Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận vốn?
Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,78% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn, tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỉ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận thực tế hiện nay lãi suất đã ở mức rất thấp, các ngân hàng cũng đang rất muốn cho vay, đặc biệt các khách hàng tốt. Vậy vì sao đâu đó vẫn kêu lãi suất cao, khó tiếp cận vốn?
Lý giải điều này, ông Hùng cho biết, nguyên nhân là do cầu nền kinh tế thấp dẫn đến doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, xuất khẩu cũng không được vì cầu thế giới vẫn giảm... Trong bối cảnh đó, dù ngân hàng muốn cho vay nhưng doanh nghiệp cũng không sẵn sàng vay để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Về khó khăn của các ngân hàng, ông Hùng cho biết, các ngân hàng đang có vướng mắc liên quan đến Thông tư 02 về cơ cấu nợ. Do đó, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, xem xét điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo cho các tổ chức tín dụng trong giai đoạn khó khăn này có thêm nguồn lực để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế.
Về phía các doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho biết, hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP đang hoạt động chiếm hơn 98%. Các doanh nghiệp hiện đang thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.
Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15 - 20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.
Về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.
Đối với doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, muốn vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài thì sẽ được ưu tiên.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất cung ứng thực phẩm ở Hà Nội cho biết chi phí nguyên liệu cao, giá điện, xăng dầu không ổn định, đơn hàng của công ty bị sụt giảm, đầu ra khó,... Những yếu tố này đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến doanh thu giảm. Vì vậy, công ty phải tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu để có thể mở rộng được đầu ra. Khi có được đơn hàng thì điểm "mắc kẹt" của doanh nghiệp lại nằm ở vốn. Quá trình tiếp cận dòng tiền và các nguồn vốn lại gặp quá nhiều khó khăn, trong đó vấn đề làm thủ tục chiếm tới 80%.
"Các ngân hàng đề cập đến các gói bảo hiểm mới giải ngân, yêu cầu doanh nghiệp chứng minh báo cáo tài chính mấy năm qua... nên việc tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất gần như bế tắc. Để tháo gỡ về vốn, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cần có những hành động, chỉ đạo thiết thực để doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách nhanh và hiệu quả nhất", vị này cho hay.
Không chỉ riêng doanh nghiệp ngành thực phẩm, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng, hàng tồn kho, mất bạn hàng đối tác, gần đây thêm khó khăn về nguồn điện sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cần nhiều sự quan tâm về cơ chế chính sách, nguồn vốn, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới...
Vì vậy, việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp trong lúc còn khó khăn là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì mọi hoạt động đầu tư, tái thiết hệ thống sản xuất kinh doanh, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, các doanh nghiệp đề xuất cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, phân phối tiêu thụ sản phẩm. Thực tế hiện nay cho thấy dù việc hỗ trợ của ngành ngân hàng đã làm tốt, nhưng số lượng doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.
Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Tổng giám đốc ngân hàng Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, dự kiến đến hết 31.12.2023, ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 7,5% hoàn thành kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao, chủ động dùng nguồn lực tài chính để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn cho khách hàng: 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, tiết giảm chi phí làm cơ sở điều chỉnh, 5 lần giảm sàn lãi suất cho vay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 1,3% - 4%/năm tùy từng lĩnh vực. Sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3% - 1,5%/năm
Theo ông Vượng, ngân hàng giảm lãi suất trực tiếp đối với 440 nghìn tỉ đồng dư nợ hiện hữu với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 850 tỉ đồng cho 1,7 triệu khách hàng. Đến ngày 30.9 vừa qua, ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khoảng 1.000 khách hàng với hơn 8.750 khoản giải ngân, hơn 1.220 hợp đồng với doanh số cho vay đạt trên 13.300 tỉ đồng, dư nợ trên 4.560 tỉ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 77 tỉ đồng. Ngoài ra, theo rà soát của Agribank có hơn 61.000 khách hàng với dư nợ hơn 36.000 tỉ đồng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất.
Từ ngày 1.11 tới, ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ hiện hữu của khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2 về bằng với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank. Trong đó, sẽ có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm đến 3%, dự kiến sẽ dành khoảng 4 nghìn tỉ đồng để giảm lãi suất.
Về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Các ngân hàng cần đẩy mạnh triển khai các chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu vốn thực của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên, ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, của địa phương) và chỉ đạo, định hướng các tổ chức tín dụng chủ động cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay.