Lãnh đạo giao thông, đáng lý phải nêu gương thực hiện nghiêm túc luật giao thông, cả đường bộ lẫn đường thủy, lại tùy tiện bỏ qua luật định, vô trách nhiệm với mạng sống của mình và những người khác, gây khó khăn, tốn kém cho lực lượng cứu hộ.
Theo TTO, “Sáng 26.10, tàu chở đoàn kiểm tra gồm 4 người của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Trị cùng 3 người lái tàu và một chủ doanh nghiệp lên kiểm tra khu vực thượng nguồn sông Thạch Hãn thì gặp sự cố chết máy. Tàu này trôi tự do về phía đập tràn thủy lợi. Khi đến tràn, 8 người trên tàu nhảy xuống ụ bê tông nổi sát đập tràn. 7 người bám được vào ụ bê tông. Riêng ông V., chủ doanh nghiệp khai thác cát, mất tích”.
Chuyện tại nạn mùa mưa bão khó tránh khỏi. Tuy nhiên, xem hình trên báo, ai cũng ngạc nhiên. Trước hết là trên tàu gặp nạn không có áo phao. Thứ hai là cả 8 thành viên trên tàu không ai mặc áo phao. Ai cũng biết luật giao thông đường thủy quy định tất cả tàu thuyền phải có phao và áo phao cứu hộ. Người tham gia giao thông đường thủy bắt buộc phải mặc áo phao. Không có áo phao và phao cứu hộ, tàu và người không được xuất bến.
Cũng theo báo chí, chiều 27.10, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị Trần Ngọc Sơn - thừa nhận bản thân ông là trưởng đoàn cùng mọi người khi lên tàu ra giữa sông kiểm tra mà không ai mặc áo phao "vì nghĩ rằng lên tàu để đi kiểm tra trong thời gian ngắn và khoảng cách chỉ khoảng 30 mét tính từ mép bờ sông".
Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị Trần Hữu Hùng cho biết là quản lý đường thủy có tàu riêng khi đi làm việc công vụ. Tuy nhiên, từ nơi neo tàu vào đến địa điểm kiểm tra khá xa, có thể (nghĩa là chưa chắc chắn) vì thế đoàn cán bộ sở mới đi cùng tàu với doanh nghiệp. Điều này mâu thuẫn với giải thích của phó giám đốc Sở, trưởng đoàn kiểm tra là chỉ “kiểm tra thời gian ngắn và cách bờ 30m”.
Theo Sở GTVT Quảng Trị, nhiệm vụ của đoàn này là kiểm tra ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ khu vực miền Trung theo văn bản đã ban hành, kết hợp kiểm tra cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của Công ty TNHH MTV Sơn Dũng Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Nguyên Hà tại khu vực thượng lưu đập tràn, sông Thạch Hãn. Sao lại đi kiểm tra cấp giấy phép bến thủy nội địa giữa lúc bão lũ?
Việc sử dụng tàu của doanh nghiệp để đi thực hiện công vụ kiểm tra doanh nghiệp càng khó hiểu. Không biết loại tàu này có chức năng chở người hay không? Việc nhỏ mà có quá nhiều khuất tất, cần được làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn để nêu gương, lập lại kỷ cương trong ngành giao thông vận tải nói chung và đường thủy nói riêng.
Theo ông Sơn, việc ông cùng nhóm cán bộ Sở GTVT Quảng Trị đi kiểm tra trên sông Thạch Hãn vào thời điểm trên là đúng chức trách nhiệm vụ đã được lên kế hoạch trước đó. Do vậy, rất khó biện minh cho việc đột xuất quên áo phao. Nếu chỉ kiểm tra cách bờ 30m thì chẳng cần phải lên tàu. Nếu có ao phao thì chắc đã không có người mất tích. Rất may là đoàn được ứng cứu kịp thời sau 5 giờ cứu hộ vất vả.
Đoàn kiểm tra toàn lãnh đạo chủ chốt của Sở GTVT, Đoạn Quản lý Đường thủy Nội địa, công ty đang khai thác đường thủy nội địa. Nghĩa là toàn chuyên gia hàng đầu, nắm rất rõ các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Việc không mặc áo phao và không có phao cứu hộ, có người cho là chuyện nhỏ nhưng cực kỳ nguy hiểm. Điều gì sẽ xảy ra nếu thuyền bị lật hoặc gặp sự cố bất ngờ, đặc biệt là giữa mùa mưa bão? Việc này còn nguy hiểm hơn cả chuyện vượt đèn đỏ và chạy ngược chiều của giao thông đường bộ vì các phương tiện khác có thể chủ động tránh va đụng. Còn mưa lũ, gió bão không tránh ai bao giờ.
Lãnh đạo giao thông, đáng lý phải nêu gương thực hiện nghiêm túc luật giao thông, cả đường bộ lẫn đường thủy, lại tùy tiện phủ bỏ qua luật định, vô trách nhiệm với mạng sống của mình và những người khác, gây khó khăn, tốn kém cho lực lượng cứu hộ.
Việc làm này còn tạo tiền đề cho sự chủ quan, du di trong việc thực hiện luật. “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, cứ phải có người chết mới nhắc nhở, kiểm tra, rút kinh nghiệm. Sau đó, đâu lại vào đấy, tai nạn và thương vong cứ ngày mỗi gia tăng.
Cách làm tùy tiện, xem thường luật GTVT, nguy hại không kém việc lãnh đạo chơi golf trong giờ làm việc giữa mùa dịch.
Tôi nhớ lần đi khảo sát tour đường sông ở Brunei cách đây hơn chục năm. Trước khi xuất bến, cảnh sát đường thủy đến kiểm tra nút áo phao cho từng khách.
Dịch bệnh vừa giảm bớt, dù vẫn đang báo động thì bão lũ miền Trung "đến hẹn lại lên". Giữa khó khăn bủa vây, càng chứng tỏ phẩm chất, năng lực, đạo đức từng cán bộ cho đến từng tổ chức. "Hậu" dịch, mọi hoạt động sẽ thay đổi để thích nghi trong điều kiện bình thường mới. Không có chỗ cho những suy nghĩ và hành xử kiểu cũ.
Nếu không thay đổi cách làm, còn cách nào khác là phải thay đổi người làm?