Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 3, nguyên Thường trực Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư (hàm bộ trưởng) là 1 trong 4 trung tướng được phong hàm theo sắc lệnh năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, phải hơn 8 năm sau khi bao oan trái ập đến với mình, ông mới được minh oan và Bộ Chính trị đã kết luận ông "không liên quan đến nhóm xét lại, chống Đảng" và đ

Kỳ 3: Những năm tháng đắng cay nhưng không chịu lùi bước...

Quốc Phong | 12/03/2018, 05:59

Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 3, nguyên Thường trực Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư (hàm bộ trưởng) là 1 trong 4 trung tướng được phong hàm theo sắc lệnh năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, phải hơn 8 năm sau khi bao oan trái ập đến với mình, ông mới được minh oan và Bộ Chính trị đã kết luận ông "không liên quan đến nhóm xét lại, chống Đảng" và đ

Kỳ 1: Được phục hồi, nhưng nỗi oan sau nửa thế kỷ vẫn chưa được giải mã

Kỳ 2:Vị tướng tài ba mắc họa khi đang ở độ tuổi sung sức

- Nhà báo Quốc Phong: Thật buồn cho lịch sử với những khúc quanh, những điều oan trái xảy đến cho những con người vì nước quên thân như tướng Vịnh. Xin hỏi thêm anh: Tướng Vịnh đã phản ứng như thế nào khi bị kỷ luật, có thể nó rơi vào hoàn cảnh của mộtcon người thuộc diện đỉnh cao trong quân đội bị đẩy xuống vực sâu?

- Ông Bùi Huy Hùng:Ngay sau khi bị đình chỉ công tác để kiểm điểm và điều tra,ông Vịnh rất buồn. Điều đau buồn nhất với ông là biết bao công việc hệ trọng liên quan đến sự nghiệp giải phóng miền Nam mà ông dồn toàn tâm, toàn trí suy nghĩ, tổ chức thực hiện trên cương vị cao, nắm nhiều trọng trách bị đột ngột dừng lại (ông từng là người góp phần quan trọng tham gia một phần nội dung của Nghị quyết Trung ương 15, nghị quyết về Cách mạng giải phóng miền Nam. Ông cũng là người đưa ra đề xuất mở đường mòn Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển cũng như là người thay mặt Quân ủyTrung ương vào Nam truyền đạt thay đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chủ chương đánh Mỹ giai đoạn 1968...).

Ông đã bị loại ra khỏi công việc vào lúc tình hình cách mạng miền Nam đang căng thẳng nhất, khó khăn nhất sau tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, mà chính ông là người trực tiếp tham gia xây dựng, chỉ đạo thực hiện kế hoạch đó, từng dự tính các phương án xử lý các tình huống khác nhau sau Mậu Thân.

Khi bị truy vấn về việc quan hệ với ông Đặng Kim Giang và "nhóm xét lại chống Đảng”, ông đã phản ứng gay gắt. Ông đã đặt lại vấn đề trực tiếp với một vị tướng (tôi không tiện nêu tên)phụ trách tổ điều tra đặc biệt rằngnếu anh ở địa vị tôi (Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất Trung ương), khi anh Đặng Kim Giang, đương chức thiếu tướng phụ trách cả ngành hậu cần của quân đội và chi viện cho miền Nam đến nhà anh thì anh có tiếp không? Có nói chuyện liên quan công việc không? Và nếu như anh tiếp anh Giang, có lẽ người bị truy xét hôm nay sẽ là anh, chưa chắc phải là tôi...

Rất căng thẳng, và cũng rất bất lợi cho ông vì câu trả lời thẳng thắn của ông với một người rất có quyền lực đang trực tiếp phụ trách việc điều tra xét hỏiông.

Sau khi BCHTƯ ra nghị quyết cách chức UVTƯ, khai trừ Đảng, tướng Vịnh đã được ông Lê Văn Lương mời đến văn phòng nhận quyết định kỷ luật, và ông đã đến. Tại cuộc gặp mặt, dù ông rất quý trọng ông Lương, nhưng ông đã phản ứng rất gay gắt, thậm chí đã không kiềm chế được mình để nói ra những lời rất nặng nề.

