Tại China Electronics Corporation - công ty chip lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến, nhiều người lo lắng về “khoảng cách ngày càng lớn” trong trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Trung Quốc với Mỹ.
Thế giới số

Khoảng cách AI của Trung Quốc với Mỹ ngày càng lớn: ‘Tất cả chúng tôi đều rất lo lắng’

Sơn Vân 06/03/2024 21:25

Tại China Electronics Corporation - công ty chip lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến, nhiều người lo lắng về “khoảng cách ngày càng lớn” trong trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Trung Quốc với Mỹ.

Trong cuộc họp bên lề hôm 5.3 của Ủy ban Chính Hiệp Toàn quốc (CPPCC) - cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc, Zeng Yi, đại biểu đứng đầu China Electronics Corporation, cho biết công ty của ông còn “một chặng đường dài” để bắt kịp Mỹ.

“Nói một cách khách quan, bất chấp những nỗ lực to lớn mà chúng ta đã và đang thực hiện, sự khác biệt của chúng ta với Mỹ vẫn rất lớn”, Zeng Yi phát biểu trước đám đông đại diện của cộng đồng khoa học và công nghệ.

Tại các cuộc họp lưỡng hội thường niên, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh khả năng tự lực về khoa học và công nghệ là chìa khóa để chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm sự phát triển đang chịu áp lực từ việc ngày càng hạn chế từ Mỹ. Zeng Yi nói công việc mà China Electronics Corporation đang làm là “đi đầu trong cuộc cạnh tranh khoa học và công nghệ Trung - Mỹ”. Thế nhưng, ông cho biết Trung Quốc vẫn đang bị tụt lại phía sau Mỹ.

Zeng Yi nói: “Theo một nghĩa nào đó, khi những phát triển mới về AI xuất hiện theo cấp số nhân, nếu không thực hiện các biện pháp mang tính quyết định và đột phá, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy khoảng cách thậm chí còn rộng hơn. Các vấn đề trong phát triển công nghệ thông tin không thể chỉ được giải quyết bằng cách tạo ra các kịch bản có thể áp dụng, cũng như không thể chỉ thông qua những đột phá trong công nghệ cụ thể, thậm chí không phải là vấn đề về tài năng và nghiên cứu cơ bản. Nó liên quan đến nhiều thứ từ mọi khía cạnh, tất cả chúng tôi đều rất lo lắng”.

Zeng Yi lãnh đạo một công ty phát triển công nghệ an ninh thông tin và mạng quốc gia, nghiên cứu và thiết kế chip, thiết bị bán dẫn, quy trình sản xuất tiên tiến và hệ điều hành.

Để phát triển công nghệ của mình, Trung Quốc đã phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu chip Mỹ và các thiết bị quan trọng khác từ phương Tây. Thế nhưng, các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công cụ quan trọng như GPU tiên tiến Nvidia, vốn chiếm tới 90% thị phần trên thị trường chip AI của Trung Quốc. Nvidia là hãng thiết kế chip AI hàng đầu thế giới và hiện có vốn hóa thị trường cao thứ ba thế giới, chỉ sau Microsoft và Apple.

Giờ đây, cả công ty nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc đều đang chịu áp lực phải tăng cường phát triển công nghệ trong nước.

So với chip, ngành công nghiệp AI của Trung Quốc được coi là có tính cạnh tranh cao hơn trong cuộc đua công nghệ đa dạng giữa hai nước. Thế nhưng, việc OpenAI ra mắt Sora (mô hình chuyển văn bản thành video chân thật) gần đây đã đặt ra những câu hỏi về tiến độ của Trung Quốc trong việc bắt kịp Mỹ.

Để đối phó, các hãng công nghệ Trung Quốc vốn khẳng định rằng hạn chế về chip sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển AI của họ trong thời gian ngắn, đã dựa vào lượng hàng tồn kho hiện có hoặc chuyển sang các nhà sản xuất chip AI trong nước. Tuy nhiên, sau khi Sora trình làng vào tháng trước, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Quốc vụ Viện, quản lý các công ty như China Electronics Corporation, đã kêu gọi các công ty trực thuộc chính phủ “nắm bắt những thay đổi sâu sắc do AI mang lại”.

Xét về sức mạnh tính toán toàn cầu (gồm cả sức mạnh tính toán thông minh từ chip AI), Trung Quốc đứng thứ hai với 33%, sau Mỹ (34%), trước châu Âu và Nhật Bản, lần lượt là 17% và 4%, theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc.

Các hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei, ZTE đã đầu tư rất nhiều vào việc nghiên cứu và phát triển chip AI.

Theo trang SCMP, Huawei được xác định là đối thủ tiềm năng của Nvidia trong lĩnh vực chip AI, sau khi chipset AI mới của công ty Trung Quốc là Ascend 910B được cung cấp thông qua các kênh phân phối ở nước này.

Huawei cho thấy khả năng phục hồi của mình khi gây bất ngờ cho thế giới vào tháng 8.2023 bằng việc trình làng Mate 60 Pro, smartphone 5G đầu tiên của công ty kể từ dòng Mate 40 ra mắt hồi tháng 10.2020. Doanh số cao của Mate 60 Pro đã đưa Huawei trở lại vị trí hàng đầu thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc vào đầu năm 2024.

Được SMIC sản xuất theo tiến trình 7 nanomet, chip Kirin 9000s trong Mate 60 Pro làm dấy lên suy đoán về cách thức Huawei vượt qua lệnh cấm chip của Mỹ.

