Giới phân tích lo ngại đợt bùng phát COVID-19 với biến chủng Delta từ Nam Kinh khiến kinh tế Trung Quốc thêm suy yếu trong nửa cuối năm 2021.

Kinh tế Trung Quốc bị đe dọa bởi biến chủng Delta

Cẩm Bình | 05/08/2021, 09:49

Giới phân tích lo ngại đợt bùng phát COVID-19 với biến chủng Delta từ Nam Kinh khiến kinh tế Trung Quốc thêm suy yếu trong nửa cuối năm 2021.

Đợt dịch mới nhất bùng lên từ giữa tháng 7 và đã lây lan tới hơn 20 thành phố. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nay gặp phải tình trạng chi tiêu tiêu dùng sụt giảm khi đi lại và du lịch đình trệ do hàng loạt biện pháp hạn chế để chống dịch.

Chi tiêu thường tăng cao vào mùa hè khi mọi người đi nghỉ lễ. Ngân hàng đầu tư Citic Securities đánh giá: “Tháng 8 là mùa cao điểm cho hoạt động tiêu dùng hè. Chúng tôi dự đoán đợt dịch này sẽ có tác động lớn đến tiêu dùng của ngành dịch vụ”.

Chi tiêu tiêu dùng đang chịu gánh nặng từ suy yếu kinh tế Trung Quốc từ lúc đại dịch bùng phát cho đến nay. Dù tăng 23% so với năm trước nhưng tổng doanh thu bán lẻ nửa đầu năm 2021 vẫn ở mức thấp, giới phân tích nhận định chi tiêu dường như đã đạt đỉnh.

Theo giám đốc tiếp thị Xu Xiaolei của công ty du lịch CYTS Tours, nếu không có đợt dịch mới nhất thì chi tiêu bán lẻ cho giải trí và du lịch sẽ phục hồi gần về mức trước đại dịch.

“Tác động của đợt dịch vừa bùng phát với thị trường du lịch hè là rất tồi tệ. Dự kiến những danh lam thắng cảnh ở miền trung cùng miền đông Trung Quốc sắp phải chịu cảnh doanh thu sụt giảm hơn 50%”, bà Xu cho biết.

nanjing.jpg
Hết đợt dịch tại Quảng Châu, Trung Quốc lại bùng dịch tại Nam Kinh - Ảnh: Reuters

Tương tự như đợt dịch tại Quảng Châu trong hai tháng 5 - 6, đợt dịch mới nhất sẽ ảnh hưởng kinh tế Nam Kinh đầu tiên.

Trước đó kinh tế Quảng Châu bị sụt giảm chi tiêu tiêu dùng trong ăn uống, đi lại, bán lẻ, dịch vụ. Doanh thu lĩnh vực lưu trú và ăn uống tháng 6 giảm gần 40% so với tháng 5, doanh thu bán lẻ ô tô giảm gần 15%.

Vào tháng 6, tăng trưởng tổng doanh thu bán lẻ trung bình 2 năm của Quảng Châu là âm 2,4% – trong khi ở 5 tháng đầu năm con số này là 4,4%.

Theo nhà kinh tế Zhang Yu thuộc công ty chứng khoán Huachuang Securities: “Nếu đợt dịch mới nhất ảnh hưởng 10 điểm phần trăm tăng trưởng của Nam Kinh, tăng trưởng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng 0,15 điểm phần trăm”.

Nhà kinh tế Ting Lu thuộc ngân hàng đầu tư Nomura dự báo chỉ số quản lý thu mua (PMI) hàng hóa lẫn dịch vụ của Trung Quốc sắp giảm mạnh hơn nữa trong tháng 8.

Chỉ số quản lý thu mua dựa trên năm đơn vị thành phần chính: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng cùng môi trường lao động. Mục đích của PMI là cung cấp thông tin về điều kiện kinh doanh hiện tại cho các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích và quản lý mua hàng của doanh nghiệp.

PMI trên 50 báo hiệu ngành sản xuất mở rộng, ngược lại dưới 50 là đang thu hẹp.

Theo thống kê Caixin/Markit, PMI Trung Quốc tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái đến nay. Nguyên nhân do nhu cầu giảm.

Tuy nhiên tác động từ đợt dịch mới nhất có thể được giảm thiểu do dịch bệnh chưa lan đến những vùng là trọng điểm sản xuất, chuyên gia Iris Pang thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính ING Economics nhận định.

Hiện đã có hơn 400 người ở 24 thành phố mắc bệnh. Toàn Trung Quốc có 4 vùng nguy cơ cao cùng 118 vùng nguy cơ trung bình.

Đầu tuần qua 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh rất nhanh chóng ban hành hạn chế đi lại nội địa để ngăn dịch lây lan. Giới chức Trung Quốc yêu cầu hủy bỏ mọi lễ hội và đóng cửa tất cả điểm du lịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Trung Quốc bị đe dọa bởi biến chủng Delta