Nhìn bề ngoài kinh tế Trung Quốc phục hồi ấn tượng nhưng thực sự mức độ hồi phục ở từng địa phương lại không đồng đều.

Kinh tế Trung Quốc hậu COVID-19 có ‘đẹp’ như số liệu công bố?

Cẩm Bình | 01/11/2020, 11:20

Nhìn bề ngoài kinh tế Trung Quốc phục hồi ấn tượng nhưng thực sự mức độ hồi phục ở từng địa phương lại không đồng đều.

20201031_fnp504.jpg
Trái ngược với số liệu “màu hồng” là tình trạng khoảng cách kinh tế giữa các địa phương ngày một mở rộng - Ảnh: SCMP

Phố đi bộ Nam Kinh nổi tiếng tại Thượng Hải cuối tuần qua tấp nập người. Họ đổ xô đến khu bến tàu ngắm cảnh thành phố về đêm. Nhưng cùng thời điểm đó, quang cảnh tại Kashgar (khu tự trị Tân Cương) lại hoàn toàn khác biệt: hầu hết cửa hàng đóng cửa, đường phố im ắm do thành phố bị phong tỏa sau khi phát hiện hơn 100 ca nhiễm COVID-19 không triệu chứng.

Đây là hình ảnh thể hiện rõ bản chất không đồng đều của phục hồi kinh tế Trung Quốc. GDP nước này trong quý 1/2020 giảm kỷ lục 6,8%, vậy mà đến quý 3 tăng mạnh mẽ 4,9%. Giới chức Bắc Kinh còn thông báo quy mô kinh tế quốc gia năm nay sắp vượt qua 100 nghìn tỉ nhân dân tệ (gần 15 nghìn tỉ USD).

Tuy nhiên dưới con số đẹp đẽ nêu trên, phân hóa kinh tế giữa các địa phương ngày càng lớn – không chỉ phân hóa đông - tây truyền thống mà cả phân hóa nam - bắc.

Trong 31 địa phương đã công bố số liệu tăng trưởng trong 3 quý thì 25 nơi có mức tăng tích cực hơn năm trước. Con số này cao hơn 10% so với nửa đầu năm, giúp đẩy tăng trưởng quốc gia 3 quý lên 0,7%.

Khu tự trị Tây Tạng đứng vị trí số 1 với tăng trưởng 6,3% trong 9 tháng của năm 2020. Nhưng quy mô kinh tế địa phương này vẫn nhỏ nhất cả nước.

Vùng kinh tế lớn nhất miền nam Quảng Đông tăng 0,7%, đảo ngược mức giảm 2,5% nửa đầu năm; tỉnh Giang Tô ở ven biển miền đông tăng trưởng đến 2,5%. Trong khi đó, Thượng Hải suy giảm 0,3%.

Tăng trưởng của khu tự trị Tân Cương - khu vực quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường - giảm từ 3,3% (nửa đầu năm) xuống còn 2,2%. Kinh tế tỉnh Hồ Bắc - nơi bùng phát COVID-19 đầu tiên - tiếp tục suy yếu với mức giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai địa phương lần lượt nằm ở miền tây bắc và miền trung Trung Quốc, không giáp biển.

Kinh tế Nội Mông, Hắc Long Giang, Liêu Ninh ở phía bắc cũng giảm trong 9 tháng của năm, thành phố Thiên Tân chỉ quay về mức như 1 năm trước.

Kết thúc phiên họp toàn thể vào hôm 30.10, Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ra thông cáo nhận định: “Vấn đề mất cân bằng, phát triển không đầy đủ vẫn rất nghiêm trọng. Khoảng cách giữa thành thị với nông thôn trong phát triển kinh tế và phân phối thu nhập cấp địa phương còn lớn”.

Dựa theo nhận định trên, họ đặt ra mục tiêu khu hẹp đáng kể khoảng cách phát triển vùng miền cũng như khoảng cách thành thị - nông thôn.

kashgar.jpg
Thành phố Kashgar (Tân Cương) tái bùng phát dịch COVID-19 - Ảnh: SCMP

Hiện tại, 5 trong 10 vùng kinh tế lớn nhất Trung Quốc nằm dọc theo bờ biển phía đông, chỉ có 1 vùng là Tứ Xuyên nằm phía tây.

Ngoài Hồ Bắc cùng Thượng Hải, 6 địa phương có tăng trưởng 9 tháng thấp hơn mức trung bình cả nước đều ở phía bắc.

Theo nhà phân tích Huang Hancheng thuộc đơn vị tư vấn Trigger Trend: “Năng lực cạnh tranh của miền nam phát triển nhanh hơn miền bắc, do đó khoảng cách nam - bắc sẽ mở rộng hơn nữa và trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn khoảng cách đông - tây”.

Miền bắc nhiều thập kỷ trước dựa vào tài nguyên thiên nhiên cùng công nghiệp nặng. Hai động lực tăng trưởng này đã suy yếu trong vài năm gần đây, nay lại hứng chịu thêm vài đợt bùng phát COVID-19 (tại Bắc Kinh tháng 6, Đại Liên tháng 7, Thanh Đảo đầu tháng 10, mới nhất là Kashgar).

Nhà kinh tế Gao Shanwen thuộc công ty chứng khoán Essence Securities kêu gọi chính sách kinh tế cùng mạng lưới an sinh xã hội nên hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nhóm thu nhập thấp lẫn cư dân nông thôn. Ông nói: “Chính sách tài khóa và tiền tệ của Trung Quốc còn tồn tại lỗ hổng ảnh hưởng xấu đến công bằng xã hội, kiềm hãm nền kinh tế phục hồi hiệu quả và bền vững hơn”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Trung Quốc hậu COVID-19 có ‘đẹp’ như số liệu công bố?