Có một sự khác nhau “rất lớn” về phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể được chích vắc xin và cơ thể nhiễm vi rút SARS-CoV-2 một cách tự nhiên.

Khả năng kháng vi rút SARS-CoV-2 của người khỏi bệnh COVID-19 so với tiêm vắc xin

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ | 13/09/2021, 14:15

Có một sự khác nhau “rất lớn” về phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể được chích vắc xin và cơ thể nhiễm vi rút SARS-CoV-2 một cách tự nhiên.

Đến nay, theo số liệu trên thế giới thì có hơn 200 triệu người đã khỏi bệnh COVID-19 do nhiễm vi rút SARS-CoV-2 một cách tự nhiên. Theo ghi nhận của Bộ Y tế, Việt Nam đã có hơn 374.000 người thuộc nhóm này.

Câu hỏi thường được đặt ra cho nhóm người này là: Liệu họ đã được an toàn trước COVID-19 chưa? Khả năng tái nhiễm của họ như thế nào? So với người chích vắc xin COVID-19 thì hệ miễn dịch của họ như thế nào? Tối thiểu họ sẽ được bảo vệ trong bao lâu? Họ có nên chích vắc xin ngừa COVID-19 không và có nên được cấp thẻ xanh COVID?

Trước khi phân tích vấn đề này, các bạn cần hiểu rằng có một sự khác nhau “rất lớn” về phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể được chích vắc xin và cơ thể nhiễm vi rút SARS-CoV-2 một cách tự nhiên. Hầu hết các vắc xin COVID-19 hiện nay chỉ nhắm đến một protein quan trọng là protein gai (protein S) có trên bề mặt của vi rút như vắc xin Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnik V hoặc sử dụng con vi rút đã bị làm chết (bằng nhiệt hoặc chất hóa học) trong trường hợp vắc xin của Sinopharm/Sinovac, để dạy hệ miễn dịch hình dạng con vi rút thật như thế nào.

Trong khi đó, khi cơ thể bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thật, vi rút này sẽ xâm nhập vào tế bào vật chủ qua thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào, tạo ra nhiều loại protein trong suốt chu kỳ sống và sinh sản của chúng (không chỉ riêng protein S mà còn nhiều protein khác), tương tác với hàng loạt các con đường tín hiệu của tế bào và do đó hệ miễn dịch của cơ thể sẽ bị kích hoạt một cách toàn diện hơn, nhận biết vi rút SARS-CoV-2 một cách đầy đủ hơn.

Để dễ hiểu hơn, có thể hình dung việc chích vắc xin giống như chúng ta học một vấn đề gì đó chỉ qua bảng tóm tắt ngắn gọn chứa các điểm chính trong bài, trong khi việc nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thật giống như bạn phải học một cuốn sách dày cộm để hiểu về nó một cách thấu đáo. Do vậy, nhìn chung hệ miễn dịch được tạo ra từ người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 một cách tự nhiên mạnh hơn nhiều so với hệ miễn dịch được tạo ra từ vắc xin. Tuy nhiên, nói như vậy không phải để khuyến khích các bạn cố tình “nhiễm tự nhiên” để có hệ miễn dịch mạnh hơn vì COVID-19 là căn bệnh nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi, người có bệnh nền,… Vắc xin vẫn là giải pháp quan trọng và ưu tiên hàng đầu để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 và ngăn nguy cơ trở nặng hoặc tử vong.

kha-nang-khang-vi-rut-cua-nguoi-khoi-covid-19-so-voi-tiem-vac-xin.jpg

Một nghiên cứu được thực hiện ở Lombardy, Ý từ hồi năm ngoái, quan sát những người đã nhiễm và chưa nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (kiểm tra bằng xét nghiệm RT-PCR) trong cộng đồng hồi đợt sóng dịch đầu tiên (khoảng từ tháng 2 tới tháng 7.2020).

Nghiên cứu này được thực hiện trên khoảng 15.000 người, theo dõi cho đến hết ngày 28.2.2021. Người bị coi là tái nhiễm khi dương tính với COVID-19 sau hơn 90 ngày kể từ lần cuối xét nghiệm âm tính (sau khi hồi phục từ bệnh). Kết quả cho thấy trong hơn 1.579 người đã bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì chỉ có 5 người bị tái nhiễm (tỉ lệ 0.31%), trong đó chỉ có 1 người phải điều trị trong bệnh viện. Còn ở nhóm người chưa nhiễm vi rút (13.496 người) thì có 528 người được phát hiện bị nhiễm sau đó (tỉ lệ 3.9%).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong cùng điều kiện, nhóm người đã mắc COVID-19 có xác suất xảy ra tái nhiễm rất thấp, ít hơn khoảng 12.5 lần so với người chưa nhiễm và khả năng bảo vệ của miễn dịch tự nhiên này có thể kéo dài ít nhất là 1 năm.

