Việc doanh nghiệp phát hành thẻ thành viên và yêu cầu khách phải nạp tiền vào mới được thanh toán khi mua hàng và tích điểm thực chất là hình thức huy động vốn. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận đây cũng là một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Khách bực bội vì Starbucks bắt buộc nạp tiền vào thẻ thành viên

14/11/2018, 16:11

Việc doanh nghiệp phát hành thẻ thành viên và yêu cầu khách phải nạp tiền vào mới được thanh toán khi mua hàng và tích điểm thực chất là hình thức huy động vốn. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận đây cũng là một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán qua app là một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay - Ảnh minh họa từ Internet

Nhiều khách hàng của Starbucks Việt Nam đang tỏ ra khá bất ngờ với chính sách mới của thẻ thành viên. Cụ thể, thương hiệu này vừa nâng cấp Starbucks Rewards, chương trình tích điểm, đổi thưởng với thẻ Starbucks thành viên mới vào tài khoản hiện tại của khách. Có điều, điểm chỉ có thể được tích lũy khi khách hàng thanh toán bằng thẻ Starbucks đã được đăng ký.

Và như thế những chiếc thẻ thành viên mà khách hàng sở hữu trước đó mặc định trở thành thẻ cũ. Khách phải đến cửa hàng đăng ký kích hoạt thẻ mới, đồng thời tải app của Starbucks về để thanh toán khi thường xuyên sử dụng dịch vụ tại các cửa hàng Starbucks Vietnam.

Hơn nữa, hiện tại ứng dụng Starbucks Vietnam chưa có chức năng nạp tiền trực tiếp từ thẻ ngân hàng vào tài khoản càng dễ làm cho việc hoạt động chuyển tiền của khách thêm bất tiện.

Là một khách hàng thường xuyên của Starbucks, anh Bá Dương (Q.3, TP.HCM) tỏ ra băn khoăn với NLĐO về chính sách mới này vì phải nạp tiền vào thẻ rồi mới được mua hàng và tích điểm chứ quán không nhận tiền mặt. Nếu khách muốn xem lịch sử giao dịch, số dư trong thẻ phải đăng nhập vào tài khoản trên hệ thống Starbucks.

"Phải chăng đây là một cách huy động vốn không tốn chi phí của doanh nghiệp?", anh này đưa ra thắc mắc với NLĐO.

Xác nhận đây là một hình thức huy động vốn của doanh nghiệp, chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh phân tích rõ trên NLĐO rằng: "Thẻ thành viên có thể nhận tiền nạp vào nhưng không thể quy đổi điểm trong thẻ thành tiền mặt, khác với ví điện tử. Doanh nghiệp phát hành thẻ thành viên, cho phép khách hàng nạp tiền thực chất là một dạng huy động vốn nhàn rỗi của khách hàng, nhất là với những thương hiệu có lượng khách hàng lớn. Doanh nghiệp sẽ có ngay nguồn vốn lớn để sử dụng mà không phải trả lãi. Đổi lại, ở góc độ khách hàng cũng có lợi vì thẻ thành viên thường được giảm giá, khuyến mại để khuyến khích người dùng nạp tiền nhiều hơn".

Theo đó, ví điện tử là một ứng dụng trên điện thoại di động, có thể liên kết với thẻ ngân hàng để chuyển tiền, thanh toán trực tuyến nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khách nhau.

Như trường hợp của GrabPay ban đầu dùng cho thanh toán nội bộ Grab, nhưng sau đó hãng này liên kết với Moca cho ra đời ví điện tử GrabPay by Moca để mở rộng thanh toán nhiều dịch vụ khác.

Nhiều người dùng trước đó từng thấy rất bất tiện và rắc rối với phương thức thanh toán mới của Grab thông qua GrabPay by Moca, vì ví điện tử này không cho sử dụng thẻ Visa và Master Card, mà khách buộc phải có thẻ ATM.

Phản hồi người dùng, Grab nói theo quy định của pháp luật Việt Nam, người dùng cần liên kết tài khoản ngân hàng với ví điện tử. GrabPay by Moca là ví điện tử của Grab cho nên người dùng phải có thẻ ATM từ những ngân hàng có liên kết với Grab mới kích hoạt thanh toán được.

Tuy nhiên, Grab cũng nói nếu không có thẻ ATM được hỗ trợ để liên kết với GrabPay by Moca, người dùng có thể thanh toán trực tiếp từng chuyến đi bằng thẻ Credit/ Debit Quốc tế phát hành bởi tất cả các ngân hàng khi thêm các loại thẻ này vào ứng dụng Grab.

Tương tự, một chuyên gia tài chính nói với NLĐO rằng việc thẻ thành viên có tính năng nạp tiền và thanh toán như trường hợp của Starbucks Vietnam hiện khá phổ biến trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam. Có thể lấy thẻ N KID Family của hệ thống khu vui chơi cho trẻ em TiNiWorld làm ví dụ. Đây là loại thẻ dùng để thanh toán cho tất cả dịch vụ của TiNiWorld, gồm cả chi phí vào cổng.

Theo dõi trên fanpage của Starbucks Vietnam sẽ thấy đa phần người dùng trẻ lại tỏ ra khá háo hức với chính sách thẻ thành viên mới của chuỗi quán cà phê Mỹ nổi tiếng này. Bởi đi kèm theo đó là những phiên bản thẻ "giới hạn", những quà tặng độc đáo theo mùa nhằm đánh trúng tâm lý của giới trẻ hiện nay. Họ thậm chí có thể chấp nhận nạp 2 triệu tiền mặt vào thẻ thành viên Starbucks Vietnam mới chỉ để nhận một món quà theo sở thích. Một bạn trẻ cho biết Starbucks Trung Quốc đã áp dụng hình thức thanh toán qua app từ lâu, rất nhanh chóng, tiện dụng và nay mới có mặt tại Việt Nam.

Ở một diễn biến khác liên quan, tại cuộc gặp Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hồi đầu tháng 9, đại diện Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cho biết Lotte Card sẽ tập trung phát triển tài chính tiêu dùng không sử dụng tiền mặt, ứng dụng công nghệ tài chính (fintech, findata) tại Việt Nam.

Theo đó, hiện Lotte Card đã có khoảng 1,5 triệu khách hàng tại các siêu thị, trung tâm mua bán ở Việt Nam. Việc Lotte Card mua lại Công ty tài chính TechcomFinance của Techcombank trong tháng 3.2018 là cơ sở quan trọng để Lotte Card phát triển hơn nữa.

Điều này có thể dự báo một loại thẻ thành viên thanh toán nội bộ thương hiệu tương tự Starbucks, TiNiWorld có thể sẽ xuất hiện trong tương lại gần, hoặc đó sẽ là một loại hình ví điện tử khác tương tự GrabPay by Moca.

Thanh toán không dùng tiền mặt là một xu hướng và chủ trương được Nhà nước ủng hộ. Điểm quan trọng là sự nở rộ của các loại thẻ thành viên có tính năng như thẻ thanh toán góp phần khuyến khích thúc đẩy các kênh thanh toán không dùng tiền mặt, bên cạnh sự phát triển của ví điện tử và các ứng dụng thanh toán qua ngân hàng.

A.Thư

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khách bực bội vì Starbucks bắt buộc nạp tiền vào thẻ thành viên