Kể từ tháng 6 qua, 2 vợ chồng họ đã cùng sống theo kiểu việc ai nấy làm như thế này: Đứng ở hai bên chiến tuyến trong mỗi đêm cuối tuần. Sáng ra, họ lại cùng chung tay nuôi dạy hai cô con gái.
Nhiều tuần biểu tình đã biến Hồng Kông thành chiến trường giữa người biểu tình và cảnh sát. Và nhiều gia đình cảnh sát phải trải nghiệm tình cảnh giằng xé khi chồng là cảnh sát, vợ tham gia biểu tình, điển hình như chuyện nhà một phụ nữ trẻ tên Sunny.
Sunny, 26 tuổi, là một người tham gia phong trào xuống đường để phản đối những gì cô coi là chính sách áp bức của chính quyền. Trong khi đó, chồng cô là một sĩ quan cảnh sát cấp thấp, làm việc đến tận 12 giờ đêm để đối đầu với các cuộc biểu tình mà vợ mình tham gia.
Kể từ tháng 6 qua, họ đã cùng sống theo kiểu việc ai nấy làm như thế này: Đứng ở hai bên chiến tuyến trong mỗi đêm cuối tuần. Sáng ra, họ lại cùng chung tay nuôi dạy hai cô con gái.
Họ đã chứng kiến sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trên đường phố trong các cuộc đấu tranh tại Hồng Kông. Cuộc chiến đó hiện đang chi phối vào chính ngôi nhà của họ và cũng như nhiều gia đình trong lực lượng cảnh sát.
Khi chính quyền Hồng Kông tăng cường trấn áp và bắt giữ, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ngày càng dữ dội, đã khiến đường phố trở nên căng thẳng hơn. Sự phân chia giữa hai bên ngày càng lớn.
Lãnh đạo lực lượng An ninh John Lee đã bảo vệ các hành động của cảnh sát, nói rằng lực lượng này vẫn là chuyên nghiệp nhất ở châu Á. "Bất chấp những nguy hiểm và khó khăn phải đối mặt, họ vẫn thực hiện nghĩa vụ theo luật định với lòng can đảm", ông nói.
Trong các tuyên bố công khai, các quan chức đã cáo buộc những người biểu tình quấy rối các cảnh sát và đôi khi với cả người thân của họ, ở trên mạng hay ở cả ngoài đời. Hành xử của người biểu tình đã khiến nhiều cảnh sát cảm thấy tức giận. Các nhân viên an ninh luôn bị người dân coi thường trên đường phố, nơi chỉ vài tháng trước công việc của họ luôn nhận được sự tôn trọng.
Sunny (ảnh trên) và chồng quen nhau từ thời thanh mai trúc mã rồi kết hôn 5 năm trước. (Cô yêu cầu không được công bố danh tính vì sợ bị chính quyền hay các đồng nghiệp của chồng mình trả thù).
Sunny vẫn nhớ chồng mình đã khóc với niềm tự hào như thế nào vào ngày anh tốt nghiệp học viện cảnh sát. Anh ấy nghĩ rằng đó là một nghề cao quý. Tuy nhiên, đời chẳng như mơ. Chỉ trong vài tháng, anh ta nhận ra rằng công việc đầy rẫy chuyện phiền lòng .
Mỗi ngày chồng trở về nhà, Sunny cố gắng nói chuyện để kéo chồng ra khỏi sự căng thẳng mà anh ta phải hứng chịu trong các cuộc biểu tình. Những cuộc trò chuyện không phải lúc nào cũng yên bình, cô nói.
Sunny kể: "Tôi cứ nói với anh ấy: Tức giận cũng là chuyện thường thôi. Nhưng dù giận dữ đến đâu thì cũng còn có luật pháp , hay khuyên: Công việc của anh không phải là đi trừng trị người khác. Anh đừng có dùng bạo lực quá vì anh đâu phải là một côn đồ. Anh là một cảnh sát ."
