Tại hội nghị Xổ số Kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam lần thứ 109 ngày 17.1.2017 ở Sóc Trăng, 21 công ty XSKT và Vietlott đã trực tiếp đối mặt nhau.
XSKT sẽ tự chấn chỉnh nhưng cũng muốn chấn chỉnh Vietlott
Trong báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh XSKT năm 2016, hội đồng XSKT khu vực miền Nam dành gần 1 trang để nêu “một số vi phạm trong hoạt động kinh doanh xổ số điện toán”.
Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động, xổ số điện toán đã có biểu hiện phá rào, vi phạm các quy định trong kinh doanh như phát hành sai địa bàn (chỉ được triển khai kinh doanh tại 12 tỉnh, thành phố nhưng Vietlott in sẵn đưa đi tiêu thụ tại hơn 30 tỉnh, thành phố); thực hiện không đúng phương thức phân phối (cho các đại lý tổ chức sản xuất in vé điện toán hàng loạt trước 2 tuần - 6 kỳ xổ số với số lượng lớn để tung ra thị trường bằng hình thức bán dạo, dẫn đến phát hành sai địa bàn, bán vượt mệnh giá vé và bán vé có khuyến mãi…).
Từ ngày có Vietlott có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như quảng cáo, quảng bá sản phẩm nội dung không rõ ràng, gây phản cảm; sử dụng truyền thông để phát triển thị trường không khách quan, thiếu trung thực; so sánh phiến diện có chủ đích để phủ nhận xổ số truyền thống và đề cao xổ số điện toán nhằm tạo sự ngộ nhận, hiểu lầm cho khách hàng để PR sản phẩm...
Như ông Nguyễn Khắc Vũ - Giám đốc Công ty XSKT tỉnh Bến Tre - nói Vietlott đã “xé rào” đến mức không thể chấp nhận khi để đại lý bán vé treo biển “xổ số kiểu Mỹ” nhưng cho đi bán dạo. Hay đại diện lãnh đạo Công ty XSKT tỉnh Đồng Tháp cho rằng “việc cạnh tranh này chưa thấy bình đẳng”.
Những trang còn lại trong báo cáo là kiến nghị chấn chỉnh như sẽ xây dựng website XSKT khu vực miền Nam để thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch các hoạt động kinh doanh, thông tin trúng thưởng, số tiền nộp ngân sách nhà nước, các hoạt động từ thiện xã hội… để người dân theo dõi, giám sát; đổi mới hoạt động kinh doanh, phát triển thêm các loại hình xổ số được phép kinh doanh; đưa thêm sản phẩm mới để tăng tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người chơi…
Bên cạnh đó, 21 công ty đã thống nhất sẽ động viên các đại lý tiếp tục kinh doanh vé số truyền thống; đề nghị đại lý cam kết không bán vé số điện toán. Năm 2017, tất cả đại lý sẽ ký lại hợp đồng trong đó có điều khoản “nếu làm đại lý xổ số truyền thống thì không làm đại lý xổ số điện toán”. Đại lý vi phạm sẽ được nhắc nhờ và thông báo đến tất cả 21 công ty xổ số. Nếu tái phạm sẽ bị chế tài, xử lý.
Theo ông Đỗ Quang Vinh, chủ tịch Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, năm 2016 tiêu thụ XSKT sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của vé số điện toán (Vietlott). Doanh thu bình quân các công ty xổ số nhóm 1 thực tế đã giảm từ 3-5%, nhóm 2 giảm 6-10% và nhóm 3 giảm trên 10%/kỳ, tùy ngày.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)cho biết, qua 5 tháng kinh doanh, tổng doanh thu của Vietlott là hơn 1.600 tỉ đồng, đóng góp ngân sách hơn 400 tỉ đồng.