Khi ông Lương nhẹ nhàng nói những lời an ủi động viên và định đưa quyết định của Trung ương cho ông Vịnh, ông Vịnh đã không đưa tay ra nhận. Ông đã nói rằng: “Đây là một quyết định sai lầm, một quyết định bất công… Tôi không chấp nhận, đề nghị anh trả lại quyết định này cho Trung ương”.

Nói xong, ông đứng dậy ra về. Câu nói nặng nề này của ông tôi được nghe từ vợ ông, bác sĩ Trương Thị Châu kể lại vào dịp Tết Mậu Tuất vừa rồi. Hôm đó tôi vào Sài Gòn, có đến thăm bà. Sau khi thắp nén hương cho ông trên bàn thờ để ở phòng khách, tôi đã ngồi chuyện trò với bà cả tiếng. Khi kể lại chuyện của ông, bà còn rất minh mẫn, nhắc lại những câu nói nặng nề này của ông và khẳng định lại một lần nữa với tôi rằng, chính ông Lê Văn Lương đã nhắc lại và cho bà biết về phản ứng của tướng Vịnh và những lời nói nặng nề mà ông Vịnh đã nói ra với ông.

Ngay sau ngày ông Vịnh đến Văn phòng Trung ương phản ứng gay gắt, không nhận quyết định kỷ luật, ông Lương đã cho mời bà Châu đến gặp ông ấy. Tại cuộc gặp gỡ đó, ông Lương nói với bà Châu rằng, chuyện đã đến mức này, thiểu số phải phục tùng đa số, anh Vịnh phản ứng gay gắt, nói nặng lời… tôi đề nghị chị vì chị là đảng viên, gần gũi nhất với anh Vịnh,chị cần đặc biệt quan tâm lúc này, chăm sóc và động viên anh ấy tránhđể có điều gì đáng tiếc xảy ra. Chuyện của anh ấy tổ chức sẽ tính sau, nên như thế nào.

Bà quả phụ Trương Thị Châu, vợ tướng Vịnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Bà là điểm tựa vô cùng vững vàng để ông Vịnh bước qua những thử thách gian nan, có lúc đã tưởng tuyệt vọng. (Bùi Huy Hùng chụp ngày 27.2.2018)

Có lẽ với kinh nghiệm làm công tác tổ chức lâu năm, ông Lê Văn Lương đã cẩn thận lường trước tình huống xấu có thể xảy ra. Đúng như thế.Theo những người thân trong gia đình tướng Vịnh kể lại, sau khi bị kỷ luật, có những giây phút trong ông đã xuất hiện ý nghĩ tiêu cực. Như một quân nhân tự trọng, trong những ngày căng thẳng đó, có lúc ông, một mình trong phòng riêng đã lấy khẩu súng ngắn bằng thép trắng, vật kỷ niệm của Bộ trưởng Quốc phòng Hungary tặng ông, ra lau chùi, nạp đạn... Nhưng thật may mắn, ông đã tĩnh tâm trở lại.

