“Hỗn kỳ đài” - tên một truyện ngắn và cũng là tên tập truyện ngắn thứ 6 của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo vừa ra mắt bạn đọc.
Hỗn kỳ đài của Tống Phước Bảo gồm 15 truyện ngắn do NXB Hội Nhà văn và TymBooks phát hành tháng 7.2022.
"Tập truyện ngắn này, như một sự sẻ chia của tôi với Sài Gòn – TP.HCM. Tôi tạo nên nhân vật từ những cuộc tương phùng rất vô tình giữa lao xao phố xá thị thành. Họ trốn kĩ càng vào tâm trí tôi. Một lúc nào đó khi lòng mình thao thiết, tôi bắt đầu viết”, đó là những chia sẻ của Tống Phước Bảo về tập truyện ngắn mới này.
“Tập truyện ngắn này chỉ là một thoáng bất giác tôi nhìn Sài Gòn, thành phố mình đã sống hơn ba mươi năm quay lại sau quãng lắng vì cơn dịch bệnh. Quả thật, khoảnh khắc đầu tiên tôi đi ngang nhiều con phố quen, sau hơn 4 tháng phải bó mình trong nhà, tôi thương Sài Gòn quá chừng.
Mỗi một người ở thành phố này đều có một câu chuyện hay ho đáng kể, mỗi một câu chuyện lại mang trên mình một sứ mệnh riêng biệt nào đó. Ghép nối, hoặc góp nhặt mải miết chẳng bao giờ hết. Thành thử ra viết về Sài Gòn, cũng không thể cạn nguồn cơn...”, Tống Phước Bảo nói.
Sài Gòn trong truyện của Tống Phước Bảo “hổng có gì hết trơn, chỉ có cái tình mà ôm trọn con người ta vào lòng, dung dưỡng con người ta trọn vẹn cuộc đời trên mảnh đất này”. Vậy nên, khi viết về Sài Gòn, tác giả chọn cho mình nhiều góc cạnh, lát cắt, mảnh ghép để tạo nên một Sài Gòn đa dạng đủ mọi thành phần, đủ mọi cung bậc và dĩ nhiên đủ đầy nhất cái tình thương, cái nhân nghĩa của thành phố.
Sắp đặt vừa như chủ ý, vừa như ngẫu nhiên, kết thúc tập truyện là Hỗn kỳ đài, cũng là truyện lấy làm tên của cuốn sách. Một cái kết nhiều ý nghĩa về nhân tình, về ứng xử giữa những “oan gia”, “hận tình”, cuộc đời - số phận như những quân cờ và Sài Gòn là một bàn cờ nhân gian…
Trong tập truyện Hỗn kỳ đài, tác giả dành nhiều câu chuyện viết về những tháng “COVID” (đại dịch COVID-19) ở Sài Gòn, với các góc nhìn khác nhau, có bi thương mà không bi lụy, có buồn đau mà đầy lạc quan. Từ chuyện ở những con hẻm sâu hút ngoằn nghoèo quận ven đô, đến khu xóm “mắc kẹt” ở ngay cửa ngõ thành phố, từ chuyện người lao động nhập cư tứ xứ tụ về thành phố đến những trí thức trẻ ở các khu nhà chung cư đô thị mới…
Rồi những câu chuyện ăm ắp tình làng nghĩa xóm, tình thương yêu chia sẻ đùm bọc nhau trong dịch bệnh, biết sống vì nhau, rồi cả chuyện chung sức chung lòng, quân với dân cùng vững niềm tin, kiên cường đi qua tâm dịch và hồi sinh thành phố.
Mỗi câu chuyện của Bảo đều lắng đọng trong lòng người đọc nhiều cảm xúc. Mùa thương xanh phố, Từ trong bình yên, Xóm mắc kẹt, Mùa đắm trăng son… là cả một trời thương của Sài Gòn với chất hào hiệp, hào phóng, hào sảng, chân tình, mộc mạc, bao dung, là “Người với người, cái tình người sẽ đọng lại mãi trong lòng”, “Mùa vẫn xanh lành theo nhịp phố thở. Mùa này, người với người, thương nhau mà sống”…
Hỗn kỳ đài còn có những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng nhưng khuấy động thổn thức người đọc. Như câu chuyện Bên rào Khiết Bông, là chuyện tình yêu của má với ba, mà vật “định tình” là hoa “Khiết Bông” nở đỏ rực, như tình yêu cho dù có xa cách vẫn nồng thắm vẹn nguyên.
