Giới chức Bắc Kinh trong vòng 4 tuần tới phải quyết định nên nhượng bộ hay cứng rắn với Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump dọa áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng Trung Quốc.
Lựa chọn thứ nhất là thực hiện cam kết tăng mua nông sản Mỹ và đồng ý một phần thỏa thuận hiện tại (còn nhiều vấn đề Trung Quốc chưa chấp thuận) nhằm duy trì đàm phán, tránh nguy cơ lời đe dọa thuế quan trở thành hiện thực.
Lựa chọn khác là rời khỏi đàm phán vì xem lời đe dọa thuế quan là biện pháp gây sức ép phá hoại thiện chí, đi ngược lại những gì hai nhà lãnh đạo nhất trí cuối tháng 6 trước.
Trung Quốc cũng có thể phản ứng bằng cách hủy các đơn hàng mua nông sản Mỹ, tăng thuế áp lên hàng Mỹ, đẩy nhanh quá trình thiết lập danh sách thực thể không đáng tin để trừng phạt doanh nghiệp Mỹ.
Tổng thống Trump công bố quyết định nhắm vào 300 tỉ USD hàng hóa vào lúc vòng đàm phán Thượng Hải kết thúc chưa đầy 48 tiếng đồng hồ.
“Đòn chớp nhoáng” này dường như khiến Trung Quốc không kịp lên kế hoạch trả đũa cụ thể. Ngoại trưởng Vương Nghị chỉ tuyên bố thuế quan không giúp giải quyết xung đột, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cũng tuyên bố đơn giản rằng họ sẽ thực hiện biện pháp đáp trả cần thiết.
Chuyên gia kinh tế Lưu Lợi Cương làm việc cho tập đoàn tài chính Citi nhận xét lời đe dọa mới nhất biến Tổng thống Trump trở thành đối tác kém tin cậy trong mắt chính quyền Bắc Kinh.
“Khi đàm phán đổ vỡ vào tháng 5 trước, Phó thủ tướng Lưu Hạc vẫn bay sang Washington thương lượng. Nhưng thật khó tin Trung Quốc lại chịu làm vậy một lần nữa nếu Tổng thống Trump quyết tâm tăng thuế”, theo chuyên gia Lưu.
Cựu phó đại diện Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (Geneva) Chu Hiểu Minh nhận xét kế hoạch đánh thuế 300 tỉ USD có thể làm hỏng hoạt động đàm phán vừa khôi phục: “Khó nói trước liệu Trung Quốc có tổ chức cuộc làm việc với Mỹ trong tháng 9 như giao ước hay không”.
Giáo sư John Gong thuộc đại học Thương mại - Kinh tế đối ngoại tại Bắc Kinh xem động thái của Tổng thống Trump chỉ là chiến thuật hòng ép Trung Quốc mua thêm nhiều nông sản, và khoảng thời gian 1 tháng (đến ngày 1.9 kế hoạch thuế quan 300 tỉ USD mới khởi động) đủ để giới chức Bắc Kinh “bày mưu tính kế”.
Nhà kinh tế Hồ Vỹ Tuấn thuộc tập đoàn Macquarie nhận định sự lựa chọn của Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể bởi lời đe dọa đánh thuế mới, giới lãnh đạo nước này phải tiến hành điều chỉnh.
Cẩm Bình (theo SCMP)