Facebook và Instagram (thuộc sở hữu của công ty Meta Platforms) đã hoạt động trở lại sau hơn hai giờ bị lỗi do sự cố kỹ thuật và ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng trên toàn cầu.
Thế giới số

Facebook và Instagram hoạt động trở lại sau sự cố lớn, nhiều nhân viên sợ mất việc, Elon Musk mỉa mai Meta

Sơn Vân 06/03/2024 07:21

Facebook và Instagram (thuộc sở hữu của công ty Meta Platforms) đã hoạt động trở lại sau hơn hai giờ bị lỗi do sự cố kỹ thuật và ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng trên toàn cầu.

Sự gián đoạn bắt đầu lúc hơn 22 giờ ngày 5.3 (giờ Việt Nam), với nhiều người dùng cho biết bị đăng xuất khỏi Facebook, Instagram và không thể đăng nhập vào lại hai mạng xã hội này.

facebook-va-instagram-hoat-dong-tro-lai-sau-su-co-lon-nhieu-nhan-vien-so-mat-viec-elon-musk-mia-mai-meta.jpg
Rất nhiều người dùng Facebook bị đăng xuất tối qua - Ảnh chụp màn hình

Theo hãng tin Reuters, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng đang theo dõi vụ việc và không biết về bất kỳ hoạt động mạng độc hại cụ thể nào vào thời điểm này.

Thời điểm cao điểm, đã có hơn 550.000 báo cáo về sự gián đoạn của Facebook và khoảng 92.000 báo cáo với Instagram, theo Downdetector.

Downdetector là trang web chuyên theo dõi sự cố mạng và gián đoạn dịch vụ. Trang web này thu thập các báo cáo tình trạng từ người dùng trên khắp thế giới để cung cấp thông tin về việc mạng xã hội hoặc dịch vụ trực tuyến của các công ty gặp sự cố.

“Đầu ngày hôm nay (sáng 5.3 theo giờ Mỹ - PV), một sự cố kỹ thuật đã khiến mọi người gặp khó khăn khi truy cập một số dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề này cho tất cả những người bị ảnh hưởng”, Andy Stone, phát ngôn viên của Meta Platforms, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) mà không nêu rõ vấn đề.

Meta Platforms không phản hồi ngay lập tức câu hỏi của Reuters tìm kiếm thêm thông tin chi tiết về vấn đề kỹ thuật.

Không riêng ở Việt Nam, hàng trăm triệu người dùng trên thế giới cho biết không thể truy cập trở lại Facebook, Instagram nên phải vào các mạng xã hội và dịch vụ nhắn tin khác như X, Telegram, Viber, Zalo... để thông báo. Một số thậm chí phải sử dụng phương pháp gọi điện và nhắn tin truyền thống để duy trì liên lạc.

Tình trạng người dùng đổ dồn sang Zalo khiến ứng dụng này bị quá tải. Gần 23 giờ tối 5.3, nhiều người sử dụng Zalo tại Việt Nam phản ánh gặp khó khăn khi nhắn tin, đặc biệt ở bản web.

Lần gần nhất các dịch vụ của Meta Platforms gặp sự cố lớn như vậy là từ tháng 10.2021, kéo dài trong suốt 6 tiếng. Người dùng không thể truy cập các dịch vụ của công ty Mỹ trên mọi nền tảng và ở nhiều khu vực toàn cầu. Thời điểm đó, Meta Platforms cho biết vấn đề xảy ra do "lỗi cấu hình" trên hệ thống.

Năm 2019, phiên bản web của Facebook cũng mất kết nối trong 24 tiếng.

Meta Platforms hiện có khoảng 3,19 tỉ người dùng hoạt động hàng ngày trên các ứng dụng của mình, bao gồm cả Facebook, Instagram, WhatsApp và Threads.

Bảng tình trạng của Meta Platforms trước đó cho thấy giao diện lập trình ứng dụng cho WhatsApp Business cũng gặp vấn đề.

Tuy nhiên, tình trạng ngừng hoạt động của WhatsApp và Threads nhỏ hơn nhiều, theo Downdetector. Downdetector chuyên theo dõi sự cố bằng cách tập hợp báo cáo tình trạng từ nhiều nguồn khác nhau, gồm cả người dùng.

Một số nhân viên Meta Platforms cho biết trên ứng dụng nhắn tin ẩn danh Blind rằng không thể đăng nhập vào hệ thống làm việc nội bộ của mình, điều này khiến họ tự hỏi liệu mình có bị sa thải hay không, theo các bài đăng mà Reuters nhìn thấy.

Các mạng xã hội và ứng dụng Meta Platforms ngừng hoạt động là một trong những chủ đề thịnh hành nhất trên X. Trong đó, Elon Musk (chủ sở hữu X) đã mỉa mai Meta Platforms bằng một bài đăng có nội dung: "Nếu bạn đang đọc được bài đăng này thì đó là vì máy chủ của chúng tôi đang hoạt động".

