Google và Bộ Tư pháp Mỹ đã kết thúc phần tranh luận cuối cùng hôm 3.5 về các tuyên bố rằng công ty con của Alphabet thống trị một cách bất hợp pháp lĩnh vực tìm kiếm trên web và quảng cáo có liên quan, trong một trường hợp mà chính phủ Mỹ cho rằng có thể định hình “tương lai của internet”.
Thế giới số

Kết thúc phiên tòa chống độc quyền về Google, thẩm phán Mỹ cân nhắc phán quyết mang tính bước ngoặt

Sơn Vân 04/05/2024 09:39

Google và Bộ Tư pháp Mỹ đã kết thúc phần tranh luận cuối cùng hôm 3.5 về các tuyên bố rằng công ty con của Alphabet thống trị một cách bất hợp pháp lĩnh vực tìm kiếm trên web và quảng cáo có liên quan, trong một trường hợp mà chính phủ Mỹ cho rằng có thể định hình “tương lai của internet”.

Thẩm phán Amit Mehta tại Washington đã dành nhiều giờ để thẩm vấn cả hai bên bằng các câu hỏi, thăm dò xem những nền tảng như TikTok của ByteDance, Facebook và Instagram của Meta Platforms có phải là những lựa chọn thay thế cạnh tranh cho các đồng đô la quảng cáo tìm kiếm không.

Amit Mehta cho biết vấn đề trọng tâm là “khả năng thay thế” nền tảng cho các nhà quảng cáo mà tòa án phải giải quyết. Bây giờ ông chuẩn bị đưa ra phán quyết quan trọng rằng việc liệu hành vi của Google có vi phạm luật chống độc quyền dân sự hay không. Amit Mehta không tiết lộ khi nào sẽ đưa ra phán quyết, nhưng các chuyên gia cho rằng ông có thể ra lệnh thay đổi các hoạt động kinh doanh của Google.

Amit Mehta cũng đặt câu hỏi liệu Google có xem xét giá cả của các đối thủ cạnh tranh trước khi thực hiện điều chỉnh của riêng mình hay không. Hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google mang lại khoảng 3/4 doanh thu cho công ty.

David Dahlquist, luật sư cho chính phủ Mỹ, lập luận rằng “doanh thu quảng cáo là yếu tố thúc đẩy sức mạnh độc quyền của Google ngày nay”.

David Dahlquist nói Google đã tự hào rằng không cảm thấy áp lực thực sự trên thị trường và cho rằng công ty không ngại tăng giá hoặc không cải thiện sản phẩm của mình.

“Chỉ có nhà độc quyền mới có thể tạo ra sản phẩm tệ hơn mà vẫn kiếm được nhiều tiền hơn”, David Dahlquist lập luận.

John Schmidtlein, luật sư cho Google, phản bác rằng thị phần của công ty trong doanh thu quảng cáo kỹ thuật số tại Mỹ đã giảm dần. John Schmidtlein ca ngợi sức mạnh quảng cáo từ các nền tảng đối thủ như TikTok của ByteDance, Facebook và Instagram của Meta cũng như Amazon.

John Schmidtlein lập luận rằng Google bị "hạn chế" bởi các nền tảng đối thủ "với nhiều người dùng", bởi các nhà quảng cáo biết có lượng khán giả trùng lặp (sử dụng cùng lúc nhiều nền tảng) và có thể chi tiền của họ ở nơi khác.

Ông cũng khẳng định rằng Google đang liên tục đổi mới các sản phẩm quảng cáo tìm kiếm của mình. “Nếu Google là nhà độc quyền, tại sao phải cải thiện mọi thứ? Tại sao không tăng giá lên?”, John Schmidtlein nói trước tòa án. Sau đó, ông lập luận rằng: "Google đã giành chiến thắng nhờ một sản phẩm vượt trội".

Bộ Tư pháp Mỹ chỉ trích Google trong một phiên tòa bắt đầu vào ngày 12.9.2023, cho rằng gã khổng lồ công cụ tìm kiếm là nhà độc quyền đã lạm dụng quyền lực của mình một cách bất hợp pháp để tăng lợi nhuận.

Các nhân chứng từ Verizon (hãng viễn thông Mỹ), Samsung Electronics, Apple và chính Google đã làm chứng về khoản thanh toán hàng năm của công ty (26,3 tỉ USD vào năm 2021) để đảm bảo rằng công cụ tìm kiếm của họ là mặc định trên smartphone và trình duyệt, đồng thời giữ thị phần thống trị.

Thẩm phán Amit Mehta cũng tiếp nhận cáo buộc từ chính phủ rằng Google cố tình tiêu hủy các tài liệu nội bộ có liên quan đến các vấn đề trong vụ kiện. Chính phủ Mỹ yêu cầu Amit Mehta giả định rằng Google đã xóa các cuộc trò chuyện bất lợi cho công ty.