Chồng Sunny từ chối phát biểu trực tiếp hoặc nêu tên, nhưng nhấn mạnh khoảng cách giữa yêu cầu của chính quyền đặc khu và những người biểu tình không thể san lấp.
Anh đã nói rất nhiều về áp lực đối với mình và gia đình mình, anh tiết lộ rằng cảnh sát đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bắt giữ những kẻ vi phạm pháp luật.
Nhưng anh thừa nhận rằng chính quyền có thể cải thiện việc xử lý các cuộc biểu tình, và nói rằng chính vợ anh đã nhắc nhở về điều đó: "Cô ấy luôn thúc giục tôi tìm cách làm thế nào các sĩ quan cảnh sát có thể lấy lại niềm tin của người dân".
Thông qua các cuộc trao đổi của 2 vợ chồng, Sunny đã hiểu được trên đường phố, cảnh sát bị biến thành ‘tấm ván phóng dao’ thay cho chính quyền đặc khu đang ngày càng bị công chúng ghét bỏ, như thế nào. "Cảm giác như chúng ta có một kẻ thù chung", cô nói.
Vào tháng 7, Sunny đã quyết định tổ chức một nhóm Facebook: Kết nối thân nhân của Cảnh sát. Mục tiêu, chí hướng của nhóm Facebook là khôi phục lại niềm tin của cộng đồng vào cảnh sát.
“Chúng tôi không phải là một phần của lực lượng cảnh sát, nhưng chúng tôi là người thân nhất với họ, và họ có thể sẵn sàng nghe lời của chúng tôi hơn”, cô nói. “Nếu các bà vợ bước lên, người dân sẽ ủng hộ họ”.
Hầu hết các thành viên của nhóm Facebook cũng giống như Sunny: Họ có người thân trong lực lượng cảnh sát nhưng vẫn ủng hộ người biểu tình.
Một thành viên trong nhóm là Phillis, một nhân viên xã hội 42 tuổi có chồng là sĩ quan cảnh sát. Đó cũng là mối tình đầu của cô và họ đã chung sống với nhau 21 năm. Khi Phillis tham gia vào phong trào biểu tình, cô nhận ra người đàn ông mà cô chung mái nhà nhà đã trở thành một người xa lạ.
“Chúng tôi không chia sẻ những quan điểm cùng nhau. Tôi đã nói với anh ấy rằng một khi lũ trẻ của chúng tôi lớn lên, tôi sẽ nghĩ về việc ly hôn”, cô kể trên nhóm Facebook. Phillis hy vọng những người đồng cảnh ngộ sẽ giúp mình giải quyết khủng hoảng gia đình trong bối cảnh Hồng Kông đang khủng hoảng.
(còn tiếp)
Thời gian tới, cảnh sát Hồng Kông sẽ phải hoạt động mạnh tay hơn. Trung Quốc dường như mất kiên nhẫn trước việc bạo động kéo dài và không có dấu hiệu kết thúc. Bắc Kinh không muốn tình trạng này kéo dài đến 1.10, dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa.
China Daily hồi đầu tuần đã cảnh báo những người biểu tình nên "dừng thách thức sự kiên nhẫn của chính quyền trung ương".
"Hồng Kông là một phần không thể tách rời của Trung Quốc - và đó là điểm then chốt không ai nên thách thức, không phải người biểu tình, không phải lực lượng nước ngoài với những thủ đoạn bẩn thỉu... Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông không phải về các quyền hay dân chủ. Chúng là kết quả của sự can thiệp của nước ngoài. Vì lo ngại rằng sự kiềm chế của chính quyền trung ương dễ bị hiểu sai là do yếu kém, cần nói rõ rằng việc ly khai dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bị nghiền nát", tờ báo viết.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã trong một bài bình luận riêng cho rằng luật pháp cần phải được thể hiện và Hồng Kông có thể phải trả giá bằng hình phạt lớn hơn và nặng hơn nếu tình hình hiện tại tiếp tục.
Anh Tú