Nhiều ý kiến đặt câu hỏi về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát trong nội thành và cho rằng nếu tiếp tục tình trạng như vậy, thành quả chống dịch, nỗ lực thực hiện giãn cách xã hội của TP.HCM sẽ bị bỏ phí.

Không để thành quả, nỗ lực chống dịch của TP.HCM bị bỏ phí

Lam Thanh | 16/08/2021, 21:51

Nhiều ý kiến đặt câu hỏi về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát trong nội thành và cho rằng nếu tiếp tục tình trạng như vậy, thành quả chống dịch, nỗ lực thực hiện giãn cách xã hội của TP.HCM sẽ bị bỏ phí.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 16.8, các thành viên ban chỉ đạo, chuyên gia đánh giá tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo giao cho Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, kiểm soát chặt chẽ khu vực 8 tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang), không để dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài và các địa phương khác; tổ chức kiểm soát thật chặt chẽ khu vực các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận không để dịch từ các tỉnh phía nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 lây lan ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

vdd.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 phải có sự thống nhất với các địa phương khác về việc đưa đón người dân từ khu vực có dịch trở về quê. Theo Phó thủ tướng, cần tổ chức chặt chẽ, an toàn, chu đáo và đặc biệt phải chú ý ưu tiên để đưa, đón phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh và những phụ nữ đang nuôi con nhỏ.

“Do một số địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 nhiều ngày nên đời sống bà con nhân dân, kể cả những người trước đây chưa thuộc diện nghèo, khó khăn thì có thể đã và đang rất khó khăn. Do đó, các tỉnh, thành phố cần triển khai thực chất các gói hỗ trợ theo quy định của Trung ương cũng như các gói hỗ trợ và sự chi viện cần thiết từ cộng đồng, bảo đảm không có người dân nào bị thiếu đói, thiếu chỗ ở, đều nhận được sự trợ giúp y tế khi có yêu cầu”, Phó thủ tướng nêu.

Tại cuộc họp, các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin triển khai tại TP.HCM chưa vận hành thông suốt gây tập trung đông người.

Đáng chú ý, hàng nghìn lao động ngoại tỉnh đã dồn về một số cửa ngõ từ TP.HCM đi sang tỉnh khác sau khi thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 1 tháng. Một trong những nguyên nhân chính là TP.HCM chưa triển khai đồng bộ, thông tin kịp thời về những chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm bảo đảm mọi người dân, nhất là người lao động ngoại tỉnh đang không có việc làm có chỗ ở, được trợ cấp về lương thực, được chăm sóc y tế cần thiết.

Các ý kiến cũng đặt câu hỏi về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát trong nội thành và cho rằng nếu tiếp tục tình trạng như vậy, thành quả chống dịch từ nhiều tuần trước đây của TP.HCM sẽ bị bỏ phí. Ngoài ra, những người tự phát rời TP.HCM về các địa phương nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ trở thành những nguồn lây nhiễm mới.

Các ý kiến cho rằng thực tế, phần lớn ổ dịch xuất hiện tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều có liên quan đến những người đi về từ vùng dịch ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Khi kiểm soát được số người về từ các địa phương có dịch thì tình hình dịch bệnh ở các tỉnh Tây Nam Bộ đã diễn biến theo chiều hướng tốt hơn.

Về tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh ở một tỉnh, thành phố để dừng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các chuyên gia cho rằng cần phân làm 2 nhóm. Thứ nhất là các tỉnh, thành phố chưa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thứ hai là các tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trong một thời gian thì Bộ Y tế cần hoàn thiện các tiêu chí cụ thể để một địa phương được coi là đã kiểm soát được dịch bệnh. Ví dụ như về số ổ dịch mới phát sinh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây hoặc chưa xác định được ngay tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm trong một khoảng thời gian; năng lực chuẩn bị và tỷ lệ sử dụng thực tế của các khu thu dung, điều trị F0.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất giao Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương, để chính thức có hướng dẫn về các tiêu chí xác định khi nào một tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh và được dừng thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn.

Thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận về thực tế vừa qua Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối xây dựng các công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chống dịch, tích hợp thành một nền tảng dùng chung thống nhất. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng và hoàn thiện các ứng dụng chưa đáp ứng tốt yêu cầu phòng chống dịch. Một số ứng dụng khi triển khai chưa được vận hành ổn định, thông suốt, chưa được liên thông tích hợp…

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương phát triển những công cụ chống dịch bám sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, thống nhất, thông suốt toàn hệ thống; thuận lợi, dễ sử dụng với người dân; tránh tình trạng cát cứ thông tin, quá nhiều ứng dụng không liên thông, tích hợp.

Bài liên quan
Hà Nội thêm 1 ca nhiễm COVID-19 mới và lập 6 tổ liên ngành kiểm soát người dân ra đường
Tối ngày 16.8, Hà Nội chỉ ghi 1 ca dương tính mới phát hiện tại cộng đồng, nâng tổng số ca trong ngày lên 46 ca.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để thành quả, nỗ lực chống dịch của TP.HCM bị bỏ phí