựng 16 phóng sự về ATTT trên các kênh của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV).
Ngoài ra, việc triển khai Đề án 99 tính đến tháng 6.2019 đã góp phần gia tăng đáng kể lực lượng nhân sự hoạt động trong lĩnh vực ATTT với hơn 100 Tiến sĩ và Thạc sĩ; hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân. Bộ TT-TT đã tổ chức hơn 4.500 khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ các đơn vị trong nước, phối hợp với các chuyên gia Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức hơn 300 khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.
Theo Cục ATTT, việc phối hợp triển khai các Đề án đã mang lại hiệu quả tích cực trong tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ của cán bộ tại các đơn vị đối với hoạt động bảo đảm ATTT và ứng cứu sự cố.
Thu Anh