Có một chuyện đặc biệt nghiêm trọng mà ông hình như không thổ lộ ra ngoài, nhưng sau này, ai đó từ số anh em bảo vệ gần gũiđã nói ra để sau đó người ta thêm vào cho ly kỳ, dù đó chỉ là một phần sự thật. Chuyện này tướng Vịnh nói với tôi trong chuyến đi dài ngày với lời dặn rằng, ba nói để con rút kinh nghiệm trong cuộc đời (vì khi đó, đầu năm 1977 tôi đã rời quân đội về làm cán bộ của Ban Nghiên cứu về quản lý kinh tế trực thuộc Phủ Thủ tướng). Ông kể rằng, vào khoảng đầu năm 1968 có cuộc họp của Quân ủy Trung ương thảo luận về diễn biến của tình hình phức tạp ở miền Nam và đối sách tiếp theo. Tại cuộc họp đó, tướng Vịnh đã báo cáo các phương án, đề nghị tăng quân, vũ khí… cho miền Nam. Kết thúc cuộc họp, ông Lê Đức Thọ bảo tướng Vịnh về nhà ông Thọ ở phố Nguyễn Cảnh Chân gặp riêng. Hai ông lên gác, vào phòng riêng của ông Thọ. Như mọi khi, ông Thọ tự tay pha trà, hai ông bắt đầu câu chuyện. Tướng Vịnh tranh thủ báo cáo thêm một số việc. Được một lúc thì ông Thọ gạt đi và nói rằng, thôi công việc chiến trường để bàn sau, hôm nay tớ muốn hỏi cậu một số việc. Lúc đầu, như mọi lần gặp gỡ giữa hai người, cả cách xưng hô lẫn nói chuyện với nhau rất nhẹ nhàng, thân tình; được một lúc, ông Thọ đứng dậy tiến đến bàn làm việc cầm một xấp tài liệu và hỏi ông Vịnh: Cậu và Đặng Kim Giang quan hệ thế nào? Tướng Vịnh đã kể lại với tôi rằng, nhìn xấp tài liệu, xem thái độ của ông Thọ, ông hiểu rằng, có chuyện phức tạp gì đó đang đến.

Ông đã vặn lại ông Thọ rằng, anh là người lãnh đạo của tôi bao nhiêu năm nay, anh hiểu tôi, quá trình công tác của tôi, sao anh lại hỏi như vậy? Anh không tin tôi à?

Nói đi nói lại một hồi, không khí bắt đầu nóng lên.Ông Thọ bắt đầu to tiếng, “tớ tưởng tớ hiểu cậu hóa ra không phải, xem đây này (giơ tập tài liệu trên tay ra đưa về phía ông Vịnh)! Thằng Giang nó khai hết rồi. Cậu còn cãi nữa không?” Ông Vịnh cũng không vừa, cũng to tiếng không kém. Đỉnh điểm của cuộc “nói chuyện” giữa hai ông là ông Thọ đập tay xuống bàn tuyên bố: “Cậu có còn muốn ở trong Đảng nữakhông?” Ông Vịnh cảm thấy bị xúc phạm nặng nề đã không kiềm chế, tuyên bố thẳng tưng: “Đảng ở trong trái tim tôi, ai mà nghe Giang để rồi đuổi tôi ra khỏi Đảng thì người đó là đao phủ của Giang”.Nói xong, ông đi thẳng ra cửa xuống tầng 1 ra về.(Tôi xin lỗi giữ nguyên từ “thằng” mà các ông đã dùng trong cuộc nói chuyện căng thẳng hôm đó mà tôi được ông trực tiếp kể cho nghe).

Từ đó, bẵng đi vài năm, ông không xin gặp và không gặp lại người thủ trưởng năm xưa trong Nam bộ, người lãnh đạo cao cấp đầy quyền lực, người đang phụ trách việc điều tra, xử lý vụ án “xét lại chốngĐảng” mà lúc đó người ta đang muốn khép ông vào.Các sĩ quan bảo vệ trực phía dưới cũng chưa bao giờ nghe thấy tiếng đập bàn, tiếng người cao giọng nói to từ trên gác vọng xuống trong ngôi biệt thự bình thường vốn luôn yên ắng, trang nghiêm.

Tướng Vịnh sau này đã ân hận vì sự thiếu kiềm chế, thiếu khôn khéo của mình ngày đó. Bình thường ông là người rất bình tĩnh, khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, sắc sảo nhưng hiền từ. Vậy mà, khi bị đe nẹt, cảm thấy bị xúc phạm, ông đã không kiềm chế được cảm xúc. Chính ông nói rằng, ông Thọ rất quýông vì ông vừa là bạn tù Côn Đảo, lại là đồng hương cùng huyện ở Nam Định. Song có lẽ cái buổi chiều tối không may mắn đó, mọi việc đã đi quágiới hạn.

