Sau khi chứng kiến nhiều tuần biểu tình với những cuộc đụng độ không hồi kết, doanh nhân hoạt động trong ngành công nghệ thông tin Wei Sun quyết định đã đến lúc phải hành động.
Cư dân Hồng Kông 34 tuổi này chuẩn bị di cư sang Singapore cùng vợ và 2 con gái nhỏ. Ông Wei thu xếp tiền bạc đầy đủ, tìm hiểu giá bất động sản gần sân bay Changqi, thông báo cho cha mẹ.
“Tôi không muốn rời khỏi vì nơi đây là nhà tôi. Nhưng không còn cách nào khác, Hồng Kông càng ngày càng tệ”, Wei chia sẻ. Ông chọn Singapore vì quốc gia Đông Nam Á có nền chính trị lẫn kinh tế ổn định.
Không chỉ Wei Sun mà ngày một nhiều người Hồng Kông nghĩ đến thậm chí lên kế hoạch rời bỏ đặc khu. Khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường YouGov thực hiện tháng 6 cho kết quả gần 50% người Hồng Kông được hỏi có suy nghĩ về chuyện di cư, tập trung ở bộ phận dân cư trẻ tuổi.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ làm hồ sơ xin di cư ghi nhận số lượng tìm hiểu thông tin tăng mạnh trong vài tháng qua. Nhiều người trẻ tuổi muốn đến sinh sống ở những nơi khác thuộc châu Á.
Biểu tình – yếu tố thúc đẩy di cư
Theo Cục An ninh Hồng Kông, số lượng người dân đặc khu di cư tăng từ 6.500 năm 2017 lên 7.600 năm 2018. Mức trung bình giai đoạn 2014 - 2016 dao động khoảng 6.900 - 7.600.
Ba điểm đến hàng đầu trong 5 năm qua là Úc, Mỹ, Canada. Năm 2018 có 2.400 người Hồng Kông chuyển đến Úc, 1.600 người đến Mỹ và 1.100 người sang Canada. Họ di cư bằng cách đầu tư vào đất nước mới, tìm việc tay nghề cao hoặc kết hôn với người nước ngoài.
Xu hướng nay đã thay đổi. Ba đơn vị hỗ trợ làm hồ sơ di cư có tiếng là Midland Immigration Consultancy, John Hu Migration Consulting cùng Anlex cho biết nay Singapore trở thành lựa chọn hàng đầu, sau đó đến Đài Loan, Thái Lan, Malaysia.
Tại Midland Immigration Consultancy, số trường hợp quan tâm chuyện di cư tăng đến 80 trong tháng 7 – gấp bốn lần tháng 5. Khách hàng chủ yếu thuộc độ tuổi dưới 30.
Anlex thì nhận nhiều hồ sơ từ gia đình trẻ tuổi. Còn phía John Hu Migration Consulting nhận xét: “Người dân trở nên quyết tâm hơn. Trong quá khứ họ hỏi thông tin trước, tuy nhiên nay khách hàng gọi đến nói ngay rằng họ muốn ra đi và yêu cầu chúng tôi cung cấp đơn xin di cư”.
Lý do có rất nhiều, nhưng John Hu đánh giá hoạt động biểu tình chính là yếu tố lớn thúc đẩy người dân rời bỏ Hồng Kông.
Hồng Kông từ đầu tháng 6 đến nay hứng chịu làn sóng biểu tình dữ dội, ý định phản đối dự luật dẫn độ ban đầu hiện đã phát triển thành chiến dịch thách thức chính quyền và đòi hỏi dân chủ đầy đủ.
Theo giới chuyên gia, sở dĩ người trẻ tuổi nghĩ đến chuyện di cư là vì họ mong đợi nhiều hơn từ xã hội cũng như vì cảm thấy không hài lòng với thực tế cuộc sống. Tiến sĩ Victor Zheng Wan-tai thuộc đại học Trung văn Hồng Kông phân tích: “Bất chấp có thành tích giáo dục cao, người trẻ tuổi lại chẳng có công việc, thu nhập lẫn cơ hội thăng tiến như mong muốn, do đó muốn tìm lối thoát”.
Làn sóng di cư thứ ba?
Hồng Kông từng trải qua hai làn sóng di cư: thứ nhất vào năm 1989 khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn, thứ hai vào năm 1997 lúc đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc.
Nhiều người dự đoán tình hình chính trị hiện tại sẽ kích hoạt làn sóng thứ ba. Cư dân đặc khu Sonia Lai nghĩ đến chuyện chuyển đến Singapore sau khi kết thúc một khóa học tại Úc, nay cô càng quyết tâm ra đi.
“Tôi thất vọng vì chính quyền đặc khu không lắng nghe tiếng nói người dân. Tôi đang phân vân, tôi yêu thành phố nhưng chẳng thấy có tương lai”, cô Sonia chia sẻ.
Hồng Kông là nơi sinh sống của hơn 7,4 triệu người. Không gian trung bình dành cho một người chỉ vào khoảng 14 m2, trong khi giá nhà ở lại tăng nhanh chóng mặt.
Cẩm Bình (theo Today Online)