Việc phá rừng đặc dụng ở Nam Hải Vân đã vào nghị trường HĐND TP.Đà Nẵng. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Xuân Anh đã cảnh báo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phú Ban: “Chặt một cái cây phải trả giá, mà anh Ban giữ không được (rừng) thì anh Ban phải trả giá”.

Không giữ được rừng, Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng phải 'trả giá'

Lê Đình Dũng | 11/08/2016, 15:04

Việc phá rừng đặc dụng ở Nam Hải Vân đã vào nghị trường HĐND TP.Đà Nẵng. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Xuân Anh đã cảnh báo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phú Ban: “Chặt một cái cây phải trả giá, mà anh Ban giữ không được (rừng) thì anh Ban phải trả giá”.

>>Kiểm lâm Đà Nẵng ấp úng khi bị chất vấn việc phá rừng ngay trên hầm Hải Vân

>>Đà Nẵng truy trách nhiệm Hạt kiểm lâm để dân phá rừng đặc dụng Nam Hải Vân

Chỉ xâm hại chứ không phá rừng?

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 sáng nay (11.8), liên quan đến trách nhiệm giữ rừng của Sở NN-PTNT, đại biểu Trần Thắng Lợi chất vấn Giám đốc Nguyễn Phú Ban: “Từ tháng 2.2016, các cơ quan chức năng phát hiện xâm hại rừng ở bán đảo Sơn Trà ở 3 vị trí gồm: khu vực Đá Đen, khu vực Suối Đôi (tiểu khu 62), khu vực Hố Sâu, sau đó phát hiện thêm ở khu vực Trường Mai (tiểu khu 63).

Mới đây lại phát hiện vụ xâm hại rừng tự nhiên ở tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân, phía trên hầm đường bộ Hải Vân, là công trình bảo vệ mục tiêu quốc gia không được phép xâm hại.Đề nghị Sở cho biết đã xử lý các đối tượng cá nhân liên quan như thế nào? Cho hỏi có hay không việc buông lỏng quản lý, nhất là kiểm lâmbiết nhưng làm ngơ, saukhi báo chí phát hiện mới xử lý?”.

Rừng đặc dụng trên hầm Hải Vân bị người dân mở đường, chặt cây nhưng kiểm lâm không ngăn cản triệt để.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Phú Ban cho rằng: “Việc phá rừng khai thác lâm sản là không có, nhưng xâm hại rừng là có”.

Theo ông này, quản lý rừng Sơn Trà hiện giờ gồm Hạt kiểm lâm Sơn Trà, UBND phường Thọ Quang, BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà hiện có 26 dự án, trong đó 11 dự án công cộng, 15 dự án cho du lịch, diện tích đã thu hồi 1.306 ha, trong đó đã quyết định phê duyệt thu hồi là 700 ha.

Vụ xâm hại rừng ở tiểu khu 62 Sơn Trà, ông Ban cho biết có phát hiện cả người nhà của lực lượng kiểm lâm. “Sau khi phát hiện 2 ngày chúng tôi tiến hành kiểm điểm, 1 tháng thì cách chức trưởng và phó hạt kiểm lâm và thay thế đội ngũ cán bộ”.

Về vụ phá rừng đặc dụng ở tiểu khu 11 Nam Hải Vân mà báo Một Thế Giới phát hiện và phản ánh, ông Ban giải trình với HĐND: “Vụ này cũng khai thác rừng theo diện giao khoán rừng. Vì xu thế trước đây là làm thế nào rừng phải có chủ, nhưng lúc đó trồng rừng chưa có giá trị nên người ta ít làm. Những năm gần đây trồng rừng có giá nên người ta làm nhiều. Cái này dolịch sử để lại, nhưng giờ phải làm nghiêm ngặt”.

Cây trong rừng đặc dụng bị đào, chặt ngan ngát.

Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho hay, sau khi phân cấp thì rừng này giao cho quận Liên Chiểu quản lý, kiểm lâm giám sát.

Đặc biệt, chúng tôiphát hiện cán bộ kiểm lâm địa bàn P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu), được giao quản lý rừng khu vực tiểu khu 11 là ông Lê Văn Hải, người bị điều chuyển cùng hàng loạt cán bộ khác sau vụ phá rừng ở bán đảo Sơn Trà.

Việc này cũng được Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và đại biểu Trần Thắng Lợi chất vấn ông Ban ngay tại nghị trường.

“Hình như kiểm lâm bảo vệ rừng này điều từ Sơn Trà về phải không?”, ông Xuân Anh hỏi. Tuy nhiên, ông Ban nói không có và khẳng định các cán bộ kiểm lâm liên quan sai phạm ở Sơn Trà đều điều chuyển về Hòa Vang.

Đại biểu Trần Thắng Lợi tiếp tục chất vấn: “Kiểm lâm địa bàn ở Nam Hải Vân có thông tin chính xác là bị kỷ luật điều chuyển từ Sơn Trà về Liên Chiểu, nếu đúng là đồng chí đó thì vi phạm có tính hệ thống, đề nghị Giám đốcSở kiểm tra lại. Thứ hai, trong hơn 62 ha rừng giao khoán của ông Hòe thì có 3 ha rừng tự nhiên cấm xâm hại, vừa rồi chúng tôi đi kiểm tra thấy máy đào xâm phạm vào 3.000m2, đề nghị cho biết xử lý như thế nào?”.

Ông Ban tiếp tục lúng túng, có lúc khẳng định không có kiểm lâm nào được điều chuyển từ Sơn Trà về Liên Chiểu, lúc lại nói chưa nắm rõ, chờ kiểm tra xem sao.

“Không phải vô cớ tôi hỏi anh là có phải hay không. Không phải tôi không biết, nhưng anh phải kiểm tra lại để nói có hay không. Theo tôi biết là có”, ông Xuân Anh cho hay.

Không giữ được rừng thì anh Ban phải trả giá

Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT kiểm tra lại việc phá vào rừng tự nhiên của ông Trần Viết Hòe. “Quan điểm là nếu có sai thì nhận thôi, chả có vấn đề gì mà anh phải ngại cả”.

Ông Xuân Anh cũng cho rằng nếu kiểm lâm viên liên tục vi phạm dù bị điều chuyển thì phải xử lý thẳng tay. “Phải xem lại con người, giải pháp tốt mà kiểm lâm tiếp tay với lâm tặc thì cuối cùng vẫn không đạt được mục đích. Nếu có thì buộc phải cách chức, thôi việc, phải làm mạnh lên nữa, không nhân nhượng. Việc này anh Ban phải kiểm tra lại, nếu có phải xử lý nghiêm cán bộ này; một lần ở Sơn Trà rồi, giờ về Liên Chiểu lại vậy nữa”.

Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh Giám đốc Sở NN-PTNT phải trả giá nếu để rừng bị phá.

Bí thư Đà Nẵng tuyên bố: “Không ai được đến Đà Nẵng chặt phá cây nào cả, dù là ai đi nữa thì vẫn phải xử lý nếu vi phạm. Mình còn mấy cánh rừng thôi, mà toàn rừng đặc dụng phải bảo vệ nghiêm ngặt không thôi. Là lá phổi của thành phố, những khu vực nói trên đều không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào được vào mà chặt phá rừng. Chặt một cái cây phải trả giá, mà anh Ban giữ không được cái này (rừng) thì anh Ban phải trả giá”.

Như phản ánh trên Một Thế Giới, ông Trần Viết Hòe, chủ rừng giao khoán ở tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân đã cho người đưa máy mở đường vào chặt rừng tự nhiên nằm trong đất giao khoán của ông này. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay và các văn bản mà kiểm lâm đã ban hành đều nghiêm cấm ông Hòe phạm vào diện tích rừng tự nhiên trên. Thế nhưng, dù khu rừng nằm trên hầm Hải Vân và không xa Hạt kiểm lâm Liên Chiểu nhưng ông Hòe vẫn cho máy vào mở đường tự nhiên, cho người chặt hạ cây ngan ngát.

Về giải pháp tăng cường bảo vệ rừng trên địa bàn trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng đề xuất: Thứ nhất, đề nghị các đơn vị phải nghiêm ngặt trồng rừng thay thế sau khi được cấp phép khai thác khoáng sản. Thứ hai, những khu vực có rừng mà cấp phép kinh doanh trong rừng thì Sở KH-ĐT phải lưu ý, hỏi quan sở NN-PTNT.

Thứ ba là việc cấp phép kinh doanh chế biến gỗ nên hạn chế. Hiện Đà Nẵng có 162 cơ sở chế biến gỗnên phải phúc kiểm lại để điều chỉnh. Thứ tư, đề nghị đại biểu HĐND giám sát việc trồng rừng thay thế, giám sát các đơn vị doanh nghiệp về việc nộp phí để trồng rừng.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không giữ được rừng, Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng phải 'trả giá'