Liên quan đến việc VPF không cho HAGL quảng bá thương hiệu nước tăng lực Carabao tại Night Wolf V-Vleague 2023, thiết nghĩ nếu các bên không đạt được thỏa thuận, thì chỉ còn con đường đưa ra pháp lý phân xử!

Khi “địa chủ” VPF bắt “tá điền” câu lạc bộ nộp tô!

Đặng Hoàng | 20/01/2023, 06:57

Liên quan đến việc VPF không cho HAGL quảng bá thương hiệu nước tăng lực Carabao tại Night Wolf V-Vleague 2023, thiết nghĩ nếu các bên không đạt được thỏa thuận, thì chỉ còn con đường đưa ra pháp lý phân xử!

Trước khi nói đến chuyện đúng sai, tôi muốn nhắc lại câu chuyện mà Chủ tịch Câu lạc bộ Phố Hiến, ông Vũ Tiến Thành nay là Chủ tịch kiêm HLV CLB TP.HCM và trước đó là Chủ tịch kiêm HLV Saigon FC từng phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của Công ty cổ phần phát triển Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với 27 đại diện CLB bóng đá chuyên nghiệp (V-League và Hạng Nhất) vào tháng 9.2021 như sau: “VPF không thể ứng xử theo kiểu bề trên. VPF cố tình áp đặt và thậm chí o ép quyền lợi của CLB. Lợi nhuận cho CLB từ bảng quảng cáo trên sân hay bản quyền truyền hình là gần như không có. Mỗi mùa bóng một CLB tham gia V-League phải tốn trên dưới hàng trăm tỉ đồng trong đó bao gồm đóng phí cho VPF nhưng CLB nhận lại chỉ có vài trăm triệu đồng...”.

Ông Vũ Tiến Thành đã nói đúng sự thật và những con số cụ thể như sau:

1. VPF quy định các CLB tham gia V-League phải nộp 500 triệu đồng tiền lệ phí tham dự giải đấu, đồng thời VPF lấy 50% các bảng quảng cáo với vị trí đẹp trên sân vận động, nếu quảng cáo bằng màn hình Led, VPF sẽ 34/90 phút/trận.

2. Cuối mùa, VPF trả lại cho CLB hơn 800 triệu đồng gọi là hỗ trợ cho CLB tiền quảng cáo khi tham dự giải đấu.

3. Làm phép tính trừ, như vậy mỗi CLB chỉ nhận được hơn 300 triệu đồng từ VPF. Nếu cộng thêm số tiền bản quyền truyền hình cũng rất ít, thì con số âm tài chính của các CLB sẽ rất lớn nếu các CLB không kiếm được khoản kinh phí dồi dào từ các nhà tài trợ.

Xem lại năng lực điều hành của bộ máy VPF

Ngày 10.2.2022, VPF đã chính thức ký kết và công bố nhà tài trợ chính Giải bóng đá VĐQG 2022 với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và hợp đồng có giá trị trong 3 năm liên tiếp. Theo đó, V.League 1 sẽ có tên gọi chính thức là Night Wolf V.League 1.

Thế nhưng trong quá khứ, vào tháng 2.2019, VPF từng công bố ký hợp đồng có giá trị 5 năm với Tập đoàn Masan. Theo đó Công ty CP hàng tiêu dùng Masan với thương hiệu Wake-up 247 sẽ trở thành nhà tài trợ chính của giải vô địch quốc gia, với tên gọi Wake-up 247 V-League 1-2019.

Tuy nhiên, đến ngày 6.2.2020, VPF lại công bố Tập đoàn LS của Hàn Quốc là nhà tài trợ chính giải hàng đầu Việt Nam với tên gọi LS V.League 2-2020.

Với “tì vết” như thế này, các CLB có quyền thắc mắc liệu công bố hợp đồng có giá trị 3 năm, nhưng sự thật có phải VPF và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum sẽ xem lại gia hạn từng năm?