Ascend 910B dường như xuất hiện cùng thời điểm Mate 60 Pro trình làng. Theo hãng tin Reuters, gã khổng lồ tìm kiếm Baidu đã đặt mua 1.600 chiếc Ascend 910B từ Huawei.

khoang-cach-ai-cua-trung-quoc-voi-my-ngay-cang-lon-tat-ca-chung-toi-deu-rat-lo-lang-.jpg
Zeng Yi nói với CPPCC rằng khi những phát triển mới về AI xuất hiện, Trung Quốc có nguy cơ nhìn thấy khoảng cách thậm chí còn lớn hơn với Mỹ nếu không thực hiện các biện pháp quyết định và đột phá - Ảnh: Reuters

Hôm 5.3, Trung Quốc cam kết huy động toàn bộ nguồn lực của quốc gia để thúc đẩy các đột phá khoa học trong nước, tái khẳng định ưu tiên cốt lõi là tự chủ trong các lĩnh vực từ AI đến sản xuất chip để giành lấy vị trí thống trị công nghệ từ Mỹ.

Theo báo cáo công việc của chính phủ đệ trình lên cơ quan lập pháp quốc gia, Trung Quốc đặt ra mục tiêu lâu dài là phá vỡ sự kìm kẹp của Mỹ trên các lĩnh vực then chốt. Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho nghiên cứu khoa học và công nghệ thêm 10% lên 370,8 tỉ nhân dân tệ (51,5 tỉ USD) vào năm 2024, thúc đẩy các công ty hàng đầu quốc gia và trao cho các doanh nghiệp vai trò trung tâm trong việc dẫn đầu các tiến bộ, theo các tài liệu được hãng tin Bloomberg xem xét kỹ lưỡng.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát của nhà nước với các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược, từ sản xuất chất bán dẫn đến điện toán lượng tử. Các cấp phó của ông Tập Cận Bình đã khởi xướng cách tiếp cận toàn dân để thúc đẩy tiến bộ công nghệ, về cơ bản là điều phối nỗ lực toàn quốc nhằm phân bổ nguồn lực nhằm phá vỡ sự kìm kẹp của Mỹ với công nghệ quan trọng. Theo báo cáo, cả nước Trung Quốc đã chi 3.300 tỉ nhân dân tệ cho nghiên cứu cơ bản vào năm 2023, chiếm khoảng 2,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

“Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của hệ thống mới để huy động các nguồn lực trên toàn quốc nhằm nâng cao năng lực đổi mới của Trung Quốc trên diện rộng. Chúng tôi sẽ tập hợp sức mạnh khoa học và công nghệ chiến lược của đất nước cũng như các nguồn lực đổi mới phi chính phủ để tạo ra những đột phá về công nghệ cốt lõi trong các lĩnh vực then chốt, đẩy mạnh nghiên cứu về các công nghệ đột phá và tiên phong”, theo báo cáo do Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường gửi tới các nhà làm luật hôm 5.3 tại thủ đô Bắc Kinh.

Dù phát ngôn này phần lớn lặp lại những tuyên bố trước đây của Trung Quốc, các nhà quan sát nhìn thấy sự nhấn mạnh hơn trước vào các lĩnh vực chính như công nghệ tiên tiến và năng lượng mới, gồm cả hệ sinh thái ô tô điện. Tuyên bố đó cũng nhấn mạnh hơn vào việc đào tạo nhân tài để thúc đẩy "lực lượng sản xuất mới", gồm cả khoa học tiên tiến.

Theo các nhà phân tích tại hãng Soochow Securities, báo cáo công việc của ông Lý Cường đã đề cập đến từ “công nghệ” 26 lần, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vô số thách thức trong năm 2024, gồm cả cách chống lại chiến dịch của Mỹ nhằm nhằm ngăn chặn sự tiến bộ của họ trong lĩnh vực công nghệ như chip và AI, được coi là quan trọng với tương lai đất nước. Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng khi các nhà sản xuất chip trong nước gặp khó khăn để có được thiết bị họ cần để leo lên các bậc thang công nghệ, còn các nhà phát triển bị ngăn tiếp cận chip AI Nvidia tiến tiến, vốn đã trở thành tiêu chuẩn để đào tạo và lưu trữ các nền tảng AI tạo sinh giống mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã ủng hộ nỗ lực của các hãng hàng đầu trong nước như Huawei, công ty khiến Mỹ choáng váng vào năm ngoái khi thiết kế ra chip tiên tiến hơn những gì chính quyền Biden nghĩ. Đó là chip Kirin 9000s hỗ trợ 5G trong smartphone Huawei Mate 60 Pro. Chính phủ Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của các hãng công nghệ hàng đầu trong nước như SMIC thông qua các khoản trợ cấp và chính sách.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự dịch chuyển sản xuất ngày càng tăng khi Apple và các thương hiệu Mỹ khác đặt nhà máy mới tại các quốc gia từ Ấn Độ đến Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc.

Vào năm ngoái, nhiều cơ quan chính phủ và công ty nhà nước ở Trung Quốc yêu cầu nhân viên tránh sử dụng iPhone cùng các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài khác tại nơi làm việc, điều này làm suy yếu sức hấp dẫn của thị trường này với các công ty nước ngoài.

Bài liên quan
Mỹ trừng phạt nhà máy sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc đứng sau Huawei Mate 60 Pro
Chính quyền Biden đang gây áp lực lên SMIC (hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc) bằng cách chặn nhà máy tiên tiến nhất của họ nhập khẩu thêm linh kiện từ Mỹ. Động thái này diễn ra sau khi SMIC sản xuất chip Kirin 9000s cho dòng smartphone Mate 60 của Huawei.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoảng cách AI của Trung Quốc với Mỹ ngày càng lớn: ‘Tất cả chúng tôi đều rất lo lắng’