Dù vẫn đang nợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng 114,8 triệu USD chưa trả được nhưng Tổng công ty Sông Đà vẫn xin làm một số dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Tổng công ty Sông Đà mới đây đã đề xuất Bộ Xây dựng xin được chỉ định thầu làm một số dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Sau đó, Bộ Xây dựng đã có đề xuất khi Chính phủ có chủ trương chuyển một số dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư PPP (hợp tác nhà nước và tư nhân) sang đầu tư công.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.
Đề xuất này của Tổng công ty Sông Đà đã gây chú ý dư luận vì doanh nghiệp này thời gian qua gặp khó khăn nhiều về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay và chi phí cho vay lại.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp này, Bộ Xây dựng trước đó đã đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ tổng công ty trả nợ vay hàng trăm triệu USD tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tổng công ty Sông Đà đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD (tương đương với khoảng hơn 2.600 tỉ đồng) nhưng không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Trong đó, Công ty mẹ vay 73,9 triệu USD, Công ty CP ximăng Hạ Long vay 25,59 triệu USD, Công ty CP thủy điện Cần Đơn vay 5 triệu USD, Công ty CP Sông Đà 4 vay 3 triệu USD…
Riêng nợ gốc, lãi vay, phí cho vay lại đến hạn của Tổng Công ty tạm tính khoảng 6,1 triệu USD. Do Tổng Công ty không có tiền trả nợ ADB, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho Tổng Công ty được gia hạn thời gian trả nợ một năm.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp này đang đứng trước những khoản nợ lớn. Nợ phải trả của Tổng Công ty tính đến cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỉ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty là khoảng 2,8 lần, xấp xỉ mức báo động rủi ro tài chính (3 lần).
Tuyết Nhung