Kể từ khi Meta Platforms chặn các liên kết tới tin tức ở Canada vào tháng 8.2023 để tránh phải trả phí cho những hãng truyền thông, nhà sản xuất meme cánh hữu Jeff Ballingall cho biết ông đã thấy số lượt nhấp chuột vào trang Facebook Canada Proud (Tự hào về Canada) của mình tăng đột biến.
Meme là một dạng nội dung thường hài hước, lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Meme có thể là hình ảnh, ảnh động (GIF), video ngắn, kèm theo chữ hoặc âm thanh để tăng tính giải trí và lan truyền. Meme thường được sử dụng để:
- Châm biếm những sự kiện, nhân vật hoặc vấn đề đang được quan tâm.
- Biểu đạt cảm xúc như vui vẻ, ngạc nhiên, thất vọng.
- Chia sẻ những ý tưởng, quan điểm theo một cách dí dỏm, hài hước.
Đăng tới 10 bài mỗi ngày và có khoảng 540.000 người theo dõi, Jeff Ballingall cho biết: “Số lượng người theo dõi trang đang tăng lên và chúng tôi tiếp cận ngày càng nhiều người hơn. Truyền thông sẽ phân chia người đọc thành các nhóm, cộng đồng nhỏ hơn dựa trên quan điểm chính trị. Điều đó chỉ làm cho tình trạng này trở nên căng thẳng hơn".
Canada đã trở thành điểm khởi đầu cho cuộc chiến của Facebook với các chính phủ đã ban hành hoặc đang xem xét luật buộc những gã khổng lồ internet, chủ yếu là Meta Platforms và Google thuộc Alphabet, trả tiền cho một số công ty truyền thông để có các liên kết tới tin tức được xuất bản trên nền tảng của họ.
Facebook đã chặn việc chia sẻ tin tức ở Canada thay vì trả tiền, nói rằng tin tức không có giá trị kinh tế với hoạt động kinh doanh của họ. Điều tương tự có thể xảy ra ở Úc nếu chính phủ nước này cố gắng thực thi luật cấp phép nội dung năm 2021 sau khi Facebook tuyên bố sẽ không gia hạn các thỏa thuận với các nhà xuất bản tin tức ở đó. Facebook từng chặn tin tức ở Úc trước khi luật được ban hành.
Việc chặn các liên kết tin tức đã dẫn đến những thay đổi sâu sắc và đáng lo ngại trong cách người dùng Facebook ở Canada tiếp cận với thông tin về chính trị, theo hai nghiên cứu được chia sẻ với Reuters.
Taylor Owen, Giám đốc sáng lập Trung tâm Truyền thông, Công nghệ và Dân chủ của Đại học McGill (Canada), người thực hiện một trong hai nghiên cứu, cho biết: “Tin tức được nhắc đến trong các nhóm chính trị đang được thay thế bằng meme. Sự hiện diện bình thường của báo chí và thông tin đúng trên nguồn cấp dữ liệu của chúng ta, những tín hiệu về độ tin cậy, đã mất đi”.
Các nhà nghiên cứu nói việc thiếu tin tức trên nền tảng và sự tương tác ngày càng tăng của người dùng với quan điểm cũng như nội dung chưa được xác minh có khả năng làm suy yếu các diễn ngôn chính trị, đặc biệt là trong những năm bầu cử. Cả Canada và Úc đều tổ chức bầu cử vào năm 2025.
Các khu vực pháp lý khác gồm bang California (Mỹ) và Anh cũng đang xem xét luật buộc gã khổng lồ internet phải trả tiền cho nội dung tin tức. Indonesia đã đưa ra luật tương tự trong năm nay.
Trên thực tế, quyết định của Meta Platforms đồng nghĩa khi ai đó tạo một bài đăng có liên kết đến một bài báo, người Canada sẽ thấy hộp có thông báo: "Tuân theo luật pháp của chính phủ Canada, nội dung tin tức không thể được chia sẻ".
Đài quan sát Hệ sinh thái Truyền thông, một dự án của Đại học McGill và Đại học Toronto (Canada), trước đây có các bài đăng tin tức trên Facebook thu hút từ 5 triệu đến 8 triệu lượt xem từ người Canada mỗi ngày, nhưng nay đã biến mất.