Nghiên cứu tương tự như vậy cũng đã được thực hiện ở Thụy Sĩ khi quan sát 2 nhóm người đã nhiễm và chưa nhiễm vi rút tính từ đợt dịch đầu tiên xảy ra ở nước này (tháng 4 đến tháng 6.2020). Nghiên cứu thực hiện đến hết đợt dịch thứ 2 (tháng 1.2021). Họ thấy rằng số người tái nhiễm ở nhóm người đã mắc COVID-19 là 7 trên 498 (tỉ lệ 1.4%), trong khi đó có đến 154 người nhiễm trong 996 chưa từng nhiễm (tỉ lệ 15.5%). Ở nghiên cứu này, chúng ta thấy nguy cơ tái nhiễm của người từng mắc COVID-19 cũng là rất thấp, ít hơn nhóm chưa nhiễm vi rút SARS-CoV-2 khoảng 11 lần (khá gần với con số trong nghiên cứu ở Ý). Nhóm tác giả cũng thận trọng đưa ra nhận định là nhóm người đã bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tự nhiên thì có khả năng kháng lại việc tái nhiễm ít nhất trong 8 tháng.

Hai nghiên cứu trên cho thấy xác suất người tái nhiễm SARS-CoV-2 là rất thấp. Vậy so với những người đã tiêm vắc xin COVID-19 thì như thế nào? Đến nay chưa có câu trả lời chính xác, do vắc xin COVID-19 mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp từ hồi cuối năm 2020 và chỉ bắt đầu được tiêm nhiều hơn ở các nước khi số lượng vắc xin được sản xuất nhiều hơn, đa dạng hơn.

Thế nên vẫn chưa có nghiên cứu tương tự như trên để so sánh trực tiếp giữa nhóm người đã tiêm vắc xin COVID-19 và các nhóm nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tự nhiên khỏi bệnh (tôi nghĩ là cần ít nhất nữa năm nữa). Tuy nhiên, các biến thể mới xuất hiện (như Beta được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, hoặc Delta xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ) sở hữu những đặc tính có thể giúp chúng vượt hàng rào miễn dịch để nhiễm lên những người đã chích vắc xin 2 mũi (hay còn gọi là nhiễm COVID-19 đột phá).

Nguy cơ nhiễm COVID-19 đột phá ở người Mỹ đã tiêm 2 liều vắc xin có cao?

Một số dữ liệu gần đây cho thấy tỷ lệ nhiễm COVID-19 đột phát ở những người Mỹ đã tiêm 2 liều vắc xin không đáng lo ngại.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã báo cáo thực tế đáng sợ trong tháng 7: Những người đã được tiêm vắc xin vẫn nhiễm COVID-19 đột phá mang tải lượng vi rút trong mũi và cổ họng tương đương với những ai chưa được tiêm chủng.

Tin tức này dường như cho thấy, ngay cả những người đã được tiêm vắc xin cũng rất dễ bị nhiễm vi rút và truyền vi rút sang cho người khác.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, nhiều dữ liệu được thu thập cho thấy tình trạng này không còn đáng lo ngại. Biến thể Delta có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19. Song nếu bạn đã được tiêm vắc xin, nguy cơ mắc COVID-19 và tải lượng vi rút cao không còn đáng lo ngại như lúc ban đầu.

Nguy cơ nhiễm COVID-19 đột phá của người Mỹ được tiêm vắc xin ra sao? Có lẽ khoảng 1 trên 5.000 người mỗi ngày, thậm chí còn thấp hơn với những người thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 hoặc sống trong một cộng đồng được tiêm chủng cao.

Tỷ lệ 1 trong 10.000 người

Các ước tính ở đây dựa trên số liệu thống kê từ 3 nơi đã báo cáo dữ liệu chi tiết về các trường hợp mắc COVID-19 theo tình trạng tiêm vắc xin gồm bang Utah, Virginia, quận King (bao gồm thủ phủ Seattle, thuộc bang Washington). Cả 3 khu vực này đều nhất quán với ý kiến cho rằng mỗi ngày có khoảng 1 trong số 5.000 người Mỹ được tiêm vắc xin đầy đủ đã có kết quả dương tính với COVID-19 những tuần gần đây.

Tỷ lệ này chắc chắn cao hơn ở những nơi có đợt bùng phát COVID-19 dữ dội nhất như khu vực Đông Nam. Ở những nơi có ít các ca mắc COVID-19 hơn như khu vực Đông Bắc gồm Chicago, Los Angeles và San Francisco thì tỷ lệ này còn thấp hơn nữa, có lẽ là dưới 1 trên 10.000 người. Ví dụ đó là những gì dữ liệu thành phố Seattle ghi nhận (những con số này không bao gồm các trường hợp mắc COVID-19 chưa được chẩn đoán, thường có  triệu chứng nhẹ đến mức không nhận thấy mình đang mắc bệnh và không lây truyền vi rút cho người khác).