Đó là chuyện xảy ra vào năm 1968. Gần 4 năm sau, lại một chuyện khác. Ông kể với tôi rằng, trước ngày BCHTƯ họp bàn về xử lý nhóm xét lại chống Đảng, tướng Vịnh đã xin gặp ông Lê Đức Thọ, đề nghị được tham dự cuộc họp và trình bày về vấn đề của mình trước khi Trung ương thảo luận, ra quyết định. Chính ông Lê Đức Thọ đã nói với ông rằng, việc của cậu cũng đã rõ, cậu có khuyết điểm nhưng đúng là không tham gia nhóm chống Đảng. Nếu cho cậu đến họp mà không cho đám kia đến thì sẽ phức tạp. Thôi, cứ yên tâm đi.

Thế rồi ông đã tin lời cấp trên, ngồi nhà chờ đợi.Thật không ngờ, hôm sau, một quyết định như trời giáng xuống đầu ông. Không bị “sốc” nặng thì mới là lạ! Ông đã phản ứng mạnh mẽ, phản ứng của một con người cảm thấy bị oan ức.

Phản ứng gay gắt của tướng Vịnh lúc đầu là như vậy. Nhưng rồi, sau một thời gian ngắn, ông tự lấy lại thăng bằng; với sự động viên của vợ con, chiến hữu chí cốt, ông đã tự đứng lên tổ chức lại cuộc sống, sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe và "chiến đấu", ông đã viết đơn kháng án, kêu oan gửi các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Ông đã viết nhiều đơn với những lời lẽ, chứng cứ xác đáng chứng minh mình vô tội, gửi nhiều lần, đặc biệt là trước và sau Đại hội IV. Ông đã phải đợi đến hơn 1 năm nữa sau đại hội, với sự ủng hộ của các chiến hữu, bạn bè, nhất là những người trở vềtừ chiến trường miền Nam sau khi nước nhà thống nhất, tổ chức mới xem xét lại việc kỷ luật ông và ra một quyết định mới. Tuy nhiên, quyết định có tính chất minh oan cho tướng Vịnh, rất tiếc là đã không được phổ biến rộng rãi, ngay cả trong Đảng, nên việc của ông ít người biết. Người dân càng không hề biết.

- Vâng! Thật đáng tiếc cho ông và cho sự nghiệp chung, khi mất một vị tướng tài ba, bản lĩnh, kiên cường.Theo như chúng tôi biết, tướng Vịnh có quan hệ rất gần gũi với các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và quân đội thời kỳ đó, lại là người được tin cậy giao nhiều trọng trách. Làm sao mà các vị lãnh đạo đầy quyền lực đó có thể tin vào việc ông tham gia vào nhóm xét lại chống Đảng và tại sao họ không bảo vệ ông, người chiến hữu gắn bó với họ như vậy?

- Ông Bùi Huy Hùng:Đây chính là điều mà cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho chính mình dù cũng có nhiều mối quan hệ xã hội .

Theo những gì tôi biết, tướng Vịnh có quan hệ rất thân tình và tin cậy với các ông Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ… ngay từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến sau này (bạn bè, đồng chí của ông đã viết trong cuốn sách về ông cũng khẳng định điều này). Có lẽ vì đánh giá tài năng, công lao và đạo đức của ông Vịnh nên các vị lãnh đạo đã tin cậy giao cho ông những trọng trách, đề bạt cất nhắc ông rất sớm so với nhiều người khác cùng thời. Ông Phạm Hùng cùng ông Mai Chí Thọ (em trai ông Lê Đức Thọ, sau này từng là Bộ trưởng Công An) vào năm 1950-1951 còn đứng ra mai mối tổ chức cưới vợ cho ông Vịnh ở chiến khu D, Đông Nam Bộ. Ngay cả ông Võ Nguyên Giáp tuy ở “nhóm khác” cũng có những nhận xét đánh giá cao về tướng Vịnh, và theo như tôi được biết cũng rất quý trọng ôngkhi ông được điều ra Bắc từ sau 1954. Vậy mà, không hiểu sao ông vẫn bị ghép bản án kỷ luật rất nặng, phải chịu oan trái suốt gần 3.000 ngày. Tôi cũng rất muốn biết sự thật, muốn biết khi biểu quyết khai trừ Đảng, tước quân hàm tướng Vịnh, tại Hội nghị Trung ương (khóa III) tháng 1.1972 thái độ của các vị lãnh đạo nêu trên thế nào, ngoại trừ ông Nguyễn Chí Thanh đã mất từ giữa năm 1967.

