Hai bộ tộc ở Mỹ vừa kiện Meta, Google, TikTok và Snapchat cáo buộc những gã khổng lồ truyền thông xã hội này góp phần vào tỉ lệ tự tử cao ở thanh thiếu niên bản địa bằng cách cố tình lôi kéo trẻ em vào nền tảng của họ.
Thế giới số

2 bộ tộc kiện Meta, Google, TikTok, Snapchat vì tỉ lệ tự tử của thanh thiếu niên bản địa cao gấp 4 lần

Sơn Vân 11/04/2024 17:21

Hai bộ tộc ở Mỹ vừa kiện Meta, Google, TikTok và Snapchat cáo buộc những gã khổng lồ truyền thông xã hội này góp phần vào tỉ lệ tự tử cao ở thanh thiếu niên bản địa bằng cách cố tình lôi kéo trẻ em vào nền tảng của họ.

Một vụ kiện được đệ trình thay mặt cho bộ tộc Spirit Lake ở bang North Dakota. Bộ tộc Indian Menominee của bang Wisconsin đệ trình vụ kiện còn lại. Các bị đơn nêu tên là Facebook, Instagram, Snapchat, TikTok, YouTube cùng các công ty mẹ của họ là Meta Platforms, Snap Inc, ByteDance, Google là bị đơn.

"Xét theo lịch sử tự tử và các vấn đề về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại khu bảo tồn của chúng tôi và trên khắp Indian Country, thanh thiếu niên bản địa đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực lâu dài do các lựa chọn thiết kế cố ý, hướng đến lợi nhuận được những nền tảng truyền thông xã hội này thực hiện", Lonna Jackson-Street, Chủ tịch của Spirit Lake Nation, cho biết trong một tuyên bố cung cấp cho trang Insider.

Indian Country là một thuật ngữ bao hàm tất cả các vùng đất thuộc sở hữu của các bộ lạc thổ dân da đỏ được công nhận liên bang ở Mỹ. Nó bao gồm các khu bảo tồn, khu định cư, các khu vực được giao phó và vùng đất khác thuộc quyền sở hữu của bộ lạc.

Indian Country có ý nghĩa văn hóa và lịch sử quan trọng với các bộ lạc thổ dân da đỏ vì là nơi sinh sống, duy trì các truyền thống, thực hành văn hóa và tự trị của họ.

Đơn kiện cho biết tỉ lệ tự tử ở thanh thiếu niên các bộ tộc tại Mỹ cao gấp 3,5 đến 4 lần so với các nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc khác, theo Trung tâm Thanh niên Mỹ bản địa.

“Số vụ tự tử và bệnh tâm thần tăng vọt đã tàn phá các cộng đồng bộ tộc và đẩy các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần vốn đã thiếu kinh phí trầm trọng đến bờ vực thẳm”, trích nội dung đơn kiện.

Hai vụ kiện cáo buộc tính chất gây nghiện của các nền tảng truyền thông xã hội đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ, gồm cả trẻ em trên các khu bảo tồn.

Theo hai vụ kiện, các công ty truyền thông xã hội đã "cố tình điều chỉnh thiết kế và vận hành các ứng dụng của họ để khai thác tâm lý và thần kinh học của trẻ em" và rằng những công ty này đã lợi dụng một nhóm vốn dễ bị tổn thương.

Thông qua vụ kiện, hai bộ tộc đang tìm kiếm "giải pháp công bằng để tài trợ cho giáo dục phòng ngừa, điều trị việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội quá mức và có vấn đề" cùng những yêu cầu khác.

"Đủ rồi. Cuộn trang vô tận đang định hình lại bộ não của thanh thiếu niên chúng ta. Chúng tôi yêu cầu các tập đoàn truyền thông xã hội này chịu trách nhiệm về việc cố tình tạo các tính năng nguy hiểm làm tăng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của giới trẻ trên khu bảo tồn của chúng tôi", Gena Kakkak, nữ Chủ tịch của bộ tộc Indian Menominee tuyên bố.

2-bo-toc-kien-meta-google-tiktok-snapchat-vi-thanh-thieu-nien-co-nguy-co-tu-tu-cao-gap-4-lan.jpg
Bộ tộc Spirit Lake và Indian Menominee kiện Meta Platforms, Google, TikTok, Snapchat vì tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên bản địa cao gấp 4 lần - Ảnh: Internet

Trong một tuyên bố gửi tới trang Insider, José Castaneda - người phát ngôn của Google cho biết: "Cung cấp cho những người trẻ tuổi trải nghiệm an toàn hơn, lành mạnh hơn luôn là cốt lõi trong công việc của chúng tôi. Phối hợp với các chuyên gia về thanh thiếu niên, sức khỏe tâm thần và nuôi dạy con cái, chúng tôi đã xây dựng các dịch vụ và chính sách để cung cấp những người trẻ tuổi có trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi và cha mẹ có quyền kiểm soát chặt chẽ. Những cáo buộc trong hai vụ kiện này đơn giản là không đúng sự thật".

