Khi khủng hoảng tại Sri Lanka lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần qua, hai nhân vật ở trung tâm tình hình hỗn loạn do kinh tế đất nước sụp đổ đã chấp nhận từ bỏ quyền lực.

Hai nhân vật trung tâm trong khủng hoảng tại Sri Lanka

Cẩm Bình | 13/07/2022, 10:55

Khi khủng hoảng tại Sri Lanka lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần qua, hai nhân vật ở trung tâm tình hình hỗn loạn do kinh tế đất nước sụp đổ đã chấp nhận từ bỏ quyền lực.

Một người là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa – thành viên gia đình có ảnh hưởng bậc nhất Sri Lanka. Ông chuẩn bị từ chức vào ngày 13.7.

Người còn lại là Thủ tướng Ranil Wickremesinghe do Tổng thống Rajapaksa bổ nhiệm – chính trị gia đối lập dày dạn kinh nghiệm, được đưa vào nội các để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Ngày 9.7, hàng nghìn người biểu tình tập trung trên đường phố thủ đô Colombo rồi xông vào chiếm giữ dinh Tổng thống. Vài giờ sau lãnh đạo các chính đảng trong Quốc hội Sri Lanka kêu gọi Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Wickremesinghe từ chức, người biểu tình cũng phóng hỏa nhà riêng của Thủ tướng Wickremesinghe.

hai1000.jpeg
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (phải) và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe (trái) - Ảnh: AP

Gotabaya Rajapaksa

Trong nhiều thập kỷ, nhà Rajapaksa đầy quyền lực thống trị chính trường ở quận nông thôn nơi họ sống trước khi ông Mahinda Rajapaksa đắc cử Tổng thống Sri Lanka năm 2005. Nhà lãnh đạo này thu hút cộng đồng theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo Sinhalese, dẫn dắt Sri Lanka đánh bại lực lượng nổi dậy người Tamil năm 2009 chấm dứt nội chiến 26 năm. Ông Gotabaya Rajapaksa - em trai Tổng thống Mahinda Rajapaksa – lúc đó đã là quan chức quyền lực, nhà chiến lược quân sự trong Bộ Quốc phòng.

Tổng thống Mahinda Rajapaksa nắm quyền cho đến năm 2015, bị phe đối lập do cựu trợ lý của mình đánh bại. Nhưng nhà Rajapaksa quay trở lại vào năm 2019 lúc ông Gotabaya Rajapaksa đắc cử Tổng thống với cam kết khôi phục an ninh sau loạt vụ đánh bom nhà thờ dịp lễ Phục sinh khiến 290 người thiệt mạng, tuyên bố đưa chủ nghĩa dân tộc Phật giáo Sinhalese quay trở lại, đưa đất nước thoát khỏi suy thoái.

Nhưng thay vào đó, ông mắc một loạt sai lầm chết người dẫn đến khủng hoảng chưa từng có.

Khi du lịch lao dốc vì loạt vụ đám bom và khoản vay nước ngoài cho nhiều dự án gây tranh cãi cần được hoàn trả, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa không nghe đội ngũ cố vấn kinh tế mà xúc tiến đợt cắt giảm thuế lớn. Cắt giảm thuế nhằm mục đích thúc đẩy chi tiêu nhưng phe phê bình cảnh báo làm vậy sẽ khiến ngân sách nhà nước sụt giảm. Phong tỏa chống dịch COVID-19 cùng lệnh cấm phân bón hóa học giáng thêm đòn mạnh vào nền kinh tế Sri Lanka vốn đã mong manh.

Sri Lanka sớm cạn tiền, không thể trả nợ. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men làm bùng lên ngọn lửa giận dữ trong dân.

Nhà Rajapaksa bắt đầu gặp sóng gió vào tháng 4, nhiều cuộc biểu tình buộc ba người thân của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ bỏ chức vụ trong nội các (có cả Bộ trưởng Tài chính). Đến tháng 5, lực lượng ủng hộ chính phủ tấn công nhóm biểu tình khiến 9 người thiệt mạng. Sự tức giận chuyển sang ông Mahinda Rajapaksa – lúc này đang giữ chức Thủ tướng. Nhưng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vẫn không chịu từ bỏ quyền lực, thay vào đó ông tìm đến vị cứu tinh là chính trị gia Ranil Wickremesinghe.

Ranil Wickremesinghe

Từng 6 lần giữ chức Thủ tướng, nhiệm kỳ mới nhất của ông Wickremesinghe được đánh giá là thách thức nhất. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bổ nhiệm chính trị gia này nhằm mục đích khôi phục uy tín quốc tế khi chính phủ của ông đàm phán xin gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Thủ tướng Wickremesinghe bắt đầu nỗ lực đàm phán khó khăn với các bên cho vay, tổ chức tài chính và đồng minh. Ông còn tăng thuế và cam kết cải cách chính phủ.

Nhưng Thủ tướng Wickremesinghe thiếu cả sức mạnh chính trị lẫn sự ủng hộ từ người dân để hoàn thành công việc. Danh tiếng của ông đã bị giảm sút bởi nhiệm kỳ trước, khi ông chia sẻ quyền lực với Tổng thống khi đó là Maithripala Sirisena. Bất đồng giữa hai người được xem là nguyên nhân dẫn đến lỗi thông tin tình báo khiến lực lượng an ninh Sri Lanka không ngăn chặn loạt vụ đánh bom 2019.

Khi tình trạng thiếu thốn nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men cứ kéo dài, sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Wickremesinghe càng giảm sút. Nhiều người chỉ trích quyết định bổ nhiệm ông chỉ có tác dụng giúp Tổng thống Gotabaya Rajapaksa giảm bớt áp lực từ chức.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
3 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai nhân vật trung tâm trong khủng hoảng tại Sri Lanka