Cho đến tận bây giờ, sau gần ba năm đưa vào hoạt động, chắc hẳn vẫn còn nhiều người dân Đà Nẵng, nhất là những người nông dân, ngơ ngác trước tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố.

Khi 'bộ não' bị thiếu oxy...

23/08/2016, 11:22

Cho đến tận bây giờ, sau gần ba năm đưa vào hoạt động, chắc hẳn vẫn còn nhiều người dân Đà Nẵng, nhất là những người nông dân, ngơ ngác trước tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố.

Tòa nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng (màu xanh) mắc bệnh... khó thở.

Và ngay cả chẳng phải nông dân, kiểu những “dân nghèo thành thị” cả đời chưa bước vô thang máy lần nào hẳn cũng sẽ lúng ta lúng túng đi tìm nơi giải quyết công việc hành chính cho mình…

Và họ còn ngơ ngác hơn nữa khi nghe “toà nhà thông minh” nhất Việt Nam, biểu tượng của “thành phố đáng sống” mới “bóc tem” chẳng bao lâu đã mắc bệnh “khó thở”. Toà nhà vĩ đại, khá giống như khách sạn cánh buồm của Dubai này có trị giá lên đến 2.000 tỉ đồng nghe nói đang gây ra bệnh “thiếu oxy” cho các cán bộ làm việc ở đây và thành phố đang có “ý tưởng” di dời trung tâm hành chính sang một “biểu tượng” mới.

Việc chính quyền Đà Nẵng có ý tưởng di dời cũng là hợp lý, bởi vì đã là một “bộ não” của một thành phố mà thiếu oxy thì lấy gì những người lãnh đạo có sức sáng tạo mà thúc đẩy phát triển? Chỉ duy có chuyện nóng bức thôi đã thấy đó chính là nơi “không đáng sống” rồi chứ nói chi đến chuyện làm việc trong môi trường khó thở, có khả năng đột quỵ vì thiếu “khí tươi”…

Sự nóng bức và “thiếu khí tươi” ở trung tâm hành chính Đà Nẵng có lẽ đã ở mức khó có thể chịu đựng được đối với những người đang làm việc nên những chuyện bất tiện của toà nhà “hiện đại – thống nhất – hiệu quả” mới bị lộ ra. Trước đó, trong một cuộc điều tra mức độ hài lòng thì cả công chức lẫn người dân đều gần 100% biểu lộ thái độ vui vẻ phấn khởi về toà nhà, không ai than thở.

Khi bị truy về chuyện di dời trung tâm hành chánh, các nhà hoạch định chính sách Đà Nẵng với “tư duy tầm nhìn 2030 đến 2050” biện hộ bằng lý do là trong tương lai dân tình phát triển mà trung tâm hành chánh như toà nhà hải đăng bên sông Hàn có lẽ không còn “xứng tầm biểu tượng” nên mới đề ra kế hoạch xây dựng một trung tâm hành chính mới.

Câu hỏi được đặt ra là chính quyền nhân dân các tỉnh thành như Đà Nẵng đã và đang xây dựng cái gì, các trung tâm hành chánh hay là những “biểu tượng” cho tỉnh thành? Nếu như đó là các “biểu tượng” thì chúng biểu hiện nét tiêu biểu gì cho các tỉnh thành ấy, quyền lực công chăng? Có cần chăng, việc “tư duy biểu tượng”, trong công việc xây dựng các công trình công cộng…?

Đây cũng chính là tư duy “chạy trước người dân” của hầu hết các tỉnh thành đã và sẽ xây dựng những trung tâm hành chính hoành tráng.

Quả thật, nếu ai đã từng đi đến “thành phố hành chính” khổng lồ như Bà Rịa – Vũng Tàu hay đi thăm “khách sạn Marina Bay Sands 2” của Bình Dương, sẽ thấy nhiều chính quyền nhân dân của ta đi trước nhân dân như thế nào. Bởi vì xét cho cùng, nếu có 10 người dân đến với các trung tâm hành chính “khủng” này thì phải có đến bảy người ngơ ngơ ngác ngác, do cơ cấu dân tình của ta cứ mười người thì có bảy là “hai lúa”, những nông dân còn tương đối nghèo.

Mà những toà nhà chọc trời hay những thành phố nguy nga với các hệ thống thiết bị chống nóng bức và khó thở thì chắc hẳn là chẳng có tính “nông dân” tí nào nếu chỉ nói về sự thân thiện, gần gũi. Kinh phí xây dựng đã là quá khủng và để vận hành các trung tâm ấy phải cũng tính đến “tiền tấn”.

Điều cần phải nói lại là “phong trào” xây dựng trung tâm hành chính hoành tráng không chỉ có ở những tỉnh thành có chút thành tích phát triển kinh tế, xã hội mà còn kéo theo những tỉnh thành vốn nghèo, năm nào cũng xin cứu đói cho dân trong các mùa giáp hạt.

Đành rằng không ai đánh thuế giấc mơ cũng không ai bắt tội “ý định” cả, nhưng sẽ dễ được người dân thông hiểu và ủng hộ nếu đó là các giấc mơ và hành động quyết liệt để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thành của mình hơn là việc xây dựng các trung tâm hành chính khổng lồ nhưng có thể ẩn chứa đầy các khuyết tật cơ bản.

Và có lẽ cũng cần nên xét lại những “bộ não” nào đã xét duyệt, thông qua và kiểm soát việc thiết kế và thi công một công trình kiến trúc đầy khuyết tật như thế. Phải có những ai cụ thể chịu trách nhiệm về một công trình trị giá đến cả hai ngàn tỉ mà cả đến chuyện hô hấp thông thường giữa sông Hàn lộng gió của những người “thụ hưởng” mà cũng thiếu dưỡng khí như thế…

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi 'bộ não' bị thiếu oxy...