Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cảnh báo Huawei đang xây dựng các cơ sở chế tạo chip bí mật trên khắp Trung Quốc để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, trang Bloomberg đưa tin.

Huawei xây dựng mạng lưới chip bí mật khắp Trung Quốc, sắp sản xuất smartphone 5G

Sơn Vân | 23/08/2023, 16:20

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cảnh báo Huawei đang xây dựng các cơ sở chế tạo chip bí mật trên khắp Trung Quốc để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, trang Bloomberg đưa tin.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (có trụ sở ở Mỹ) cho biết Huawei đã bước vào lĩnh vực sản xuất chip từ năm ngoái và đang nhận được khoản tài trợ ước tính khoảng 30 tỉ USD từ chính phủ Trung Quốc. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã mua lại ít nhất hai nhà máy hiện có và đang xây dựng ba nhà máy khác.

Bộ Thương mại Mỹ thêm Huawei vào danh sách kiểm soát xuất khẩu vào năm 2019 vì những lo ngại về an ninh. Huawei phủ nhận là một rủi ro an ninh.

Theo Bloomberg, nếu đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip dưới tên các công ty khác như Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn đề cập, Huawei có thể lách các hạn chế từ chính phủ Mỹ để gián tiếp mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ.

Huawei và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn không trả lời ngay lập tức khi được hãng tin Reuters đề nghị bình luận.

Huawei đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại, hạn chế hầu hết các nhà cung cấp vận chuyển hàng hóa và công nghệ cho công ty này trừ khi được cấp giấy phép. Các quan chức Mỹ đã tiếp tục thắt chặt các biện pháp kiểm soát để cắt đứt khả năng mua hoặc thiết kế chip bán dẫn cung cấp sức mạnh cho hầu hết các sản phẩm của Huawei.

huawei-xay-dung-mang-luoi-chip-bi-mat-khap-trung-quoc.jpg
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cảnh báo Huawei đang xây dựng các cơ sở chế tạo chip bí mật trên khắp Trung Quốc để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ - Ảnh: Reuters

Giữa tháng 7 vừa qua, Reuters đưa tin Huawei đang lên kế hoạch quay lại thị trường smartphone 5G vào cuối năm nay, dẫn lời 3 công ty nghiên cứu công nghệ chuyên theo dõi ngành smartphone Trung Quốc.

1 trong 3 công ty nói rằng Huawei dự kiến sử dụng quy trình sản xuất N+1 của SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) dù số chip 5G được tạo ra chỉ khoảng 2 triệu - 4 triệu đơn vị. Công ty thứ hai đưa ra con số khả quan hơn là 10 triệu chip 5G.

Hãng phân tích Canalys ghi nhận Huawei từng lập kỷ lục giao đến 240,6 triệu smartpone trên toàn cầu vào năm 2019. Tờ Chứng khoán Trung Quốc cho biết Huawei nâng mục tiêu doanh số smartphone vào năm 2023 từ 30 triệu chiếc lên 40 triệu chiếc, nhưng không đề cập gì đến smartphone 5G.

3 công ty lưu ý đến thông báo đạt được đột phá trong phát triển phần mềm thiết kế điện tử tự động (EDA, công cụ tạo bản thiết kế chip trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt) mà Huawei giới thiệu vào tháng 3. Họ tin rằng phần mềm EDA mà Huawei tự phát triển kết hợp với quy trình N+1 của SMIC sẽ cho ra đời chip 7 nanomet dùng trong smartphone 5G.

SMIC hiện không thể mua máy in thạch bản cực tím (EUV) do ASML (Hà Lan) độc quyền sản xuất. EUV là thiết bị rất quan trọng trong nỗ lực sản xuất chip 7 nanomet. Song giới phân tích nhận thấy vài dấu hiệu chỉ ra SMIC có thể cho ra chip 7 nanomet bằng cách cải tiến máy quang khắc (DUV) thế hệ cũ.

Nếu quay lại thị trường smartphone 5G, đó sẽ là chiến thắng lớn cho Huawei sau hơn 3 năm chịu hàng loạt hạn chế xuất khẩu do Mỹ ban hành năm 2019. Năm 2020, Huawei phải bán đi thương hiệu điện thoại bình dân Honor để lách các hạn chế, khiến doanh thu mảnh thiết bị điện tử tiêu dùng (gồm cả smartphone) năm 2021 chỉ bằng một nửa 2020.

Huawei còn vất vả chuyến hướng sang dịch vụ lưu trữ đám mây, cung cấp linh kiện và hệ thống liên quan cho các hãng ô tô.

Trước khi bị Mỹ trừng phạt, Huawei cạnh tranh gay gắt với Samsung Electronics để trở thành nhà sản xuất smartpone lớn nhất thế giới. Thế nhưng, hàng loạt hạn chế từ Mỹ cùng sự tẩy chay của phương Tây khiến Huawei bị loại khỏi cuộc đua smartphone 5G, doanh thu lẫn vị thế toàn cầu đều tuột dốc không phanh.

Huawei đã và đang cố gắng điều chỉnh hoạt động sản xuất smartphone cùng thiết bị mạng viễn thông của mình cho phù hợp với “điều kiện bình thường mới” của các hạn chế thương mại bị Mỹ siết chặt vào năm 2020.

Cuối tháng 2, Nhậm Chính Phi (nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei) tiết lộ công ty đã thay thế hơn 13.000 linh kiện bị Mỹ cấm vận trong các thiết bị của mình bằng giải pháp tại địa phương và thiết kế lại hơn 4.000 bảng mạch trong 3 năm qua.

Huawei cũng đã thay thế 78 công cụ do nước ngoài sản xuất, trải dài từ phần cứng đến phát triển phần mềm, kể từ lần đầu bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ hồi tháng 5.2019.

Lệnh phong tỏa công nghệ với Huawei do Mỹ dẫn đầu được tăng cường sau tháng 8.2020, khi tập đoàn Trung Quốc bị cắt quyền mua công nghệ và dịch vụ từ các hãng không phải của Mỹ như TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan).

Trong lĩnh vực thiết kế chất bán dẫn, nơi đơn vị chip HiSilicon nội bộ của Huawei từng dẫn đầu ở Trung Quốc và đạt được vị thế trên thế giới, Huawei tuyên bố đã “cơ bản đạt được năng lực phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) trong nước” cho các chip trên quy trình 14 nanomet mà không cung cấp thông tin chi tiết. Huawei dự kiến hoàn thành việc kiểm tra các công cụ thiết kế này vào năm 2023.

Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, nói bước đột phá của công ty về các công cụ thiết kế chip 14 nanomet có ý nghĩa rất nhỏ với hoạt động kinh doanh. Thay vào đó, việc này sẽ tạo cơ hội cho các công ty bán dẫn ở Trung Quốc sử dụng các công cụ này trong tương lai.

Về tác động của lệnh trừng phạt từ Mỹ với smartphone cao cấp của mình, Eric Xu từng nói công ty sẽ chỉ có thể sản xuất smartphone 5G khi Mỹ dỡ bỏ các hạn chế. Ông không cung cấp thông tin cập nhật về tiến độ của Huawei trong việc phát triển chip thay thế trong nước cho smartphone.

Đầu tháng 7, Huawei đã ra mắt phiên bản mới của mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Pangu, được huấn luyện bởi các bộ xử lý Ascend AI do chính công ty này sản xuất. Huawei hy vọng sẽ các bộ xử lý này cung cấp sức mạnh điện toán cần thiết ở Trung Quốc, quốc gia đang gặp khó khăn để có được các chip AI tiên tiến từ Mỹ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ kiểu ChatGPT.

Tại hội nghị các nhà phát triển đám mây ở thành phố Đông Quản (Trung Quốc) hôm 7.7, Huawei đã tiết lộ phiên bản 3.0 của Pangu với sự tập trung vào ứng dụng công nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như mỏ than, tài chính và chính phủ.

Huawei muốn giúp khách hàng xây dựng và huấn luyện các mô hình AI riêng với bộ xử lý Ascend AI do hãng tự phát triển cùng khung AI MindSpore (công nghệ cơ bản hỗ trợ Pangu).

Zhang Pingan, Giám đốc điều hành Huawei Cloud, cho biết: “Sức mạnh điện toán ở Trung Quốc khó có thể theo kịp nhu cầu ngày càng tăng, khi nhiều công ty đang trả giá cao để có được các bộ xử lý đồ họa Nvidia với thời gian giao hàng kéo dài. Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp một giải pháp thay thế về sức mạnh tính toán của AI”.

"Trong khi người khác có thể sử dụng các GPU (bộ xử lý đồ họa) và phần mềm được coi là tiên tiến nhất ngành, Huawei sẽ phải dựa vào công nghệ AI cơ bản của chính chúng tôi", Zhang Pingan nói thêm.

Huawei tuyên bố cụm Ascend AI của họ có thể đạt hiệu quả huấn luyện AI cao gấp 1,1 lần so với các GPU phổ thông trong ngành. Tuy nhiên, Huawei không nêu chi tiết về phương pháp được công ty sử dụng để so sánh công nghệ của Ascend AI với các đối thủ.

Bài liên quan
Mỹ và EU cảnh báo Malaysia về rủi ro an ninh nếu cho Huawei xây dựng mạng 5G
Malaysia phải đối phó việc cân bằng quan hệ với phương Tây và Trung Quốc khi đánh giá triển khai mạng 5G.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TECHFEST Việt Nam 2024 mang nhiều cơ hội cho các nhà khởi nghiệp
2 phút trước Khoa học - công nghệ
TECHFEST Việt Nam 2024 mang đến rất nhiều cơ hội cho các nhà khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… trong việc tìm kiếm tài năng, kết nối đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huawei xây dựng mạng lưới chip bí mật khắp Trung Quốc, sắp sản xuất smartphone 5G