Phạm nhân chuẩn bị trở lại cộng đồng sau thời gian dài thụ án thường gặp nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vấn đề có thể giải quyết được nếu họ tiếp cận với các dịch vụ pháp lý cụ thể.

Hơn 600 phạm nhân sẽ được hỗ trợ pháp lý trước khi ra tù

Thu Anh | 29/06/2016, 20:35

Phạm nhân chuẩn bị trở lại cộng đồng sau thời gian dài thụ án thường gặp nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vấn đề có thể giải quyết được nếu họ tiếp cận với các dịch vụ pháp lý cụ thể.

Chiều 29.6, Trung tâm Tư vấn Pháp luật của Đại học Luật TP.HCM và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã có buổi chia sẻ tại hội thảo "Hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp mãn hạn tù trở về tái hòa nhập cộng đồng" diễn ra ở Hà Nội,nhằm thảo luận những kết quả từ một dự án thí điểm cung cấp hỗ trợ pháp lý di động ở một sốtrại giamdành cho phạm nhân sắp mãn hạn tù theo bản án của họ.

Ông Scott Ciment - Cố vấn chính sách về pháp luật của UNDPchia sẻ: “Khó khăn về giấy chứng minh nhân dân, giải quyết hồ sơ lý lịch tư pháp, đăng kí hộ khẩu và các rắc rối gia đình là những vấn đề họ thường gặp. Trong đó một số phạm nhân đến đọc viết còn khó. Vì vậy, chương trình này được thiết kế để giúp phạm nhân tái hòa nhập xã hội thông qua trợ giúp thông tin pháp lý cơ bản do các sinh viên luật thực hiện với sự hỗ trợ của các giảng viên và các luật sư”.

Cũng theo ông Scott Ciment, chương trình không chỉ mang tính hỗ trợ pháp luật, công lý mà còn mang lại cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp cho sinh viên Luật sau này, khi \hành nghề luật sư. Nhưng mục tiêu chính là ngăn chặn sự tái phạm của các phạm nhân sau khi họ tái hòa nhập với cộng đồng.

Lê Ly Von - sinh viên Đại học Luật TP. HCM chia sẻ về dự án

Trước khi đến các trại giam để khảo sát tiến hành dự án, 50 sinh viên Đại học Luật TP.HCM đã gửi đến các phạm nhân bảng hỏi đánh giá nhu cầu pháp lý để đảm bảo công tác trợ giúp pháp lý hữu ích đối với phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Sau đó các bạn sinh viên được cùng giảng viên phân tích, đánh giá nhu cầu và làm quen với những với các vấn đề pháp lý mà phạm nhân có thể nêu trong các phiên tư vấn.

Trong quá trình thực hiện, các sinh viên đã được gặp gỡ và nói chuyện với hơn 600 phạm nhân ở 5 trại giam Long Hòa (Long An), Cây Cầy (Tây Ninh), Thạnh Hòa (Long An) (2 phân trại) và Thủ Đức; ghi chép và cung cấp thông tin tại các buổi tư vấn trực tiếp và khi ra tù, các cựu phạm nhân có thể đến trung tâm Tư vấn Pháp lý để tiếp tục được trợ giúp.

Lê Ly Von - sinh viên Đại học Luật TP.HCM(tham gia dự án) bày tỏ: “Việc tham gia hoạt động này chính là cơ hội tốt cho tôi học hỏi thêm những điều thực tế và trên hết là cơ hội có thể được giúp cho phạm nhân có thêm kiến thức về pháp lý. Dự án còn có vai trò tạo ra một môi trường giáo dục pháp luật thân thiện giúp các phạm nhân có cái nhìn lạc quan hơn trong cuộc sống thông qua việc thực hiện trò chơi, các vở kịch về tình huống pháp lý”.

Chương trình đã thu hút sự quan tâm từ các sở cải huấn khác và họ mong muốn kế thừa và phát huy thành công của chương trình. Tại hội thảo, Trung tá Phạm Thị Minh Hải - Phó giám thị trại giam Long Hòa cho biết công việc của bà là tạo ra môi trường an toàn, an tâm cho phạm nhân và việc hợp tác với Đại học Luật TP.HCMsẽ rất hữu ích cho việc thực hiện cả hai nhiệm vụ này.

Các chuyên gia của UNDP cho rằng chương trình này có tác động rất lớn khi sinh viên học được luật trên thực tế, thực hành luật ngay trong thực tế để giúp cho những phạm nhân hiểu hơn về luật và giúp đỡ họ có thể quay trở lại cộng đồng được tốt nhất, tránh những kì thị từ phía xã hội.

Ông Dương Hoán - PGĐ Trung tâm Tư vấn Pháp luật Đại học Luật TP.HCM nói thêm điều quan trọng nhất là phải liên hệ chặt chẽ với các lãnh đạo trại giam để có được thời gian thích hợp nhất cho việc trợ giúp pháp lý.

Thu Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 600 phạm nhân sẽ được hỗ trợ pháp lý trước khi ra tù