Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan, dù vẫn còn không ít thách thức phải đối mặt.
Thị trường và chính sách

Kinh tế Việt Nam 2023: Đi qua những 'cơn gió ngược'

Lam Thanh 04/01/2024 14:02

Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan, dù vẫn còn không ít thách thức phải đối mặt.

Tăng trưởng khả quan trong bối cảnh khó khăn chung

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), năm 2023, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,05%.

Nhìn từ phía cung, ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế đang tích cực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa gặt hái được nhiều kết quả tích cực tạo nên tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.

Ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm làm cho tăng trưởng của ngành này đạt 6,86% trong quý 4 đạt và cả năm 2023 đạt 3,02%; ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc do thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giá một số nguyên vật liệu chủ yếu phục vụ cho xây dựng hạ nhiệt.

Ngoài ra, một số ngành dịch vụ thị trường trong quý 4 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ đầu năm. Tính chung cả năm 2023 các ngành này vẫn tăng trưởng khá tốt, là điểm sáng của khu vực dịch vụ trong năm 2023.

thinh-2.jpeg
Tăng trưởng năm 2023 thấp hơn mục tiêu đề ra

Nhìn từ phía cầu, tiêu dùng cuối cùng tuy chưa thể sôi động trở lại như trước khi đại dịch nhưng cơ bản vẫn ổn định, cả năm đạt 3,52%, đóng góp 2,07 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Nhìn chung, cầu tiêu dùng vẫn là nhân tố chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Tích lũy tài sản năm 2023 ước tăng 4,09%, đóng góp 1,34% vào tăng trưởng chung.

Hơn nữa cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu khoảng 28 tỉ USD đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế năm 2023 được hỗ trợ bởi kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.

Tuy nhiên, thách thức là những bất ổn về địa chính trị, kinh tế thế giới gặp khó khăn, tổng cầu phục hồi yếu; lạm phát nhiều nước vẫn ở mức cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định, đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước; sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa tạo được sự bứt tốc mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu do sụt giảm; hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt và lạm phát vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn…

Nói với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng 2023 là năm đầy khó khăn với cả thế giới lẫn Việt Nam.

Theo đó, việc lạm phát gia tăng đã khiến các quốc gia nâng lãi suất rất cao để ứng phó, kéo theo chi phí vốn của doanh nghiệp lớn, đầu vào sản xuất kinh doanh bị co hẹp, lượng hàng nhập khẩu giảm mạnh… Tất cả những điều này đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam, khiến tăng trưởng không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

thinh-1.jpeg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Dù vậy, ông Thịnh cho rằng Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lượng hàng sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá không quá căng thẳng…

Hai kịch bản cho kinh tế 2024

Nhận định về kinh tế 2024, Tổng cục Thống kê cho rằng các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cụ thể, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn dai dẳng; lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao do tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường; áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.

Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

“Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn”, Tổng cục Thống kê nêu.

Tuy vậy, cơ quan này cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

thinh-3.jpeg
2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2024

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra 2 kịch bản với tăng trưởng GDP trong năm 2024.

Ở kịch bản thứ nhất, đó là tăng trưởng GDP không đạt như kỳ vọng và sẽ đạt con số từ 5,5 - 6,5% với các điều kiện chúng ta vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng giao thương quốc tế vẫn trì trệ, nền kinh tế thế giới tăng trưởng không như mong muốn, lạm phát vẫn cao.

Ở kịch bản thứ 2, đó là khi nền kinh tế thế giới được cải thiện tốt hơn, lạm phát thấp hơn, lãi suất được các quốc gia trên thế giới hạ xuống, nhu cầu giao thương quốc tế tăng lên, hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta sẽ tốt hơn. Cộng với điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, giá trị đồng tiền Việt tiếp tục được giữ vững như hiện nay, các cân đối vĩ mô về nợ vay và các vấn đề khác tốt hơn thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng GDP có thể đạt được từ 6,2 - 7% trong năm 2024 này.

Bài liên quan
Vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế số, khoa học công nghệ của cả nước
Sáng nay 5.5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì hội nghị lần thứ 3 của hội đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Lập những kỳ tích ‘Điện Biên Phủ mới’ trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Việt Nam 2023: Đi qua những 'cơn gió ngược'