“Có những thứ trong cuộc đời, mình nghĩ là tạm thương, nhưng rồi vương mang trong dạ suốt cả một đời”- câu chuyện tình bãng lãng như miền xưa phố cổ Hà Nội, ấm áp như mật như men tháng Tư phương Nam trong Gặp Sài Gòn ở ngõ Tạm Thương.
Đặc biệt câu chuyện tình gắn với một nghề thủ công của người Hoa Chợ Lớn đang dần mai một ở Sài Gòn, nghe hoang ảo cổ tích, “Chữ Di là đủ đầy, Bố là ban ra, Phù là mong mỏi khẩn cầu”… “Nè, nội tặng con cái khăn này, cầm cái khăn giờ là dâu nhà nội, là cuộc sống sau này trên bờ hay dưới sông cũng phải có cặp có đôi”…- “di bố phù”.
Hỗn kỳ đài được tác giả gửi gắm khá nhiều thông điệp về đối nhân xử thế, về yêu - hận, thiện - ác, oán hờn - tha thứ, đau thương - hạnh phúc… Xen vào đó là những trăn trở về môi trường thiên nhiên - con người, là chất lượng cuộc sống cả vật chất và tinh thần, là việc gìn giữ những giá trị văn hóa - đạo đức truyền thống trong thời 4.0, khi nhiều giá trị ảo đang lấn chiếm…
Bằng lối viết không chút cầu kì trong cấu trúc, hay dụng ý nắn nót câu từ bóng bẩy, chỉ là những mộc mạc thấm đẫm không khí Nam bộ, như rủ rỉ câu chuyện trong bữa cơm tối cùng gia đình, hay hào hứng bên ly cà phê cùng bạn bè. “Bởi tôi mang hồn xứ, hương đất chốn này vào truyện, thô mộc như vốn dĩ Sài Gòn lê la phố xá mà đậm đà nghĩa nhân”- Tống Phước Bảo.
Đọc truyện, còn thấy ở Bảo có một sự quan sát tỉ mỉ cuộc sống, một cái nhìn không phải tò mò, không phải xót thương tội nghiệp, mà là sự chia sẻ, cảm thông ấm áp, một sự vị tha rộng mở, là góp vào tìm kiếm cho những số phận đó một lối thoát, một đường tiến, không để cho bất kỳ nhân vật nào của mình bế tắc rơi tận đáy.
Truyện của Bảo, thường gợi cho người đọc rất nhiều cảm xúc, những cảm xúc đẹp, đậm nhân văn, để không thể ghét ai, để thấy yêu thương hơn con người, yêu thương hơn cuộc đời, có niềm tin vào những tốt lành, bình an.
Nhà văn Tống Phước Bảo còn có bút danh khác là Trúc Thiên và là hội viên Hội Nhà Văn TP.HCM.
Trong vòng 3 năm từ 2020 - 2022: Giải Ba cuộc thi Tạp bút “Kí ức Tết” - 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Thành phố tôi yêu” - Báo Thanh Niên - 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Quê nhà dấu yêu” - Báo Áo Trắng - 2020, Tặng thưởng Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời Covid” - 2021, Giải Khuyến khích cuộc thi “45 năm rực rỡ tên vàng” - 2021 Báo Người Lao Động, Giải B “Cây bút vàng”- NXB CAND - 2021, Giải C “Hình ảnh người chiến sĩ CSND”- Bộ Công An - 2022.
*Sách đã in:
Cả một trời thương (2018), Mình gọi nhau là cưng (2019), Les từng centimet- Đừng vội ghét khi chưa kịp thương (2020), Sài Gòn còn thương thì về (2021), Biết vọng cố hương - Biết thương xứ mình (2022), Hỗn kỳ đài (2022).