Bất chấp các biện pháp can thiệp của chính quyền Trung Quốc, thị trường chứng khoán của nước này vẫn tiếp tục bất ổn.

Khi giới đầu tư không còn tin vào Trung Quốc

Một Thế Giới | 29/08/2015, 10:25

Bất chấp các biện pháp can thiệp của chính quyền Trung Quốc, thị trường chứng khoán của nước này vẫn tiếp tục bất ổn.

Sự bất thường này được lý giải bằng lòng tin của các nhà đầu tư vào những con số báo cáo của chính quyền Bắc Kinh. Theo các nhà kinh tế học, Bắc Kinh có thể gây ra một cuộc khủng hoảng, song lại chỉ ảnh hưởng gián tiếp tới nước này, mà các nền kinh tế đang phát triển khác tại châu Á mới là những nước bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề.
Trung Quốc thổi làn gió lo sợ tới các thị trường tài chính
Ngày 24.8 được gọi là "Ngày thứ Hai đen tối" vì toàn bộ các thị trường chứng khoán thế giới đều giảm mạnh. 
Đài Loan sụt giảm ở mức chưa từng thấy là 7,5%, và sau đó đóng cửa ở mức 4,84%. Sydney sụt mất 4,09%, thấp nhất kể từ hai năm qua, và Seoul giảm 2,47%. Chỉ số Nikkei ở Tokyo mất 3,21%, mạnh nhất từ 6 tháng qua. 
Tại Việt Nam, chỉ số VN-lndex mất gần 30 điểm, tương đương 5,28%. 
Ở châu Âu, thị trường chứng khoán Frankfurt giảm mạnh do ảnh hưởng chứng khoán châu Á và tình trạng kinh tế Trung Quốc. Chỉ số Dax lần đầu tiên xuống dưới mức 10.000 điểm, sụt 2,8%, còn chỉ số Mdax mất 3,27%. Thị trường chứng khoán Pháp cũng sụt đến 2,9%, chỉ số CAC 40 bị giảm 4 phiên liên tiếp, ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. London, Madrid, Milano đều sụt giảm tương tự. Chỉ số Euro Stoxx 50 tập hợp các công ty lớn trong khu vực đồng euro, sụt giảm 2,54%. 
Trước đó tại Wall Street, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 3,12%, tệ hại nhất từ 4 năm qua. Còn tại Trung Quốc, chỉ số tổng hợp ở Thượng Hải giảm gần 9%. Chỉ số Hằng Sinh ở Hồng Kông giảm 25% so với mức cao nhất hồi tháng 4.2015.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tức tốc tăng lãi suất để "bơm” thêm tiền vào nền kinh tế. Hôm 27.8, chứng khoán Trung Quốc có đôi chút khởi sắc và kéo theo các thị trường khác trên thế giới tăng theo. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo lắng. 
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thị trường chứng khoán thế giới lao dốc trong ngày 24.8, báo Les Echos của Pháp (chuyên về kinh tế) dẫn lời các chuyên gia nêu ra 5 lý do: 1) Tăng trưởng giảm tại Trung Quốc. 2) Biến cố Thủ tướng Hy Lạp đột ngột từ chức, cùng với nhiều cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, khiến giới đầu tư lo ngại. 3) Khủng hoảng giảm phát treo lơ lửng với động thái đồng nhân dân tệ hạ giá nhẹ. Nếu tiếp tục xu hướng này sẽ làm suy yếu đồng tiền của nhiều quốc gia đang trỗi dậy. 4) Khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 tới. 5) Cho dù kinh tế Mỹ đã phục hồi, và châu Âu bắt đầu đã khởi sắc, tình hình khó khăn tại các nước đang trỗi dậy, đè nặng lên một loạt khu vực kinh tế cơ bản (xe hơi, năng lượng, thiết bị, đồ xa xỉ...).
