Sáng 23.3, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã chuẩn bị sẵn kịch bản và kế hoạch cho việc sử dụng hộ chiếc vắc xin tại Việt Nam.
Tại cuộc họp giao ban báo chí, lãnh đạo Bộ Y tế đã báo cáo công tác mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, hiện nay không có vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ người tiêm 100% không nhiễm bệnh, nhất là với vắc xin vừa mới được nghiên cứu để đưa vào sử dụng.
"Các tổ chức y tế thế giới vẫn còn đang đánh giá hiệu quả sử dụng của vắc xin COVID-19, những người đã được tiêm phòng vẫn có thể bị nhiễm bệnh, tuy nhiên việc nhiễm bệnh và lây nhiễm ra cộng đồng là tỷ lệ rất thấp. Về vấn đề hộ chiếu vắc xin vẫn đang được thảo luận và đưa ra kế hoạch cụ thể vì cần có sự thống nhất giữa các nước đảm bảo việc đạt tỷ lệ tiêm chủng cao đủ để miễn dịch cộng đồng.
Vì thế hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng về việc hiệu quả phòng ngừa của vắc xin với sự biến chủng COVID-19 nên tất cả kế hoạch, kịch bản cho việc sử dụng hộ chiếu vắc xin đã chuẩn bị sẵn. Trong tương lai sẽ xây dựng phần mềm để quản lý đối tượng tiêm chủng bằng mã QR, đảm bảo tính xác thực.
Bộ Y tế đang làm việc với các cơ quan đầu mối y tế quốc tế để đề xuất sử dụng phương án hộ chiếu vắc xin sao cho phù hợp. Hiện nay đã có hơn 35.000 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở nước ta và đa số đều không có phản ứng nặng với vắc xin này cũng không ghi nhận một trường hợp đông máu nào như trên các nước khác nêu ra", đại diện Bộ Y tế cho hay.
Cũng trong sáng 23.3, có thêm 15 người tiêm thử nghiệm vắc xin COVIVAC của Việt Nam.
"Do điều kiện người tiêm thử nghiệm phải lưu trú trong 24 giờ để theo dõi nên ngành y tế thống nhất sẽ chỉ tiêm tối đa cho 15 người trong buổi sáng 23.3. Mỗi buổi sẽ có 8 người nam và 7 nữ hoặc 8 nữ 7 nam, độ tuổi của người tiêm từ 18-59. Buổi tiêm tiếp theo dự kiến diễn ra trong ngày 24.3", đại diện Bộ Y tế chia sẻ.
Theo thiết kế nghiên cứu, 120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau: 3 nhóm vắc xin không có tá chất với các mức liều 1mcg kháng nguyên S; 3mcg kháng nguyên S; 10mcg kháng nguyên S; 1 nhóm vắc xin mức liều 1mcg kháng nguyên S có bổ sung tá chất; 1 nhóm gồm 20 người tiêm giả dược (nước muối vô trùng dùng để tiêm) để so sánh với những nhóm tiêm vắc xin trên.
Dự kiến hoàn thành báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 vào tháng 7.2021. Sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn 1, nếu vắc xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Sau Nano Covax, COVIVAC hiện đã sang giai đoạn 2. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm vắc xin của công ty VABIOTECH thử nghiệm giai đoạn 1.