Mũi vắc xin bổ sung và mũi nhắc lại giúp củng cố hệ miễn dịch của cơ thể và cũng giúp chúng ta phòng chống nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới.

Khi nào cần tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung, nhắc lại?

Theo TNO | 03/12/2021, 06:45

Mũi vắc xin bổ sung và mũi nhắc lại giúp củng cố hệ miễn dịch của cơ thể và cũng giúp chúng ta phòng chống nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới.

Phân biệt liều tiêm, mũi tiêm

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, với vắc xin COVID-19, để có miễn dịch bảo vệ, người đó cần được tiêm liều cơ bản. Sau khi tiêm vắc xin liều cơ bản, có thêm mũi tiêm bổ sung và mũi tiêm nhắc lại giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể.

Liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vắc xin hướng dẫn và thực hành tiêm chủng trong thời gian qua. Sau khi hoàn thành liều cơ bản, cơ thể sẽ có miễn dịch chống lại vi rút mà họ mong muốn được bảo vệ.

vacxin-covid-19-5359.jpg
Tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung - Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Tùy thuộc vào nhà sản xuất, liều vắc xin cơ bản có thể khác nhau. Ví dụ với vắc xin COVID-19, vắc xin Janssen 1 mũi tiêm, các vắc xin: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer/BioNTech, Moderna có liều cơ bản là 2 mũi tiêm; nhưng vắc xin Abdala của Cuba liều cơ bản gồm 3 mũi tiêm.

Thế nào là mũi tiêm bổ sung?

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy sau một thời gian, miễn dịch của cơ thể với liều cơ bản bị giảm dần. Khi đó, người dân sẽ cần tiêm mũi tăng cường.

Lúc này, 2 tình huống có thể xảy ra: tình huống thứ nhất là một số người có miễn dịch kém dù đã được tiêm liều cơ bản. Các trường hợp này có thể mắc bệnh lý bẩm sinh liên quan hệ miễn dịch, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, ung thư, HIV hoặc bệnh nhân ghép tạng đang dùng thuốc chống thải ghép… Do đáp ứng miễn dịch yếu, những người này phải được tiêm một mũi vắc xin nữa so với liều cơ bản. Đây được gọi là mũi bổ sung. Mũi tiêm bổ sung có thể chỉ cách 1 tháng sau khi tiêm mũi cuối của liều cơ bản.

Vắc xin mũi bổ sung có thể cùng loại với vắc xin đã tiêm liều cơ bản. Nhưng nếu không có vắc xin cùng loại thì mũi bổ sung có thể tiêm vắc xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna).

Ngoài ra, mũi bổ sung có thể tiêm 2-3 tháng sau mũi cuối của liều cơ bản, chứ không nhất thiết sau 1 tháng.

Mũi tiêm nhắc lại là gì?

TS.BS Phạm Quang Thái cho biết: tình huống thứ hai là với những người có sức khỏe tốt, có hệ miễn dịch cùng kháng thể ở mức cao ngay sau khi tiêm liều cơ bản. Những người này sẽ không cần tiêm mũi bổ sung. Tuy nhiên, họ có thể tiêm nhắc lại sau 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Bên cạnh đó, những trường hợp đã tiêm mũi bổ sung cũng có thể tiêm mũi nhắc lại sau 6 tháng kể từ ngày tiêm cuối cùng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 là: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung; trong đó ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

Loại vắc xin tiêm nhắc lại: nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.

Mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối của liều cơ bản

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của Hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin AstraZeneca). Về khoảng cách: tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Vắc xin sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng vắc xin để tiêm bổ sung và nhắc lại thực hiện theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện 9 loại vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19, gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell, Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen, Hayat-Vax, Abdala, Covaxin.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, cùng với sự nguy hiểm từ biến chủng mới Omicron, khuyến cáo của Bộ Y tế về mũi tăng cường có giá trị rất lớn. Mũi vắc xin tăng cường không chỉ phòng biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, nó còn giúp chúng ta phòng chống nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới từ chính nội tại quốc gia.

TS.BS Phạm Quang Thái

Bài liên quan
Mark Zuckerberg: Chính quyền Biden gây sức ép lớn để Meta xóa nội dung tiêu cực về vắc xin
Mark Zuckerberg nói với Joe Rogan trong một podcast được công bố hôm 10.1 rằng Meta Platforms đã bị chính quyền Biden gây sức ép để xóa nội dung về tác dụng phụ của vắc xin COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nào cần tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung, nhắc lại?