Trong 5 nguyên nhân trên thì đáng kể nhất, theo đánh giá của tất cả báo chí Pháp, là xuất phát từ Trung Quốc. Với Le Figaro, "khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc khiến các sàn chứng khoán thế giới hốt hoảng", còn Libération nhận định trên trang nhất "Sụp đổ thị trường chứng khoán Trung Quốc là mối đe dọa lớn", hay Les Echos cho rằng: "Thị trường chứng khoán sụp đổ" và "Trung Quốc thổi làn gió lo sợ tới các thị trường tài chính".
Bắc Kinh đã từng tung ra rất nhiều tiền để cứu vãn thị trường chứng khoán, gần đây nhất là ngày 19.8 đã bơm 100 tỉ USD cho các ngân hàng và 17 tỉ USD cho 14 định chế tài chính. Nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại. 
Ngoài việc cho rằng những hỗ trợ này không thể kéo dài, lý do chính được họ đánh giá là những dữ liệu kinh tế của Trung Quốc không đáng tin cậy. Một số người chỉ trích rằng những báo cáo của Trung Quốc có thể làm cho các nhà đầu tư bị lạc hướng qua việc tô vẽ một hình ảnh tươi đẹp của nền kinh tế.
Trung tuần tháng 8, tỉ phú người Mỹ George Soros đã bán hầu hết các cổ phiếu của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) mà quỹ đầu tư của ông đang nắm giữ.
thi truong chung khoan, thi truong tai chinh, chinh quyen Bac Kinh, Trung Quoc, nha dau tu
Tỉ phú người Mỹ George Soros đã bán hầu hết các cổ phiếu của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc)
Ben Willis, một nhà mua bán chứng khoán ở thị trường New York, cho biết: "Trước đây chúng tôi nghĩ rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 7%. Trên thực tế mức tăng trưởng chỉ vào khoảng phân nửa con số đó. Vì vậy, một sự sút giảm 50% có nghĩa là chúng ta phải định lại giá cả, và đó chính là những gì mà quý vị đang nhìn thấy trên các thị trường chứng khoán và thị trường nông khoáng sản".
Sự khuyếch trương nhanh chóng của các ngành công nghiệp quan trọng là một phần của sự tăng trưởng kinh tế trước đây chưa từng có của Trung Quốc. Nick Lardy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, cho biết so với hầu hết các nền kinh tế mới nổi khác, Bắc Kinh có một lợi thế trong việc đo lường sản lượng công nghiệp, đặc biệt là sản lượng của các công ty do nhà nước làm chủ. 
Tuy nhiên, theo ông Lardy, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giờ đây phát xuất từ khu vực dịch vụ - trong đó có nhiều công ty nhỏ hơn, đa dạng hơn, do tư nhân làm chủ và khó theo dõi hơn.
Tất cả mọi thứ, từ bán lẻ cho tới bán sỉ, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ tài chính, kể cả bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán và quản lý tài sản. Ông Lardy nói rằng kinh doanh nhà hàng là một bằng chứng rõ ràng của sự tăng trưởng trong khu vực dịch vụ. 
Ông Lardy nói các dữ liệu chính xác hơn sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc có những quyết định đúng đắn hơn đối với các vấn đề kinh tế. Nhưng ông nói rằng nhóm nhân viên thu thập dữ liệu ở Trung Quốc là hết sức nhỏ bé khi so sánh với nền kinh tế 10.000 tỉ USD đang thay đổi nhanh chóng và mỗi ngày một đa dạng hơn.
Chuyên gia Pháp Fran ois Godement, một người có tiếng ít khi chỉ trích Trung Quốc cũng khẳng định: Trung Quốc không phải là một cường quốc kinh tế. Ông cho rằng cần phải bỏ đi tâm lý "lạc quan thái quá và bi quan thái quá" đối với kinh tế Trung Quốc.
Hình ảnh Trung Hoa lục địa từ sáng chói đang rơi vào bóng mây tăm tối
Chỉ mới mấy tháng trước đây, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc làm nhiều người hồ hởi thái quá, bây giờ sau loạt phá giá đồng tiền, thị trường chứng khoán "sụp đổ", tăng trưởng mất đà và vụ nổ ở Thiên Tân, hình ảnh Trung Hoa lục địa từ sáng chói đang rơi vào bóng mây tăm tối.
