PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua thì có thể góp phần thúc đẩy việc xử lý nợ xấu vì đã tạo ra những cơ chế thuận tiện cho việc thanh lý.

Nghị quyết xử lý nợ xấu có thể đem đến nhiều tín hiệu tích cực

Trí Lâm | 22/05/2017, 18:21

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua thì có thể góp phần thúc đẩy việc xử lý nợ xấu vì đã tạo ra những cơ chế thuận tiện cho việc thanh lý.

Nợ xấu vẫn còn nhiều

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2012 - 2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 610.000 tỉđồng nợ xấu. Nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm gần 44%.

Tính đến 31.3.2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống TCTD trên 160.000 tỉ đồng, tương được 2,56% tổng dư nợ tín dụng.

Phó thủ tướng nhìn nhận, việc triển khai phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC còn nhiều khó khăn; năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, việc xử lý nợ xấu thời gian qua có nhiều vướng mắc, nhất là trong vấn đề giải chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, dẫn đến hiệu quả không được cao như kỳ vọng.

Theo ông Thịnh, bắt đầu từ việc xem xét khả năng tài chính và hiệu quả của các dự án có đủ điều kiện bảo lãnh hay không thì cơ quan thẩm định đã làm chưa nghiêm túc, dẫn đến các DNNN vay đầu tư mà không hiệu quả, không có khả năng trả nợ.

Với các tài sản có thế chấp thì tài sản có thế chấp chủ yếu là bất động sản, tồn đọng từ những năm 2008-2009. Thời gian gần đây, số tài sản này xuống giá, việc thanh lý tài sản, nhất là tài sản đất đai và tài sản gắn liền với đất còn nhiều vấn đề vướng mắc, cơ chế xử lý không rõ ràng. Do đó, muốn mang những tài sản đó ra đấu giá hoặc bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất khó khăn.

“Chúng ta mới chỉ khoanh nợ xấu lại VAMC thôi. Khi thành lập VAMC, họ đã dồn nợ xấu về bán cho các ngân hàng theo nguyên giá của các món nợ đó và chờ đợi trong 5 năm. Nếu không xử lý được thì lúc đó, khoản nợ đó sẽ hoàn lại cho các ngân hàng. Thời gian qua, VAMC bán được số nợ không lớn”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh nói thêm: “Nếu bây giờ Chính phủ cho phép bán đầu giá các khoản nợ xấu thì các khoản nợ này không đủ 100% như VAMC đã mua, thậm chí có những món chỉ 10-20% thì mới có người mua”.

Theo chuyên gia này, thời gian qua, các ngân hàng cũng đã có trách nhiệm mỗi năm trích quỹ để xử lý nợ xấu. Trong vòng 5 năm, có thể họ đã trích đủ khoản tiền để xử lý nợ xấu nhưng chưa muốn dùng để xử lý, nên khoản nợ xấu vẫn còn tồn đọng.

Về nguyên nhânchậm xử lý nợ xấu, trong một cuộc trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết, thực chất việc VAMCmua nợ về cơ bản là mua trên sổ sách. Tổ chức này có công bắt được “nợ” nhốt vào một chỗ, nhưng dường như chưa có một giải pháp căn cơ để xử lý số nợ này.

Ông Trinh dẫnsố liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, tỷ lệ giữa nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2011 của khối doanh nghiệp Nhà nước là 3,3, của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 3. Thông thường khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay thì nếu doanh nghiệp có 1 đồng vốn chủ sở hữu thì chỉ vay được khoảng 0,6 – 0,7 đồng. Trường hợp có 1 đồng mà lại vay đến hơn 3 đồng thường xảy ra đối với doanh nghiệp Nhà nước hoặc do việc định giá tài sản khi cho vay. Khi tài sản thực sự không như vậy thì ai dám mua nợ xấu đã được thổi phồng qua giá trị tài sản.

Sẽ có Nghị quyết xử lý nợ xấu

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề cập đến công tác xử lý nợ xấu thời gian qua - ảnh: VGP

“Căn cứ Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; hoàn thiện các phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc khẩn trương, quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền. Củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; xử lý dứt điểm các quỹ yếu kém”, Phó thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Theo đó, sẽ khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; hoàn thiện phương án cơ cấu lại từng tổ chức tín dụng. Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát. Có cơ chế phù hợp thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dự thảo này có thể góp phần thúc đẩy việc xử lý nợ xấu vì đã tạo ra những cơ chế thuận tiện cho việc thanh lý. Theo đó, nghị quyết này cho phép thanh lý quyền sử dụng đất để giải quyết những hợp đồng vay nợ thì những tài sản này có thể giải chấp được. Khi đã giải chấp được thì có thể xử lý được nợ xấu.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cho rằng, việc chấp nhận định giá các khoản nợ xấu theo giá thị trường cũng là một điểm tích cực. Trước nay, nợ xấu chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng, trong khi 5 năm qua, ngân hàng đã trích đủ quỹ dự trữ thì hiện nay nên chấp nhận bán khoản nợ cho ai đó, dù giá trị chỉ còn 10-20% còn hơn là cứ để khoản nợ nằm đó.

“Quốc hội sẽ xem xét cho phép bán khoản nợ xấu cho nước ngoài. Điều này chúng ta mong muốn từ rất lâu nhưng vấn đề là cơ chế bán như thế nào, nhất là những tài sản gắn liền với đất thì người mua sẽ đượcsử dụng ra sao,quản lý thế nào? Trước nay vấn đề này chưa rõ ràng vì cơ chế không đầy đủ. Nếu không rõ ràng thì không ai dám mua”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, nếu cho phép những điều này thì không chỉ nhà đầu tư trong nước mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng mua tài sản thế chấp, mua nợ xấu. Dự thảo này là cơ hội để giải quyết những khoản nợ xấu trong nền kinh tế một cách tốt nhất, nền kinh tế khỏe mạnh hơn, dòng vốn được khơi thông”

“Quyền sử dụng đất cần giải quyết thế nào cho thỏa đáng. Nêu không có những quy định rõ ràng thì có mời cũng thế, không ai mua. Bên cạnh đó, cần phải có quy định rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, ngành để không chồng chéo và nâng cao tính chịu trách nhiệm”, ông Thịnh cho hay.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị quyết xử lý nợ xấu có thể đem đến nhiều tín hiệu tích cực