Có một chi tiết cần lưu ý để các CLB có quyền đặt nghi vấn về việc xem xét gia hạn từng năm của VPF với đơn vị tài trợ là trong Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ngày 26.12.2022, VPF đã thông báo về ngành hàng độc quyền của nhà tài trợ chính V-League 2023 và đến ngày 5.1, VPF mới gởi công văn thông báo tới các đội bóng: ngoại trừ nước tăng lực – ngành hàng là nhà tài trợ chính V-League đã đăng ký, còn lại tất cả các sản phẩm khác các CLB đều được quảng cáo!

Nói chính xác hơn, đến ngày 5.1.2023, VPF mới ra công văn xác nhận nhà tài trợ tiếp tục đồng hành và yêu cầu các CLB không ký nhãn hàng cùng ngành.

Thêm một chi tiết không thể bỏ sót đó là đến ngày 17.1.2023 VPF mới thông qua Quy chế điều lệ V-League 2023 vì Quy chế điều lệ 2022 không thể áp dụng cho 2023 khi mà Quy chế điều lệ mỗi năm mỗi khác.

Tóm lại, trước khi công văn VPF xác nhận nhà tài trợ và ban hành Quy chế điều lệ V-Legue 2023 thì chưa chắc nhà tài trợ năm 2022 có tiếp tục đồng hành. Trong khi đó HAGL đã ký với Carabao vào ngày 5.12.2022.

VPF sẽ thua kiện khi HAGL kiện ra tòa?

Thực chất VPF chỉ là một công ty tổ chức sự kiện, là cánh tay nối dài VFF. FIFA cho phép thành lập các công ty kiểu VPF là VPF phải có nghĩa vụ giúp các CLB phát triển.

Có quá nhiều bất cập khi bộ máy điều hành VPF luôn đưa ra những vấn đề mang tính áp đặt, thể hiện tư duy của mình đứng trên các đội bóng, gây ra những tranh cãi, phản ứng không đáng có để lại dư luận không tốt.

Và giờ đây nạn áp đặt, bề trên này đã được tái lặp ngay trước mùa V-league 2023.

Nhiệm vụ của VPF là cần phải phân chia lại quyền lợi hỗ trợ cho CLB trong việc bản quyền truyền hình và khai thác bảng quảng cáo trên sân. VPF nên tạo điều kiện cho CLB có thể từng bước sống được với các nguồn thu từ bóng đá, nên để các CLB tự khai thác với những quy định vừa đảm bảo quyền lợi hình ảnh cho VPF nhưng cũng không để các CLB bị thiệt thòi.

Thế nhưng khi đề cập đến vấn đề này VPF thường kêu khó vì những ràng buộc từ nhà tài trợ chính cho giải, nhưng chính điều đó VPF lại chèn ép lại các CLB là không thỏa đáng.

Làm thế nào giải được bài toán kinh tế đem lại sự hài hòa quyền lợi của đôi bên, cho đến năm 2023, VPF và các CLB vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Thậm chí các CLB luôn phải chịu cảnh chèn ép, phải "phục vụ” cho những lợi ích của VPF trong khi lợi ích của các CLB, những thành viên chính tạo nên sân chơi V-League gần như là bằng không.

Thực tế VPF có quyền ký hợp đồng với nhà tài trợ nhưng đó không phải là bản hợp đồng độc quyền vì các câu lạc bộ là độc lập, tự chủ kinh phí. Do đó, xét về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật giữa VPF và các câu lạc bộ là như nhau. VPF chỉ đúng khi các câu lạc bộ nhận tiền tài trợ từ VPF thì điều khoản độc quyền mới được xem xét.

Cuộc chiến pháp lý chưa ngã ngũ. Nếu HAGL kiện, VPF có bị thua kiện?

Cho đến giờ này chưa biết hồi kết như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng: VPF như là địa chủ còn các CLB là những tá điền phải nộp tô!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi “địa chủ” VPF bắt “tá điền” câu lạc bộ nộp tô!