Bản thân X từng phải đối mặt với một số gián đoạn với dịch vụ của mình sau khi Elon Musk mua lại công ty truyền thông xã hội Mỹ này với giá 44 tỉ USD hồi tháng 10.2022. X gặp sự cố ngừng hoạt động vào tháng 12.2023, ảnh hưởng đến hơn 77.000 người dùng ở nhiều quốc gia, từ Mỹ đến Pháp.

Nhiều nhân viên Meta Platforms sợ bị sa thải vì không thể đăng nhập vào hệ thống làm việc nội bộ

Thời gian qua, Meta Platforms tiếp tục cắt giảm nhân sự khiến nhiều nhân viên lo sợ khi không thể đăng nhập vào hệ thống làm việc nội bộ của mình tối qua (giờ Việt Nam).

Trong cuộc phỏng vấn trên podcast Morning Brew Daily giữa tháng 2, Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) cho biết các công ty vẫn đang điều chỉnh để thích nghi với thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, doanh số bán lẻ trực tuyến tăng vọt, điều này đã mang lại lợi nhuận lớn cho quảng cáo trực tuyến. Song khi người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại mua sắm tại cửa hàng và nền kinh tế bắt đầu thích ứng với sự biến động cùng thách thức mà đại dịch tạo ra, sự tăng trưởng doanh số bán hàng giảm và giá quảng cáo trở lại mức bình thường. Nhiều công ty, gồm cả Meta Platforms, nhận ra rằng đã tuyển dụng quá mức và phải thực hiện các đợt cắt giảm nhân sự lớn.

Đó là làn sóng sa thải nhân viên đầu tiên.

“Về việc sa thải nhân viên và những thứ tương tự, tôi thực sự nghĩ rằng nguyên nhân nhiều hơn là do các công ty đang cố gắng thích ứng để vượt qua những khó khăn và thay đổi do tác động từ đại dịch COVID-19”, Mark Zuckerberg trả lời trong cuộc phỏng vấn khi được hỏi liệu việc sa thải có liên quan đến sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) hay không.

Ông nói rằng các công ty ban đầu không muốn thu hẹp quy mô nhân viên vì tuyển dụng quá nhiều, nhưng giờ đây họ nhận ra rằng việc tinh gọn hơn có thể mang lại lợi ích.

Theo Giám đốc điều hành Meta Plaforms, nhiều hãng công nghệ cuối cùng hiểu rằng việc thực hiện cắt giảm nhân sự không phải là dấu hiệu cho sự kết thúc hay thất bại, mà ngược lại có thể mang lại những lợi ích và làm cho bộ máy trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn.

Tỷ phú 39 tuổi người Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn: “Rõ ràng là rất khó khăn, Meta đã chia tay rất nhiều người tài năng mà chúng tôi quan tâm. Song ở một khía cạnh nào đó, việc trở nên tinh gọn hơn thực sự lại giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn”.

Sau khi Meta Platforms cắt giảm hàng chục ngàn nhân viên bắt đầu từ “năm hiệu suất (2023)” của Mark Zuckerberg, cổ phiếu công ty đã trở lại với mức cao nhất từ trước đến nay.

Mark Zuckerberg đã cắt giảm các lớp quản lý như một phần của nỗ lực nâng cao hiệu quả này. Instagram đang loại bỏ những người quản lý chương trình kỹ thuật và vai trò đó cũng đang bị cắt giảm trên các bộ phận khác của Meta Platforms.

Trong podcast Morning Brew Daily, Mark Zuckerberg cho biết các công ty ngày nay vẫn đang trong giai đoạn suy nghĩ về tính hiệu quả. Nhiều hãng đang cân nhắc việc tái cơ cấu công ty, san phẳng các cấp quản lý và chuyển sang mô hình tinh gọn hơn.

Các công ty như Microsoft và Google tiếp tục thu hẹp quy mô dù có doanh thu vững chắc. Một số giám đốc điều hành, gồm cả ở Amazon, đã đề cập đến kế hoạch tái cơ cấu công ty và đầu tư vào các lĩnh vực có AI.

Thế nhưng, Mark Zuckerberg không nghĩ AI là một yếu tố lớn dẫn đến quá trình điều chỉnh và cắt giảm nhân sự hiện tại.

“Ít nhất với chúng tôi, AI không phải là động lực chính cho điều đó. Đầu tiên là việc tuyển dụng quá mức so với nhu cầu thực tế của công ty và sau đó là cảm giác như chúng ta hãy làm công việc tốt nhất có thể bằng cách tạo ra một công ty tinh gọn", ông nói.

Bài liên quan
Giám đốc AI cảnh báo Mark Zuckerberg rằng Facebook có thể lạc hậu nếu không bắt kịp ChatGPT
Yann LeCun, Giám đốc AI của Meta Platforms, từng cảnh báo Mark Zuckerberg rằng ChatGPT có thể gây rắc rối cho công ty truyền thông xã hội này và ông cần phải hành động nhanh chóng trước khi quá muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Facebook và Instagram hoạt động trở lại sau sự cố lớn, nhiều nhân viên sợ mất việc, Elon Musk mỉa mai Meta