900.000 tỉ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đang ở ngân hàng nào, lãi suất bao nhiêu, là câu hỏi thu hút sự quan tâm tại buổi họp báo của hệ thống Kho bạc Nhà nước ngày hôm nay.
Tại họp báo kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống Kho bạc Nhà nước chiều nay (27.12), ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước) cho biết Kho bạc Nhà nước đang gửi 900.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng thương mại.
Đây là tiền tồn quỹ ngân sách trung ương, các tỉnh, huyện và hơn 100.000 số dư tài khoản... Trong đó, số dư tồn quỹ địa phương là lớn nhất, còn số dư tồn quỹ Nhà nước không lớn.
Cụ thể, Kho bạc Nhà nước đang gửi không kỳ hạn số tiền gần 700.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư 58/2019 của Bộ Tài chính. Còn khoảng 270.000 tỉ đồng số tiền còn lại được gửi có kỳ hạn 1-3 tháng tại các ngân hàng thương mại khoảng 6%.
Thông tư 58 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1.11.2019 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Theo đó, 4 loại tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại, gồm: Tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp, tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu.
Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cũng cho biết thêm: "Ngoài số tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước thì số tiền còn lại của Kho bạc Nhà nước đang gửi tại 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Kho bạc Nhà nước thực hiện đúng quy định của Nghị định 24 là gửi tại một số ngân hàng an toàn hoạt động hiệu quả".
Tính đến hết ngày 20.12.2022, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát đạt 895.195 tỉ đồng, bằng 80,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng. Đối với dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, đã bao gồm cải cách tiền lương, tinh giảm biên chế và dự toán từ năm trước chuyển sang là 1.112.194 tỉ đồng).
Trong chi đầu tư, tính đến ngày 20.12.2022, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước là 403.160,6 tỉ đồng, bằng 67,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 593.708 tỉ đồng), bằng 60,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2022 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (661.477,8 tỉ đồng).
Đặc biệt, ông Hoàng nhấn mạnh: "Ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được ưu tiên sử dụng cho ngân sách trung ương vay, từ đó, giảm chi phí vay hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Nguồn ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi còn lại (sau khi đã được sử dụng để cho ngân sách trung ương vay) được sử dụng để gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (hoạt động an toàn theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước) và mua bán lại trái phiếu chính phủ với kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng (trong đó, chủ yếu là kỳ hạn 1 tháng) thông qua phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ tốt trên thế giới và khuyến nghị của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới".
Việc đầu tư ngân quỹ nhà nước ngắn hạn trên thị trường tiền tệ qua các hình thức nêu trên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước. Tính đến hết năm 2022, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ nguồn thu nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước dự kiến gần 15.700 tỉ đồng.
Năm 2022, thu, chi ngân sách bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước lần lượt là 0,16% và 0,36%. Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ sở để Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh lộ trình "3 không", mặc dù tỷ lệ tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa vẫn cao do thói quen và hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng...