Do không được rơ miệng thường xuyên, bé trai 1,5 tháng tuổi bị nhiễm trùng vùng khoang miệng dẫn tới viêm mô tế bào hóa mủ nặng được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy hiểm.
Ngày 13.3, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM) cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận và cứu sống kịp thời bé trai 1,5 tháng tuổi bị viêm mô tế bào hóa mủ nặng vùng má trong tình trạng nguy hiểm do không được người nhà thường xuyên rơ miệng.
Theo bác sĩ Tiến, bé trai này là cháu L. H. P. (1,5 tháng, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao liên tục, vùng gò má phải sưng đỏ lan lên mắt phải, vùng trán phải.
Được biết, trước đó 5 ngày bé bị sốt, sưng mắt, gò má phải được đưa đến khám, điều trị tại một bệnh viện địa phương nhưng không giảm nên người nhà chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Tại đây, các bác sĩ tiến hành soi khoang miệng, hầu họng thì phát hiện khối mủ phập phều vùng hàm trên phải lan rộng ra phía trước cung lợi trên bên phải, có một lỗ dò mủ bên trong vùng hàm trên, rỉ dịch mủ vàng, được lấy làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn. Bệnh nhi được sử dụng kháng sinh phổ rộng ban đầu, điều chỉnh nước điện giải, hạ sốt.
“Kết quả cấy mủ mọc vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus kháng methicillin, loại cầu khuẩn có tính kháng thuốc cao, “cứng đầu” với các kháng sinh thích hợp cho loại vi khuẩn này”, bác sĩ Tiến nói.
Bệnh nhi được sử dụng kháng sinh phù hợp vancomycin và điều chỉnh liều thích hợp dựa trên đo nồng độ đáy, đỉnh của vancomycin trong máu. Tuy nhiên diễn tiến trẻ không thuận lợi, sốt cao liên tục, viêm mô tế bào vùng gò má tiếp tục sưng to lan rộng.
Các bác sĩ tiến hành chụp CT scan vùng hàm mặt, ghi nhận khối tụ mủ vùng gò má phải ăn vào xương hàm trên phải, ăn lan về phía trước.
Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, bệnh nhi bú sữa bình, vì mẹ ít sữa, nhưng việc chăm sóc nướu lợi khoang miệng không đầy đủ.
Lúc này các bác sĩ nhận định, nguyên nhân khiến bệnh nhi bị viêm mô tế bào hóa mủ nặng vùng má là do không được người nhà làm vệ sinh rơ miệng thường xuyên.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt tiến hành rạch thoát mủ vùng nướu lợi hàm trên phía trước, hút sạch mủ và cho trẻ rửa hút mủ mỗi ngày.
“Sau gần một tháng điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, bớt sưng viêm gò má, mắt bớt sưng mở được tốt, bú khá”, bác sĩ Tiến cho biết.
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo các phụ huynh phải thường xuyên vệ sinh rơ miệng cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý, hoặc nước chín nguội giống như chải răng ở trẻ lớn, tận dụng sữa mẹ tối đa cho con em mình để trẻ được dinh dưỡng và bảo vệ tốt nhất.