Dân thường Sri Lanka đang phải trả giá cho sự quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng loạt vụ tấn công khủng bố năm 2019 tàn phá ngành du lịch nước này.

Khủng hoảng nhân đạo tại Sri Lanka

Cẩm Bình | 13/07/2022, 15:56

Dân thường Sri Lanka đang phải trả giá cho sự quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng loạt vụ tấn công khủng bố năm 2019 tàn phá ngành du lịch nước này.

Chamila Nilanthi (47 tuổi) cảm thấy mệt mỏi với sự chờ đợi. Người mẹ hai con này đã dành ra 3 ngày xếp hàng lấy dầu hỏa ở thị trấn Gampaha, 2 tuần trước cũng dành 3 ngày xếp hàng mua ga, nhưng về tay không.

“Tôi hoàn toàn chán ngấy và kiệt sức. Không biết chúng tôi phải xếp hàng như vậy bao lâu nữa”, bà Nilanthi than vãn.

Vài năm trước, kinh tế Sri Lanka tăng trưởng mạnh mẽ đủ để đem lại việc làm và an toàn tài chính, nhưng nay đang sụp đổ, phụ thuộc vào viện trợ từ Ấn Độ cùng một số quốc gia khác, trong lúc giới lãnh đạo cố gắng đàm phán xin gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong vô vọng.

Kinh tế sụp đổ dẫn đến bất ổn chính trị và biểu tình. Ngày 9.7, hàng nghìn người biểu tình xông dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và phóng hỏa nhà riêng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Sau đó cả hai nhà lãnh đạo đều tuyên bố chấp nhận từ chức. Tổng thống đã phải bay trốn ra nước ngoài.

Những gì đang xảy ra ở quốc đảo 22 triệu dân tồi tệ hơn một cuộc khủng hoảng tài chính thông thường. Đây là tình trạng suy sụp hoàn toàn về kinh tế khiến người dân phải vật lộn để mua thực phẩm, nhiên liệu cùng nhiều nhu yếu phẩm khác, đồng thời thổi bùng bất ổn và bạo lực. Học giả Scott Morris thuộc Trung tâm Phát triển toàn cầu (Mỹ) nhận xét: “Nó đang nhanh chóng chuyển thành khủng hoảng nhân đạo”.

kh1000.jpeg
Tình trạng khan hiếm thực phẩm và nhiên liệu kéo dài hàng tháng nay tại Sri Lanka - Ảnh: AP

Thảm họa như vậy thường thấy ở các quốc gia nghèo khó tại vùng cận Sahara của châu Phi hoặc tại Afghanistan bị chiến tranh tàn phá, hiếm hơn ở quốc gia thu nhập trung bình như Sri Lanka nhưng không phải không xảy ra: 6 triệu người Venezuela rời bỏ đất nước giàu dầu mỏ của họ để thoát khỏi một cuộc khủng hoảng chính trị tàn phá nền kinh tế. Indonesia - nền kinh tế từng được mệnh danh “con hổ châu Á”, vào cuối thập niên 1990 rơi vào tình trạng thiếu thốn mức độ suy thoái, gây ra bạo loạn và bất ổn chính trị.

Nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng tại Sri Lanka hiện tại là cách quản lý kinh tế yếu kém cộng thêm ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, cùng loạt vụ tấn công khủng bố năm 2019 tàn phá ngành du lịch nước này.

Chính phủ gánh khoản nợ lớn nhưng lại tiến hành cắt giảm thuế vào năm 2019 làm cạn kiệt ngân sách. Dự trữ ngoại hối giảm mạnh khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu hàng hóa hay bảo vệ giá trị đồng nội tệ.

Dân thường Sri Lanka, nhất là người nghèo, phải trả giá. Hàng người xếp hàng mua ga và xăng qua nhiều ngày có thể dài hơn 2km. Đôi lúc họ về tay không như bà Nilanthi nêu ở trên.

Đến nay đã có ít nhất 16 người thiệt mạng khi chờ mua xăng, có trường hợp một người đàn ông chết trong xe ở ngoại ô thủ đô Colombo. Không có xăng buộc nhiều người chuyển sang đạp xe hay dùng phương tiện công cộng.

Trường học phổ thông ở thủ đô cùng một số trường đại học đóng cửa, công chức nghỉ làm ngày thứ sáu trong vòng 3 tháng để tiết kiệm nhiên liệu và tự trồng rau quả.

kh10001.jpeg
Hàng dài bình ga xếp bên ngoài một điểm phân phát của nhà nước tại Sri Lanka - Ảnh: AP

Theo số liệu chính thức, lạm phát giá lương thực của Sri Lanka đang ở mức 57%. Khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thực hiện tháng 6 vừa rồi cho thấy 70% hộ gia đình Sri Lanka đã phải cắt giảm lượng lương thực tiêu thụ. Nhiều gia đình trông chờ vào gạo chính phủ phân phát hay thực phẩm từ thiện từ nhà hảo tâm.

Không mua được ga, nhiều người quay lại dùng bếp dầu lửa hoặc bếp củi. Gia đình khá giả có thể dùng bếp điện nếu không mất điện. Phần lớn người dân Sri Lanka không đủ khả năng mua bếp điện hay trả hóa đơn tiền điện cao hơn.

Người dân phẫn nộ tổ chức biểu tình, ẩu đả xảy ra vì có người chen ngang khi mua nhiên liệu. Vào tháng 6 có trường hợp một binh sĩ tấn công cảnh sát tại trạm xăng do tranh cãi về giá cả. Viên cảnh sát bị đánh nhập viện, quân đội cùng cảnh sát đang tiến hành điều tra vụ việc.

Nhà Rajapaksa quyền lực bị đổ lỗi. Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa đều đã từ chức, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã phải bỏ trốn sáng nay 13.7.

Nhưng theo ông Ranjana Padmasiri nhân viên bán hàng của một công ty tư nhân, thì việc từ chức vẫn chưa đủ: “Họ không thể thoát đi dễ dàng như vậy. Họ phải chịu trách nhiệm”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khủng hoảng nhân đạo tại Sri Lanka