Meta, TikTok và Snapchat không trả lời ngay lập tức câu hỏi từ Insider.

Những vụ kiện khác đã được đệ trình liên quan đến chứng nghiện mạng xã hội, gồm cả hàng chục bang ở Mỹ kiện Meta Platforms vào năm ngoái. Tuy nhiên, bên trên là những vụ kiện đầu tiên về chứng nghiện mạng xã hội do các bộ tộc được liên bang Mỹ công nhận thực hiện, theo Robins Kaplan - công ty đã đệ trình hai vụ kiện.

"Theo cáo buộc của chúng tôi, những gã khổng lồ truyền thông xã hội này đã tạo ra hàng trăm tỉ USD doanh thu, sử dụng chiến lược tăng trưởng bất chấp chi phí, điều này gây thiệt hại cho trẻ em và thanh thiếu niên bản địa và các bộ tộc quốc gia mà họ là một phần", Tim Purdon, Chủ tịch của Nhóm Luật và Chính sách Người Mỹ Bản địa của Robins Kaplan và là luật sư chính cho hai bộ tộc, cho hay.

Thành phố New York (Mỹ) đã đệ đơn kiện Facebook, Instagram, TikTok, Snapchat và YouTube vào tháng 2, cáo buộc tính chất gây nghiện của các nền tảng này đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ.

Đáp lại, Snap Inc (công ty mẹ của Snapchat) tuyên bố với hãng tin AP: "Snapchat mở trực tiếp vào camera chứ không phải một nguồn cấp dữ liệu nội dung khuyến khích cuộn trang thụ động và không có lượt thích hoặc bình luận công khai truyền thống. Dù sẽ luôn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, chúng tôi cảm thấy hài lòng về vai trò của Snapchat trong việc giúp bạn bè thân thiết cảm thấy được kết nối, hạnh phúc và sẵn sàng để đối mặt với nhiều thách thức của tuổi vị thành niên”.

Người phát ngôn của TikTok nói với AP vào thời điểm đó: "TikTok có các biện pháp bảo vệ hàng đầu trong ngành để hỗ trợ sức khỏe của thanh thiếu niên, bao gồm các tính năng giới hạn độ tuổi, quyền kiểm soát của phụ huynh, giới hạn thời gian 60 phút tự động cho người dùng dưới 18 tuổi…".

Meta Platforms cũng cho biết công ty muốn "thanh thiếu niên có trải nghiệm trực tuyến an toàn, phù hợp với lứa tuổi" và họ có các tính năng chuyên dụng nhằm giúp đỡ trẻ em lẫn phụ huynh.

Cuối tháng 3, bốn hội đồng trường học Canada đã đòi bồi thường hơn 4 tỉ USD từ các công ty truyền thông xã hội như Meta Platforms, Snap và ByteDance trong một vụ kiện, cáo buộc rằng sản phẩm của họ gây hại cho học sinh.

"Các sản phẩm này được thiết kế một cách cẩu thả để sử dụng mà không kiểm soát được, đã điều chỉnh lại cách trẻ em suy nghĩ, hành xử và học tập", theo tuyên bố chung của bốn hội đồng trường học hôm 28.3.

Họ cho rằng điều đó đã gây ra khủng hoảng về học tập và sức khỏe tâm thần ở học sinh, dẫn đến việc các trường phải đầu tư nhiều hơn vào các chương trình hỗ trợ.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nền tảng như Facebook, Instagram có thể gây nghiện và việc sử dụng chúng trong thời gian dài có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm.

Vụ kiện ở Canada cũng gọi tên cho TikTok, nền tảng truyền thông xã hội video ngắn của ByteDance (Trung Quốc).

Vụ kiện được đệ trình bởi Hội đồng Giáo dục quận Toronto, Hội đồng Giáo dục quận Peel, Hội đồng Giáo dục Công giáo quận Toronto và Hội đồng Giáo dục quận Ottawa-Carleton.

Hơn 1.000 trường học được liên kết với bốn hội đồng này. Công ty luật Neinstein LLP có trụ sở tại thành phố Toronto (Canada) đang đại diện cho họ.

Bài liên quan
Google tiêu hủy hàng tỉ bản ghi dữ liệu duyệt web để giải quyết vụ kiện về quyền riêng tư của người dùng
Google đồng ý tiêu hủy hàng tỉ bản ghi dữ liệu để giải quyết vụ kiện cho rằng hãng đã bí mật theo dõi việc sử dụng internet của những người tưởng rằng đang duyệt web một cách riêng tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 bộ tộc kiện Meta, Google, TikTok, Snapchat vì tỉ lệ tự tử của thanh thiếu niên bản địa cao gấp 4 lần