Tiến sĩ Ashish Jha của Đại học Brown chia sẻ với các đồng nghiệp rằng: “Có rất nhiều thông tin sai lệch về những rủi ro thực sự với những người tiêm vắc xin và họ phải suy nghĩ rất nhiều để bảo vệ cuộc sống của mình”.

Theo tiến sĩ Jeffrey Duchin, quan chức y tế công cộng hàng đầu ở Seattle, những người chưa được tiêm vắc xin thì khả năng lây nhiễm cao hơn rất nhiều. Thế nhưng, nguy cơ nhiễm COVID-19 đột phá cũng tăng lên nhiều hơn kể từ khi các ca nhiễm trong cộng đồng bắt đầu lan rộng.

Một cách khác để hiểu tình hình này là so sánh tỷ lệ tiêm vắc xin của mỗi bang với tỷ lệ mắc COVID-19 hằng ngày gần đây. Tỷ lệ lây nhiễm ở các bang tiêm chủng ít nhất cao gấp khoảng 4 lần so với các bang được tiêm chủng nhiều nhất.

Nếu toàn bộ người dân nước Mỹ được tiêm vắc xin với tốc độ tương tự như ở vùng Đông Bắc hoặc California thì làn sóng lây nhiễm cộng đồng hiện tại sẽ chỉ là một phần nhỏ. Biến thể Delta là vấn đề và do dự trong việc tiêm vắc xin còn là một vấn đề lớn hơn.

Sự phân tích của khoa học

Những con số này giúp cho thấy lý do tại sao tải lượng vi rút là vấn đề lớn. Đó là một trong những tuyên bố vừa đúng vừa sai. Ngay cả khi số tải lượng vi rút tương tự nhau, vi rút vẫn hoạt động khác nhau ở mũi và cổ họng của người đã tiêm vắc xin và chưa được chủng ngừa.

Ở người chưa được tiêm vắc xin, tải lượng vi rút giống như đội quân gặp phải sự kháng cự rất ít. Song ở một người đã được tiêm vắc xin, hệ thống miễn dịch của con người được khởi động phản ứng mạnh mẽ và có xu hướng chiếm ưu thế nhanh chóng, thường là trước khi cơ thể vật chủ bị bệnh hoặc lây cho người khác.

Với người đã được tiêm vắc xin đầy đủ, COVID-19 giống như bệnh cúm và thường là bệnh nhẹ. Xã hội không bị tàn phá vì bệnh cúm.

Ở Anh, nhiều người đã cảm thấy thoải mái hơn với việc sống chung với vi rút SARS-CoV-2. COVID-19 hiếm khi gây bệnh nghiêm trọng ở người lớn và ít gây rủi ro cao với trẻ nhỏ đến mức nước Anh có thể không bao giờ khuyến nghị hầu hết người dân nên tiêm vắc xin. Mặt khác, họ để vi rút tiếp tục thống trị cuộc sống.

“Có một cảm giác rằng cuối cùng chúng ta vẫn có thể tiếp tục sống và bắt đầu cố gắng lấy lại những gì đã mất”, Devi Sridhar, người đứng đầu chương trình y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh (Anh), nói với The Times.

Nhiều người Mỹ có suy nghĩ khác về COVID-19, có mức độ lo lắng về nó cao hơn, đặc biệt là ở các cộng đồng không nghiêng về mặt chính trị. Những người có suy nghĩ khác nhau sẽ phản ứng với mức độ khác nhau.

Thế nhưng ít nhất một phần sự lo lắng của người Mỹ dường như đã trở nên tách rời khỏi sự thật về tính hiệu quả của vắc xin những tuần gần đây. Cuộc thăm dò mới của ABC News và Washington Post cho thấy gần một nửa số người trưởng thành đánh giá “nguy cơ mắc bệnh do vi rút SARS-CoV-2” của họ là trung bình hoặc cao mặc dù 75% người dân Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin.

Trên thực tế, rủi ro nhiễm bất kỳ phiên bản vi rút nào cũng như nguy cơ mắc bệnh nặng với người được tiêm chủng vẫn là thấp.

Ở Seattle, gần đây có khoảng 1 trong số 1 triệu người được tiêm chủng đã được đưa tới bệnh viện vì mắc COVID-19. Rủi ro đó gần bằng 0.