Phải chăng, thứ chính trị lớn là vậy? Trong chính trị lớn có cái gì đó huyền bí, không dễ gì lý giải. Các quyết định được đưa ra tùy thuộc vào tình thế tương quan lực lượng các bên, vào bản lĩnh của mỗi người và quan trọng nữa là quyết định được đưa ra có phải là kết quả của việc được thông tin trung thực, khách quan, được dân chủ trình bày quan điểm, tranh luận… hay không?

Phải công bằng mà nói, tuy không bảo vệ được ông Vịnh tại Hội nghị TƯ năm đó, nhưng theo những gì tôi biết thì ông Lê Duẩn, ông Phạm Hùng và ngay cả ông Lê Đức Thọ - người trực tiếp phụ trách xử lý vụ án này, tuy có lúc đã rất gay gắt trước phản ứng của tướng Vịnh, sau này đã có những động thái “đỡ” cho ông. Và đó là điều ông may mắn hơn những người khác trong thời gian gặp họa. Ngay cả sau khi bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, quân đội, bị khai trừ Đảng người ta vẫn giữ lại cho ông nhà ở, bảo vệ, cần vụ…(lương bổng, phương tiện đi lại và chế độ cung cấp có bị hạ xuống một bậc chỉ như cấp thứ trưởng đương chức). Việc công tác, học hành của vợ con tuy bị ảnh hưởng, liên lụy nhưng vướng ở đâu lại có người gỡ cho ở đấy, không công khai. Chuyện vợ ông, bác sĩ Trương Thị Châu vẫn được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.Hồ Chí Minh khi ông đã từng bị kỷ luật có thể là một ví dụ rõ nhất. Mà không ai khác, chính ông Lê Đức Thọđã là người có ý kiến thuận khi lãnh đạo thành phố này hỏi ông.

Nghe nói, qua người thân, ông Duẩn, ông Thọ... đã tỏ ra rất ái ngại và có phần ân hận vì để tướng Vịnh chịu án kỷ luật quá nặng. Và chính vì vậy, sau Đại hội IV, cùng nhiều vị lãnh đạo khác, các ông ấy đã đưa việc kỷ luật tướng Vịnh ra xem xét lại để “minh oan” cho ông bằng một quyết định mới của Bộ Chính trị.

Ông Lê Đức Thọ đã gặp ông ở bệnh viện Việt Xô, trực tiếp trao quyết định cho ông Vịnh như đã nói ở trên. Ông Lê Duẩn còn quyết định bố trí cho tướng Vịnh một công việc khác, hình như sẽ làm thứ trưởng một bộ nào đó sau khi cho ông đi chữa bệnh, nghỉ dưỡng ở nước ngoài vào giữa năm 1978. Không may ông đã mất đột ngột. Người lính vào tuổi 60, có lẽ đã hết sức lực sau gần 9 năm thầm lặng "chiến đấu" vì danh dự của chính mình, nỗi oan trái đã gặm nhấm, hủy hoại tinh thần, cơ thể ông. Chỉ có hài cốt ông đã hóa tro bụi và trở về với đất mẹ.

Cũng còn một niềm an ủi nữa với linh hồn ông và gia đình là Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ truy điệu ông khá trang trọng vào tháng 6.1978 tại Câu lạc bộ Quân đội ở phốHoàng Diệu do Thiếu tướng, Thứ trưởng Bùi Phùng chủ trì.

Vào tháng 6 năm đó, con trai tôi ra đời. Rất tiếc ông đã không biết mặt cháu. Vậy mà đã 40 năm trôi qua...

Quốc Phong

(còn tiếp)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 3: Những năm tháng đắng cay nhưng không chịu lùi bước...