Theo vị Giám đốc Chương trình châu Á - Trung Quốc của Hội đồng châu Âu về Quan hệ quốc tế ECFR thì đúng là Trung Quốc có vấn đề. Chính quyền Trung Quốc biết là phải “giải phóng" kinh tế, tự do hóa thật sự nền ngoại thương nhưng Bắc Kinh lo sợ bất trắc và tăng cường kiểm soát, can thiệp vào sinh hoạt thị trường. Vấn đề là nếu chính phủ cứ tiếp tục gặp đâu đỡ đó thì uy tín của thị trường Trung Quốc đã bị tổn thương, chính sách kinh tế trở thành mù mờ.
Trong một bài trả lời phỏng vấn của nhật báo Thụy Sĩ Le Temps, kinh tế gia người Pháp Patrick Artus nhận định tỷ lệ tăng trưởng thực thụ của kinh tế Trung Quốc không phải là 7% mỗi năm, mà chỉ vào khoảng 2% mà thôi.
Theo Wikileaks, chính ông Lý Khắc Cường, từ thời chưa làm Thủ tướng vào năm 2007, đã từng công nhận rằng không thể tin tưởng được số liệu thống kê kinh tế của Trung Quốc.
Vậy cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng thế nào tới phần còn lại của thế giới? Sẽ có hai lĩnh vực bị ảnh hưởng trong quá trình toàn cầu hóa là thương mại và tài chính. Về mặt thương mại, dễ dàng nhận thấy rằng nếu nền kinh tế Trung Quốc chững lại thì sẽ gây ảnh hưởng mạnh tới giá nguyên vật liệu và tới các nước xuất khẩu chúng, trong đó có các nước: Canada, Australia, Brazil, Nga, nhưng cũng phải tính tới những nước xuất khẩu năng lượng như các quốc gia vùng Vịnh hay Nigeria và Algeria. 
Chỉ riêng Ấn Độ có thể thoát được vì có nền kinh tế dịch vụ và cũng là một nước nhập khẩu năng lượng. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8% từ đầu năm nay. Về mặt tài chính, các thị trường cổ phiếu sụp đổ và sẽ còn làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ và đầu tư, khiến các nhà đầu tư không dám chuốc lấy rủi ro.
Các nhà kinh tế học lo ngại chính tâm lý lo sợ của chính quyền Trung Quốc, sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để ngăn việc tăng trưởng chững lại. Nhưng theo họ, Bắc Kinh có thể gây ra một cuộc khủng hoảng, song lại chỉ ảnh hưởng gián tiếp tới nước này, mà các nền kinh tế đang phát triển khác tại châu Á mới là những nước bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề.
Theo nhận định của giới chuyên gia, giữa một châu Âu không tăng trưởng và một Trung Quốc đang có dấu hiệu xuống dốc, mọi điều kiện báo động một sự suy sụp toàn cầu mới đều đã hội tụ. Dù khó có thể dự đoán được quy mô về cuộc khủng hoảng sắp tới, nhưng nó cũng sẽ nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 2008, vì các nước đã dốc hết sức lực để vực dậy từ sau sự kiện này.
Cho tới nay, cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu trên thị trường chứng khoán, nhưng hoàn toàn có thể nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng tín dụng như hồi năm 2008, vì mất lòng tin nên không ai hay tổ chức nào muốn cho vay tiền. 
Như vậy, nó sẽ lập lại các chương, hồi của bi kịch khủng hoảng tín dụng năm 2008 và những nước đang phát triển sẽ là những nạn nhân đầu tiên. Cách đây 7 năm, cuộc khủng hoảng xảy ra tại trung tâm của chủ nghĩa tư bản là Mỹ, giờ nó tác động tới một trong những lá phổi là Trung Quốc.
Mộc Thạch / An Ninh Thế giới
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi giới đầu tư không còn tin vào Trung Quốc