Mấu chốt của vấn đề

Biến thể Delta thực sự đã thay đổi tiến trình của đại dịch COVID-19. Delta dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng khác và những lời kêu gọi về các biện pháp phòng ngừa cũng được thắt chặt hơn, như việc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà.

Song ngay cả với biến thể Delta, rủi ro tổng thể vẫn cực nhỏ nếu đã tiêm vắc xin đầy đủ. Tiến sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco (Mỹ), viết: “Thông điệp trong tháng 7 ở Mỹ về cơ bản làm hoảng sợ những người đã được tiêm vắc xin và khiến những người trưởng thành đủ điều kiện nhưng chưa được tiêm vắc xin nghi ngờ về hiệu quả của vắc-xin".

Công trình khoa học gần đây của nhóm nghiên cứu ở New York (Mỹ) giúp làm sáng tỏ một phần tại sao khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tự nhiên, người hồi phục có hệ miễn dịch mạnh hơn so với người được chích vắc xin. Trong nghiên cứu này, họ thấy rằng tế bào nhớ B trong cơ thể người đã nhiễm vi rút có thể tiếp tục tiến hóa trong tối thiểu 1 năm để tạo ra các kháng thể giúp chống lại sự xâm nhiễm của vi rút SARS-CoV-2, thậm chí là các biến chủng mới nguy hiểm. Trong khi đó sự tiến hóa của các tế bào B này ở người chích vắc xin mRNA (Moderna hoặc Pfizer- BioNTech) chỉ dừng lại khoảng trong 5 tháng sau khi tiêm phòng.

Theo một nghiên cứu khoa học khác của nhóm ở Hà Lan, có sự khác biệt rõ rệt trong nhóm người mắc bệnh nặng và nhóm người bị nhẹ hoặc không triệu chứng. Huyết tương lấy từ nhóm người bị bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng thường có ít kháng thể hơn và khả năng trung hòa vi rút yếu hơn, đặc biệt là với các biến thể mới.

kha-nang-khang-vi-rut-cua-nguoi-khoi-covid-19-so-voi-tiem-vac-xin2.jpg

Nói chung, người đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tự nhiên, ngoài loại kháng thể được tạo ra để nhận biết protein S thì còn nhiều loại kháng thể khác nhận biết các loại protein khác nhau trong và ngoài vi rút, tương tác với nhiều con đường tín hiệu trong tế bào, kích thích hệ miễn dịch toàn vẹn hơn.

Vi rút tồn tại trong cơ thể người bị nhiễm dài hơn (thường là 1-2 tuần) so với thời gian tồn tại các kháng nguyên được tạo ra bởi vắc xin (thường chỉ vài ngày). Do vậy, các tế bào miễn dịch của cơ thể “học” được nhiều hơn và hiệu quả hơn, cũng giống như bạn được dạy bởi “chương trình nâng cao” với thời lượng học dài hơn và nhiều học cụ sinh động, phong phú hơn thì sẽ nhớ bài lâu hơn và thậm chí phát triển khả năng sáng tạo thêm.

Tóm lại, các kết quả nghiên cứu khoa học đến nay cho thấy những người nhiễm vi rút một cách tự nhiên (có triệu chứng lẫn không có triệu chứng) có hệ miễn dịch khá tốt để ngăn chặn sự tái nhiễm vi rút, ít nhất là trong 8 tháng đến 1 năm hoặc hơn (trừ những ai có hệ miễn dịch bị suy yếu). Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho những người đó và cho cộng đồng, hiện nay ở nhiều nước trên thế giới khuyên những người này nên được chích vắc xin COVID-19 sau 6 tháng kể từ ngày nhiễm bệnh để đảm bảo có hệ miễn dịch kháng vi rút SARS-CoV-2 được kích hoạt đầy đủ.

Hiện nay, nhiều nơi ở Việt Nam đang có kế hoạch cấp thẻ xanh COVID-19 cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hay người khỏi bệnh một cách tự nhiên, để nới lỏng việc quản lý đi lại. Tuy nhiên, những người tự điều trị ở nhà, tự khỏi và chưa khai báo chính quyền địa phương sẽ gặp khó khăn khi muốn được cấp thẻ. Theo tôi, việc xác định những người này không khó gì cả, vì sau khi nhiễm bệnh thì lượng kháng thể kháng vi rút trong máu những người này tồn tại rất lâu (ít nhất là hơn nửa năm) nên việc xét nghiệm kháng thể để xác định người từng nhiễm bệnh (dù chưa khai báo) là chuyện không khó và không tốn kém quá nhiều để có thể thực hiện nhanh chóng và tạo điều kiện cấp thẻ xanh COVID-19 cho họ.

TS. Nguyễn Hồng Vũ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khả năng kháng vi rút SARS-CoV-2 của người khỏi bệnh COVID-19 so với tiêm vắc xin