Amit Mehta liên tục đặt câu hỏi về các chính sách trước đây của Google, mà ông cho rằng đã giao việc quyết định lưu giữ tài liệu cho các nhân viên của mình.

"Lẽ ra chúng phải được bảo quản. Liệu nên có hậu quả hay biện pháp trừng phạt nào đó cho việc không tuân thủ quy tắc bảo quản tài liệu, kể cả khi đó là mức tối thiểu của tiêu chuẩn?", thẩm phán này hỏi.

Colette Connor, luật sư cho Google, đã bảo vệ các hoạt động bảo quản dữ liệu của Google, gọi chúng là hợp lý và kêu gọi tòa án không xử phạt công ty.

Vụ kiện này do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đệ trình. Đây là vụ đầu tiên trong số nhiều vụ nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh thị trường của các hãng công nghệ lớn.

Một vụ kiện khác, chống lại Meta Platforms, cũng được đệ trình dưới thời chính quyền Trump. Các nhà thực thi chống độc quyền của Tổng thống Joe Biden theo đuổi một vụ kiện thứ hai chống lại Google và các vụ kiện Amazon, Apple.

ket-thuc-phien-toa-chong-doc-quyen-ve-google-tham-phan-my-can-nhac-phan-quyet-mang-tinh-buoc-ngoat.jpg
Thẩm phán Amit Mehta chuẩn bị đưa ra phán quyết quan trọng rằng việc liệu hành vi của Google có vi phạm luật chống độc quyền dân sự hay không - Ảnh: Reuters

Theo tài liệu tòa án được công bố hôm 30.4, Google phải trả 20 tỉ USD cho Apple vào năm 2022 để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari.

Thỏa thuận giữa hai gã khổng lồ công nghệ là tâm điểm của vụ kiện mang tính bước ngoặt. Trong đó, các nhà thực thi chống độc quyền cáo buộc Google đã có hành động cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo.

Theo hãng tin Bloomberg, Google và Apple đã hy vọng số tiền thỏa thuận giữa hai bên không bị tiết lộ công khai. Tuy nhiên, tại phiên tòa vào mùa thu năm ngoái, các quản lý cấp cao của Apple đã làm chứng việc Google trả “hàng tỉ USD”.

Một nhân chứng cũng tiết lộ rằng Google phải chia 36% doanh thu kiếm được từ quảng cáo tìm kiếm cho Apple.

Các tài liệu tòa án được đệ trình vào ngày 30.4 trước khi kết thúc tranh luận đã đánh dấu sự xác nhận công khai đầu tiên về số liệu thỏa thuận giữa Google và Apple. Trước đó, các khoản chi phí và số tiền thực tế không được hai gã khổng lồ công nghệ tiết lộ trong hồ sơ.

Các tài liệu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những khoản thanh toán với doanh thu của Apple. Ví dụ, vào năm 2020, khoản tiền mà Google trả cho Apple đã chiếm 17,5% thu nhập của nhà sản xuất iPhone.

Lần đầu tiên Apple đồng ý sử dụng công cụ tìm kiếm Google trong trình duyệt Safari vào năm 2002. Sau đó, hai bên đã quyết định chia sẻ doanh thu kiếm được từ quảng cáo tìm kiếm. Các công tố viên cho biết trong hồ sơ rằng đến tháng 5.2021, Google phải trả cho Apple hơn 1 tỉ USD/tháng.

Microsoft, công ty sở hữu công cụ tìm kiếm Bing, đã nhiều lần cố gắng lôi kéo Apple rời khỏi mối quan hệ với Google. Theo tài liệu của tòa án, Microsoft đã đề nghị chia sẻ tới 90% doanh thu quảng cáo của mình với Apple để biến Bing trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, đã làm chứng tại phiên tòa năm ngoái rằng công ty sẵn sàng thực hiện một số nhượng bộ, gồm cả việc giấu thương hiệu Bing, nhằm thuyết phục Apple thực hiện chuyển đổi. Ông nói rằng việc Bing trở thành công cụ tìm kiếm trên Safari sẽ “thay đổi cuộc chơi”, song điều này chưa diễn ra.

Bài liên quan
Apple chiêu mộ được hàng chục nhân tài AI từ Google những năm qua
Theo phân tích của trang Financial Times về hồ sơ LinkedIn, Apple đã thuyết phục được ít nhất 36 nhân viên Google có chuyên môn về trí tuệ nhân tạo (AI) gia nhập công ty kể từ năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Sân bay Long Thành phải hoàn thành trong năm 2025, không thể chậm hơn
5 giờ trước Sự kiện
Kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Thủ tướng yêu cầu tất cả các công việc phải hoàn thành trước ngày 31.12.2025 và đưa sân bay vào khai thác trước ngày 28.2.2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết thúc phiên tòa chống độc quyền về Google, thẩm phán Mỹ cân nhắc phán quyết mang tính bước ngoặt