Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine đẩy toàn cầu vào cuộc khủng hoảng, giá cả sinh hoạt leo thang, lạm phát, và kinh tế Ai Cập không bị miễn trừ.
Ai Cập có hơn 103 triệu dân, gần 2/3 là người nghèo, và nền kinh tế èo uột, kiếm miếng ăn để sống là việc quan trọng nhất của người dân nghèo, hơn là mua quần áo mặc mùa đông.
Thợ giặt Fatima, 32 tuổi, cho biết gia đình cô đã phải ngưng mua thịt đỏ từ 5 tháng trước, thịt gà đã trở nên một món ăn xa xỉ. Cô phải vay mượn tiền của người thân để gia đình đủ ăn. Và cô sợ tình trạng trộm cắp, phạm pháp sẽ gia tăng “vì người ta sẽ không còn đủ tiền để nuôi chính mình”.
Tình trạng lạm phát ở Ai Cập đã lên mức 15,3% hồi tháng 8.2022, so với tỷ lệ 6% trong cùng kỳ năm ngoái.
Đồng bảng Ai Cập hiện bị mất giá mức kỷ lục, với 19,5 bảng mới đổi được 1 USD, điều khiến thâm thủng ngân sách và thương mại càng lớn.
Ai Cập phải siết khâu nhập khẩu nhằm bảo vệ nguồn USD. Khoản ngoại tệ cần thiết để mua lương thực và xăng dầu đã giảm xuống còn gần 10% hồi tháng 3 (không lâu sau khi bùng nổ chiến tranh ở Ukraine) và khiến giá tiêu dùng tăng cao, các nhà đầu tư phải rút hàng tỉ USD khỏi Ai Cập.
Ai Cập không có nhiều phương án xử lý các lỗ thủng về tài chính. Nước này phải quay qua vay tiền của các đồng minh trong Vịnh Ả Rập và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), như vẫn làm khi nước này lâm các cuộc khủng hoảng.
Một khoản vay mới từ IMF sẽ giúp nguồn dự trữ ngoại hối của Ai Cập không bị cạn. Nguồn này đã giảm từ 41 tỉ USD hồi tháng 2 xuống còn 33 tỉ USD.
Tuy nhiên, khoản vay mới sẽ kéo cao khoản nợ nước ngoài của Ai Cập vốn đã tăng từ 37 tỉ USD hồi năm 2010 lên 158 tỉ USD hồi tháng 3, theo các số liệu của Ngân hàng Trung ương Ai Cập.
Lãnh đạo Ai Cập cho rằng các thách thức này cho dịch COVID-19 vốn gây tổn thất nặng cho mảng du lịch, và qui việc giá cả tăng sốc là do chiến tranh ở Ukraine. Các nhà kinh tế học nói cuộc chiến này đã làm tăng mạnh giá phân bón, lương thực, nhiên liệu và dầu ăn.
Đã có những lo ngại về nguy cơ bất ổn lương thực ở Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới, với 80% là từ vùng nông nghiệp Ukraine đang lâm cảnh chiến tranh.
Từ hàng chục năm nay, đa số người dân Ai Cập thụ hưởng sự trợ giá của chính phủ đối với các loại hàng hóa cơ bản, đến độ bánh mì baladi được bán với giá gần như là cho không.
Tuy nhiên, hợp đồng an sinh xã hội này đang lâm khó khăn từ tác động của chiến tranh ở Ukraine. Chính phủ Ai Cập đã phải tìm nhiều nguồn vay ngoại tệ để nhập khẩu lúa mì để sản xuất bánh mì trợ giá.
Hồi hè vừa qua, chính phủ Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi đã nhận 500 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới, và 221 triệu USD vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Phi để mua lúa mạch. Khoản tiền này đủ trang trải chương trình trợ giá bánh mì được 6 tuần, giúp khoảng 70 triệu dân có thu nhập thấp.
Trung Quốc cũng giúp đỡ 2,8 tỉ USD qua hình thức trao đổi tiền tệ. Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất cũng hứa giúp 22 tỉ USD qua hình thức đầu tư và cho vay ngắn hạn.
Các nước Vùng Vịnh cũng cam kết thực hiện các đầu tư chiến lược ngắn hạn và dài hạn ở Ai Cập.
Hồi tháng 9, chính phủ Ai Cập công bố một chương trình bảo vệ xã hội đặc biệt, qua đó cấp phiếu lương thực và hỗ trợ tiền mặt cho 9 triệu gia đình. Ngoài ra, còn có chương trình mở các quầy hàng bán các loại lương thực cơ bản có trợ giá.
Dù vậy, một số người dân vẫn nhận định ra nước ngoài sinh sống là tốt nhất. Cho đến nay, người Ai Cập chỉ đứng sau người Afghanistan trong nhóm quốc gia có người dân đến châu Âu nhiều nhất, chủ yếu bằng đường biển, theo Tổ chức Di trú Quốc tế cho biết.