Cuộc chiến kéo dài tại Ukraine buộc Lầu Năm Góc phải xem xét lại kho vũ khí của mình. Họ đang phải đối mặt với câu hỏi nếu một cuộc chiến lớn khác nổ ra trong tương lai gần, liệu Mỹ có đủ vũ khí đạn dược hay không.

Kho vũ khí Mỹ có nguy cơ cạn kiệt do cuộc chiến tại Ukraine

Cẩm Bình | 26/11/2022, 10:38

Cuộc chiến kéo dài tại Ukraine buộc Lầu Năm Góc phải xem xét lại kho vũ khí của mình. Họ đang phải đối mặt với câu hỏi nếu một cuộc chiến lớn khác nổ ra trong tương lai gần, liệu Mỹ có đủ vũ khí đạn dược hay không.

Số đạn dược, từ đạn súng trường tự động cho đến tên lửa hành trình, mà Nga bắn mỗi ngày vào khoảng 20.000 đơn vị. Ukraine đáp trả bằng khoảng 7.000 đạn pháo 155mm, tên lửa phòng không Stinger, tên lửa bắn bởi hệ thống phòng không NASAMS cùng rất nhiều đạn cho vũ khí cỡ nhỏ khác.

Phần lớn hỏa lực của Ukraine từ vũ khí Mỹ viện trợ. Ngày 23.11, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố gói viện trợ bổ sung.

Tháng 10 vừa qua, Trưởng ban ngân sách Lầu Năm Góc Michael McCord phát biểu trước báo giới: “Chúng ta không lâm vào tình trạng số vũ khí quan trọng chỉ còn đủ dùng cho vài ngày, nhưng chúng ta đang viện trợ cho một đối tác gặp tình cảnh như vậy”.

Các dây chuyền sản xuất vũ khí quan trọng của Mỹ không được mở rộng để cung cấp cho một cuộc chiến lớn trên bộ. Dây chuyền sản xuất một số loại vũ khí, chẳng hạn tên lửa Stinger, trước đó đã bị đóng. Thực trạng này tạo áp lực lên kho vũ khí quốc gia.

Phát biểu tại một hội nghị ở Đại học George Mason tháng 11, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí Bill LaPlante bày tỏ lo ngại: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có thứ gì đó nổ tung ở Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM)? Không phải 5 hay 10 năm tới, mà xảy ra ngay tuần tới. Khi ấy, chúng ta có vũ khí gì, số lượng bao nhiêu, có thực sự hiệu quả không? Đây là những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra ngay lúc này”.

kho1000.jpeg
Một lô đạn pháo 155mm chuẩn bị được gửi sang Ukraine - Ảnh: AP

Có dễ bổ sung cho kho vũ khí?

Quan chức lục quân Mỹ Doug Bush cho biết số vũ khí, khí tài đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Ukraine như hệ thống pháo phóng loạt HIMARS, tên lửa Stinger, đạn pháo 155mm mà lục quân Mỹ dùng nhiều. Binh chủng này đang xem xét lại các yêu cầu về kho dự trữ.

Với các gói viện trợ quân sự, Mỹ gửi cả vũ khí trong kho lẫn cung cấp tài chính để tăng sản xuất. Đến nay Washington đã chi ít nhất 19 tỉ USD cho số 924.000 viên đạn pháo 155mm, hơn 8.500 tên lửa chống tăng Javelin, 1.600 tên lửa Stinger, 38 hệ thống HIMARS, hệ thống phòng không, hàng trăm phương tiện bay và máy bay không người lái.

Tháng qua chính quyền Tổng thống Biden đề nghị Quốc hội Mỹ cung cấp thêm 37 tỉ USD viện trợ quân sự và nhân đạo ở phiên họp sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, trước lúc đảng Cộng hòa chính thức kiểm soát Hạ viện vào tháng 1 năm sau. Nhân vật lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy nói rõ họ không ủng hộ đối với số tiền viện trợ lớn như vậy.

Ngay cả khi có tiền thì kho dự trữ cũng không thể được bổ sung nhanh chóng. Dây chuyền sản xuất một số loại vũ khí đã bị đóng từ nhiều năm trước. Việc duy trì dây chuyền sản xuất rất tốn kém, trong khi lục quân Mỹ còn các ưu tiên chi tiêu khác.

Tháng 5 vừa qua Lầu Năm Góc trao cho hãng vũ khí Raytheon hợp đồng sản xuất 1.300 tên lửa Stinger trị giá 624 triệu USD. Tuy nhiên vì thiếu linh kiện nên công ty phải đến năm sau mới có thể tăng sản lượng. Thứ trưởng LaPlante cho biết dây chuyền sản xuất Stinger ngừng hoạt động từ năm 2008 do Quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc quyết định không tài trợ nữa.

Phân tích tài liệu ngân sách trước đây của lục quân Mỹ, học giả Mark Cancian (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế) xác định 1.600 quả tên lửa Stinger viện trợ cho Ukraine chiếm khoảng 1/4 tổng kho dự trữ.

Pháo HIMARS, vũ khí được Ukraine sử dụng rất hiệu quả, cũng bị ngừng sản xuất từ năm 2014 đến 2018. Lục quân Mỹ đang nỗ lực khôi phục với mục tiêu sản xuất 8 hệ thống/tháng (tức 96 hệ thống/năm).

Nhờ chứng minh được hiệu quả tác chiến ở Ukraine, HIMARS được Ba Lan, Lithuania, Đài Loan đặt hàng. Nếu cuộc chiến hiện tại kéo dài và đạn dược dùng cho HIMARS được ưu tiên cung cấp cho Ukraine thì Mỹ sẽ không đủ đạn để huấn luyện bắn đạn thật. Lầu Năm Góc tháng 11 công bố hợp đồng 14,4 triệu USD tăng tốc độ sản xuất HIMARS để bổ sung kho dự trữ.

Theo nhà phân tích Ryan Brobst (Trung tâm Sức mạnh chính trị và quân sự): “Cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy rõ hoạt động sản xuất vũ khí của Mỹ cùng đồng minh không đủ sức đáp ứng cho một cuộc chiến trên bộ lớn”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kho vũ khí Mỹ có nguy cơ cạn kiệt do cuộc chiến tại Ukraine