Huawei đã ra mắt phiên bản mới của mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Pangu, được huấn luyện bởi các bộ xử lý Ascend AI do chính công ty này sản xuất.

Huawei chào hàng chip có thể giải quyết vấn đề thiếu sức mạnh điện toán ở Trung Quốc

Sơn Vân | 08/07/2023, 16:10

Huawei đã ra mắt phiên bản mới của mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Pangu, được huấn luyện bởi các bộ xử lý Ascend AI do chính công ty này sản xuất.

Huawei hy vọng sẽ các bộ xử lý này cung cấp sức mạnh điện toán cần thiết ở Trung Quốc, quốc gia đang gặp khó khăn để có được các chip AI tiên tiến từ Mỹ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ kiểu ChatGPT.

Tại hội nghị các nhà phát triển đám mây ở thành phố Đông Quản (Trung Quốc) hôm 7.7, Huawei đã tiết lộ phiên bản 3.0 của Pangu với sự tập trung vào ứng dụng công nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như mỏ than, tài chính và chính phủ.

Huawei (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến) muốn giúp khách hàng xây dựng và huấn luyện các mô hình AI riêng với bộ xử lý Ascend AI do hãng tự phát triển cùng khung AI MindSpore (công nghệ cơ bản hỗ trợ Pangu).

Zhang Pingan, Giám đốc điều hành Huawei Cloud, cho biết: “Sức mạnh điện toán ở Trung Quốc khó có thể theo kịp nhu cầu ngày càng tăng, khi nhiều công ty đang trả giá cao để có được các bộ xử lý đồ họa Nvidia với thời gian giao hàng kéo dài. Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp một giải pháp thay thế về sức mạnh tính toán của AI”.

Chính quyền Biden đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới vào tháng 8.2022, ngăn các công ty Trung Quốc mua chip AI tiên tiến nhất từ Advanced Micro Devices (AMD) và Nvidia, hai nhà cung cấp chip của Mỹ. Nvidia gần như thống trị thị trường GPU được sử dụng để huấn luyện các hệ thống AI.

Tham vọng AI của Bắc Kinh đối mặt rủi ro mới khi chính phủ Mỹ xem xét việc hạn chế quyền truy cập của các hãng Trung Quốc vào các dịch vụ điện toán đám mây Mỹ. Nếu xảy ra, điều này sẽ ngăn cản các hãng Trung Quốc sử dụng sức mạnh của các chip AI tiên tiến do Amazon Web Services và Microsoft cung cấp, trang The Wall Street Journal đưa tin.

Huawei đang nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ, ngăn các doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm cho công ty Trung Quốc này nếu không có sự chấp thuận từ chính phủ. Zhang Pingan cho biết Huawei sẽ phải tồn tại nhờ công nghệ tự mình phát triển.

"Trong khi người khác có thể sử dụng các GPU và phần mềm được coi là tiên tiến nhất ngành, Huawei sẽ phải dựa vào công nghệ AI cơ bản của chính chúng tôi", Zhang Pingan nói tại hội nghị.

Huawei tuyên bố cụm Ascend AI của họ có thể đạt hiệu quả huấn luyện AI cao gấp 1,1 lần so với các GPU phổ thông trong ngành. Tuy nhiên, Huawei không nêu chi tiết về phương pháp được công ty sử dụng để so sánh công nghệ của Ascend AI với các đối thủ.

huawei-chao-hang-chip-giai-quyet-viec-thieu-suc-manh-dien-toan-o-trung-quoc.jpg
Huawei hy vọng sẽ các bộ xử lý Ascend AI sẽ cung cấp sức mạnh điện toán cần thiết ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Phiên bản mới nhất Pangu sẽ làm nóng cuộc đua AI giữa các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc, vốn đã tung ra khoảng 80 mô hình ngôn ngữ lớn đến nay.

Công ty tìm kiếm internet đình đám Baidu vào tháng 3 đã trở thành hãng công nghệ lớn đầu tiên của Trung Quốc ra mắt ứng dụng thách thức ChatGPT, được gọi là Ernie Bot, với kế hoạch tích hợp mô hình AI của mình trong đám mây và các dịch vụ doanh nghiệp khác.

Đến tháng 4, Alibaba đã giới thiệu chatbot Tongyi Qianwen với dự định tích hợp nó vào tất cả sản phẩm và dịch vụ của công ty.

Trái ngược với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác, Huawei đã tránh bất kỳ sự so sánh nào giữa Pangu với ChatGPT, nhấn mạnh rằng họ chỉ nhắm mục tiêu đến các khách hàng doanh nghiệp.

Mô hình AI Pangu của chúng tôi sẽ không làm thơ; chúng tôi chỉ làm kinh doanh. Chúng tôi sẽ đặt mình vào các ngành công nghiệp và mang lại giá trị cho họ”, Zhang Pingan tuyên bố.

Huawei tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh doanh nghiệp khi cố tìm kiếm nguồn doanh thu mới, sau khi các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ cản trở hoạt động kinh doanh smartphone sinh lợi một thời của họ.

Công ty đã ra mắt phiên bản đầu tiên của Pangu vào năm 2021 và áp dụng nó cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, chẳng hạn như giúp phát hiện những bất thường trong các mỏ dưới lòng đất, xác định lỗi trong đường sắt và toa chở hàng.

Huawei Cloud cho biết công nghệ Pangu đã được triển khai trong hơn 1.000 dự án ở các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả 8 mỏ than.

Huawei đã thành lập một số nhóm kinh doanh, được gọi là quân đoàn (hoặc juntuan trong tiếng Trung), để phục vụ nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Khai thác mỏ là ngành đầu tiên mà Huawei nhắm đến, tạo nên mối quan hệ có uy tín với các mỏ than vào năm 2021, với sự ủng hộ từ người sáng lập tập đoàn là ông Nhậm Chính Phí.

Xu Jun, Giám đốc công nghệ đơn vị kinh doanh mỏ của Huawei, cho biết ngành công nghiệp khai thác than, vốn từ lâu bỏ quên việc áp dụng giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, là “trái ngọt dễ hái”. Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ mới mà Huawei đang phát triển để cung cấp cho các ngành công nghiệp khác nhau không mang đến nguồn thu nhập và lợi nhuận ngay lập tức. Huawei đã báo cáo doanh thu quý 1/2023 là 132,1 tỉ nhân dân tệ (20 tỉ USD), chỉ tăng nhẹ 0,8% so với mức 131 tỉ nhân dân tệ trong cùng kỳ năm ngoái. 

Tìm nguồn doanh thu mới từ bằng sáng chế

Huawei đang yêu cầu khoản phí cấp phép để sử dụng các công nghệ được cấp bằng sáng chế của mình từ khoảng 30 công ty vừa và nhỏ ở Nhật Bản, theo trang Nikkei. Điều này cho thấy tập đoàn viễn thông Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn thu như vậy sau khi bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt.

Một nguồn tin tại đơn vị Huawei Nhật Bản tiết lộ rằng "các cuộc đàm phán đang được tiến hành với khoảng 30 công ty liên quan đến viễn thông Nhật Bản". Huawei được cho cũng đang đẩy mạnh việc thu tiền bản quyền ở Đông Nam Á.

Việc một nhà sản xuất lớn đàm phán trực tiếp với các khách hàng nhỏ hơn về phí bằng sáng chế là điều hết sức bất thường. Huawei đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây khó khăn cho việc bán sản phẩm ra nước ngoài.

Huawei đang đòi phí từ các nhà sản xuất và những người khác sử dụng các thành phần được gọi là mô đun giao tiếp không dây. Theo nguồn tin từ một số công ty Nhật Bản, các doanh nghiệp nhỏ với chỉ vài nhân viên cho đến các công ty khởi nghiệp có hơn 100 người đều nhận được yêu cầu trả phí từ Huawei.

Các mức thanh toán được Huawei yêu cầu dao động từ phí cố định 50 yên (35 cent) trở xuống cho mỗi đơn vị, đến 0,1% (hoặc ít hơn) giá của hệ thống viễn thông hoặc sản phẩm liên quan mà các công ty đó sử dụng.

Tỷ lệ này tương đương với tiêu chuẩn quốc tế”, Toshifumi Futamata, nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo (Nhật Bản), nhận xét.

Huawei nắm giữ một tỷ lệ cao các bằng sáng chế được gọi là tiêu chuẩn thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng các tiêu chuẩn truyền thông không dây như 4G hoặc Wi-Fi.

Thiết bị do công ty khác sản xuất tương thích với các tiêu chuẩn đó cũng sử dụng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của Huawei. Điều này đồng nghĩa nếu Huawei yêu cầu, nhiều công ty sử dụng các thiết bị kết nối internet có liên quan sẽ phải trả tiền bản quyền bằng sáng chế.

Ngay cả các công ty Nhật Bản không sử dụng sản phẩm của Huawei cũng có thể phải chịu những chi phí không mong đợi. Điểm đáng chú ý là nhiều công ty vừa và nhỏ không có kinh nghiệm với các cuộc đàm phán bằng sáng chế nên có thể ký kết hợp đồng với các điều khoản bất lợi.

"Nếu các hợp đồng không được xem xét kỹ lưỡng và không đảm bảo an ninh thông tin thì có thể xảy ra rủi ro rò rỉ dữ liệu của các công ty Nhật Bản. Họ cần thuê luật sư và các chuyên gia khác để được giúp đỡ, nhằm tránh ký kết các hợp đồng không có lợi cho mình", Toshifumi Futamata nói.

Các hợp đồng bao gồm cả quyền truy cập vào phần mềm của mô đun giao tiếp có nguy cơ rò rỉ dữ liệu, Toshifumi Futamata cho biết thêm.

Vì tiền bản quyền bằng sáng chế không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ, đây có thể là một nguồn thu nhập ổn định cho Huawei.

Huawei đã thành lập một trung tâm chiến lược sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản để giám sát hoạt động kinh doanh tài sản trí tuệ (IP) của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm cả Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc.

Nhà sản xuất ô tô Suzuki Motor (Nhật Bản) đã đồng ý với Huawei vào cuối năm 2022 để được cấp phép cho các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ truyền thông 4G sử dụng cho ô tô được kết nối.

Nhiều công ty Nhật Bản có thể phải đối mặt với yêu cầu thanh toán từ Huawei. Các mô đun giao tiếp không dây sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế của Huawei là không thể thiếu với các mạng Internet vạn vật (IoT) kết nối, theo công ty nghiên cứu Seed Planning có trụ sở tại Tokyo (thủ đô Nhật Bản). Công nghệ này đang được áp dụng trong lái xe tự động, nhà máy tự động hóa, y học, năng lượng và hậu cần.

Bài liên quan
Trình làng MetaERP, giám đốc Huawei tuyên bố: ‘Chúng tôi đã sống sót!'
Huawei cho biết đã chuyển sang hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tự phát triển, đánh dấu nỗ lực mới nhất của công ty nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài trong bối cảnh phải vật lộn với các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huawei chào hàng chip có thể giải quyết vấn đề thiếu sức mạnh điện toán ở Trung Quốc