Nghiên cứu cũng cho thấy dù mức độ tương tác với các tài khoản có ảnh hưởng chính trị như các nhà bình luận đảng phái, học giả và chuyên gia truyền thông không thay đổi, nhưng phản ứng với các bài đăng dựa trên hình ảnh trong các nhóm Facebook chính trị ở Canada đã tăng gấp 3 lần so với mức độ tương tác trước đó với những bài đăng tin tức.
Nghiên cứu đã phân tích khoảng 40.000 bài đăng và so sánh hoạt động từ người dùng trước và sau khi bị chặn các liên kết tin tức trên các trang của khoảng 1.000 nhà xuất bản tin tức, 185 người có ảnh hưởng chính trị và 600 nhóm chính trị.
Người phát ngôn Meta Platforms cho biết nghiên cứu đã xác nhận quan điểm của công ty rằng nhiều người vẫn đến “Facebook và Instagram ngay cả khi không có tin tức trên các nền tảng này”.
Người Canada vẫn có thể truy cập “thông tin có thẩm quyền từ nhiều nguồn khác nhau” trên Facebook và quy trình kiểm chứng sự thật của công ty “cam kết ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch trên các dịch vụ của chúng tôi”, theo người phát ngôn Meta Platforms.
Theo một nghiên cứu riêng biệt của NewsGuard được thực hiện cho Reuters, lượt thích, bình luận và chia sẻ về những nguồn được phân loại là “không đáng tin cậy” đã tăng lên 6,9% ở Canada trong 90 ngày sau khi Facebook chặn tin tức, so với 2,2% trong 90 ngày trước đó. NewsGuard là công ty có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) chuyên kiểm tra tính chính xác của các trang web.
Gordon Crovitz, đồng Giám đốc điều hành hãng NewsGuard, nói: “Điều này đặc biệt rắc rối”.
Gordon Crovitz lưu ý rằng sự thay đổi này xảy ra vào thời điểm "chúng tôi nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các trang tin tức do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra đăng các tuyên bố sai sự thật và ngày càng có nhiều âm thanh, hình ảnh và video giả mạo, gồm cả từ các chính phủ thù địch nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến những cuộc bầu cử".
Theo Reuters, Pascale St-Onge (Bộ trưởng Di sản Canada) đã gọi việc chặn tin tức của Meta Platforms là một "sự lựa chọn không may và liều lĩnh khiến tin đồn cùng thông tin sai lệch lan truyền trên nền tảng của họ trong các tình huống cần biết như cháy rừng, trường hợp khẩn cấp, bầu cử địa phương và những thời điểm quan trọng khác".
Khi được hỏi về các nghiên cứu, Thứ trợ lý Bộ trưởng Tài chính Úc Stephen Jones cho biết qua email: “Quyền truy cập vào nội dung chất lượng, đáng tin cậy là điều quan trọng với người Úc và việc hỗ trợ nội dung này trên nền tảng của Meta Platforms là vì lợi ích của chính họ”.
Sẽ quyết định có nên thuê trọng tài để thiết lập các thỏa thuận cấp phép truyền thông của Facebook hay không, Stephen Jones nói chính phủ đã nêu rõ quan điểm của mình với Meta Platforms rằng các doanh nghiệp truyền thông tin tức Úc phải được "thù lao xứng đáng cho nội dung tin tức được sử dụng trên nền tảng kỹ thuật số".
Meta Platforms từ chối bình luận về các quyết định kinh doanh trong tương lai ở Úc nhưng cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ.
Các nghiên cứu cho thấy Facebook vẫn là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất về nội dung thời sự, dù đã suy giảm vai trò là nguồn tin tức nhiều năm qua trong bối cảnh người dùng trẻ tuổi chuyển sang các đối thủ khác và chiến lược giảm ưu tiên chính trị trong nguồn cấp dữ liệu người dùng của Meta Platforms.
Tại Canada (nơi 4/5 dân số sử dụng Facebook), 51% nhận được tin tức trên nền tảng này vào năm 2023, theo Đài quan sát Hệ sinh thái Truyền thông.
Đại học Canberra (Úc) cho biết 2/3 người Úc sử dụng Facebook và 32% dùng nền tảng này để xem tin tức vào năm ngoái.
Khác với Facebook, Google không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ thay đổi thỏa thuận với các nhà xuất bản tin tức tại Úc và đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Canada để thanh toán cho một quỹ hỗ trợ các cơ quan truyền thông.