Tình hình này cho thấy nếu không chấn chỉnh khả năng thực hiện kế hoạch năm 2017 và các năm tiếp theo của 21 công ty XSKT khu vực miền Nam khó hoàn thành các chỉ tiêu được giao, đặc biệt là chỉ tiêu nộp ngân sách do Bộ Tài chính giao.
Và không những muốn chấn chỉnh hoạt động chính mình, hội đồng XSKT miền Nam vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính chấn chỉnh những vi phạm trong kinh doanh của Vietlott.
Không nghe nhắc đến chiết khấu cho người bán vé số dạo
Về những “bức xúc” và lo lắng nói trên của XSKT, nhiều độc giả đã đưa ra bình luận có phần dí dỏm.
Như độc giả nickname Cư Sĩ nói: Tư duy thủ cựu ngăn sông cấm chợ lại xuất hiện, thử hỏi xổ số truyền thống có ai bán đúng địa bàn của mình. Thực tế thì lượng tiêu thụ của TP.HCM là khủng nhất, vậy thì TP.HCM chỉ cho bán vé số của mình tại địa phương và cấm vé số của các tỉnh khác thì như thế nào?
Độc giả khác lật ngược vấn đề: XSKT chỉ ký hợp đồng với đại lý, tại sao đại lý lại phân phát cho người bán dạo? Còn nói về giá bán, khi đại lý cảm thấy có lợi nhuận cao, họ có quyền trích phần trăm của họ cho người bán vé số dạo giúp đẩy doanh số và người bán vé số dạo muốn bán giá nào là tùy họ, quan trọng nhất là người tiêu dùng họ đã biết thông tin và họ chấp nhận giá bán đó của người bán dạo.
Đáng lưu ý có ý kiến của độc giả Tuan: “Sao không nghe nhắc tới thay đổi chiết khấu, quyền lợi của những người bán vé số dạo?”.
Về kiến nghị năm 2017, tất cả đại lý sẽ ký lại hợp kèm điều khoản nếu làm đại lý xổ số truyền thống thì không làm đại lý xổ số điện toán; đại lý vi phạm sẽ được nhắc nhờ và thông báo đến tất cả 21 công ty xổ số, nếu tái phạm sẽ bị chế tài, xử lý; một độc giả nhận định: “Tôi có cách lách luật. Nhà tôi làm đại lý vé số truyền thống và bán kèm vé số điện toán mấy yêu cầu như thế thì tôi chia làm 2 cửa tiệm. Để cho người nhà bán vé số truyền thống còn tôi bán Vietlott”.
Độc giả khác chia sẻ: “Người nhà tôi mua vé số kiến thiết gần 30 năm nay trúng tổng cộng khoảng 5 triệu (trung bình 5 tờ /ngày). Lỗ quá nặng! Trong khi 1 tháng nay chuyển sang mua điện toán cũng với số lượng trên, trúng lai rai và tính đến thời điểm này đang lãi được hơn 300 ngàn đồng”.
Trong khi đó độc giả Phạm Phú nêu ý kiến: Hãy làm nổi bật vai trò của 2 chữ kiến thiết thì người dân sẽ ủng hộ.
Tương tự là ý kiến của độc giả Huỳnh Hữu Hạnh: Phải bổ sung thêm vào trang website XSKT khu vực miền Nam mức chi lương thưởng của cán bộ công ty xổ số, các công trình phúc lợi xã hội được xây dựng từ nguồn thu xổ số, làm công khai như vậy chắc chắn mọi người sẽ không quay lưng với loại hình xổ số truyền thống.
Có thể lấy ý kiến của 2 độc giả Rongviet và Anh Khoa làm câu kết: “Tại sao không đưa người mua thành "khách hàng là thượng đế " để có sự lựa chọn phù hợp mà phát triển? Không ai khác ngoài người mua vé số quyết định quyền và cách chơi theo ý họ mà thôi”. Đơn giản nếu “không thay đổi thì người mua vé số sẽ đổi thay!”.
Thi Anh (tổng hợp từTuổi Trẻ)